08:54 12/10/2022

Việt Nam có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực

Đỗ Phong

Ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia. Hơn 90% giao dịch của nhiều ngân hàng Việt Nam đã thực hiện trên kênh số. Các công nghệ mới như AI, máy học, BigData… đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong 2 ngày 11 và 12/10, Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC tổ chức Diễn đàn cấp cao về Chuyển đổi số Ngân hàng với chủ đề “Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

NGÀNH NGÂN HÀNG TIÊN PHONG TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh, ngành Ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội đất nước, có tác động, ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định ngành Ngân hàng là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao, được ưu tiên trong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn

Trưởng ban kinh tế Trung ương nhận xét, thời gian qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2021, Việt Nam được Công ty tư vấn và quản lý toàn cầu McKinsey đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực.

Khẳng định quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả từ công tác kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn và được đánh giá là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia.

Nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm... Nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn… đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý. Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%...

Đại diện Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước thông tin, trong 8 tháng đầu 2022, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7,24% về số lượng và tăng 33,21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều tổ chức tín dụng đánh giá có mức độ sẵn sàng cao đối với việc ứng dụng các công nghệ phổ biến.

“CHÌA KHÓA” CHUYỂN ĐỔI SỐ THÀNH CÔNG

Mặc dù đã có những kết quả bước đầu khả quan, nhưng ngành Ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng tội phạm công nghệ cao với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Từ đó đặt ra cho ngành Ngân hàng phải chuyển đổi số một cách bài bản, có trọng tâm với lộ trình cụ thể.

Nhấn mạnh việc thay đổi tư duy con người là “chìa khóa” để chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong, cho biết nhờ việc chuyển đổi đã giúp ngân hàng rút ngắn các quy trình, tiết kiệm chi phí, mang lại những sản phẩm tiện ích đột phá cho khách hàng.

Với khách hàng, có tới 95% các giao dịch của ngân hàng đã được thực hiện trên kênh số. Giá thành giao dịch trên kênh số đã giảm rất nhiều so với các kênh truyền thống… Đến nay, đã có 90% hồ sơ của ngân hàng đã không sử dụng giấy tờ trong các quy trình nghiệp vụ. Điều này cho phép các quy trình được thực hiện nhanh hơn, an toàn hơn.

 
Pháp luật, cơ chế, chính sách cần phải đẩy nhanh và cập nhật kịp thời, hoàn thiện để phù hợp với môi trường kinh doanh số. Trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư, kinh doanh, dữ liệu và quản lý dữ liệu, giao dịch điện tử. Cần sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cách mạng 4.0; có các chính sách ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực tới kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội trên không gian mạng...

Từ góc nhìn của nhà cung cấp giải pháp công nghệ, ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam nhận xét, các tổ chức tài chính, ngân hàng ở Việt Nam đều đang từng bước thực hiện chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, số hóa dữ liệu và số hóa các quy trình. Khi áp dụng chuyển đổi số, chi phí công nghệ sẽ giảm rất nhiều so với công nghệ truyền thống nhưng gia tăng tốc độ phục vụ, trải nghiệm khách hàng… Điển hình như ngân hàng số Cake đã có sự tăng trưởng đột phá khi trong 18 tháng đã thu hút 2 triệu khách hàng mới.

Ông Minh cho rằng, điều kiện cần trong chuyển đổi số đòi hỏi tố chất, tư duy, năng lực lãnh đạo số phải hiểu cả kinh tế số lẫn công nghệ số để xác định mục tiêu chiến lược số, chiến lược kinh doanh trong những năm tới.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng phân tích về các xu hướng lớn trong chuyển đổi số ngành ngân hàng; đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách; các giải pháp bảo vệ người dùng trước nguy cơ rủi ro trong giao dịch điện tử. Một số ý kiến kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có quy định cụ thể về Sandbox để đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện
của các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý bao gồm Luật các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox) cũng như các quy định tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số.

Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, cần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm...

Bên cạnh đó, để đảm bảo tăng cường lòng tin của người dân trong các giao dịch điện tử, tạo thuận lợi hơn nữa việc thực hiện ứng dụng kỹ thuật số trong lĩnh vực ngân hàng, cần nhanh chóng sửa đổi Luật Giao dịch điện tử 2005 phù hợp với thực tế ngành ngân hàng hơn.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Luật Giao dịch diện tử có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng. Sau khi rà soát, Hiệp hội đã tập hợp được 25 ý kiến kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó Bộ đã ghi nhận 17 ý kiến.