21:35 02/02/2025

Việt Nam nghỉ Tết, thị trường tài chính toàn cầu biến động thế nào?

Bình Minh

Trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ Tết Âm lịch ở Việt Nam, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua nhiều chuyển động lớn, gồm một đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ ở Mỹ, kỷ lục giá mới được thiết lập trên thị trường vàng, đồng yên Nhật Bản tăng giá mạnh dù đồng USD phục hồi so với các đồng tiền chủ chốt nói chung…

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Chứng khoán Mỹ đã có một tuần biến động mạnh, bắt đầu bằng cú bán tháo hôm thứ Hai (27/1), khi thông tin về một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) giá rẻ của Trung Quốc khiến cổ phiếu công nghệ ở Phố Wall bị bán la liệt. Với chi phí phát triển được cho là rẻ hơn nhiều so với các mô hình hiện có, mô hình của DeepSeek đặt ra nguy cơ lớn đối với các công ty công nghệ phương Tây đang rót nhiều tỷ USD vào lĩnh vực AI, từ chế tạo con chip cho tới xây dựng các trung tâm dữ liệu khổng lồ.

Vì vậy, cổ phiếu của các Big Tech Mỹ đã bị bán tháo ồ ạt trong phiên đầu tuần, dẫn đầu là cú giảm gần 17% của cổ phiếu Nvidia - hãng chip giữ vai trò trung tâm trong cơn sốt AI toàn cầu. Phiên giảm này khiến Nvidia mất gần 600 tỷ USD vốn hóa, đi vào lịch sử là cú giảm lịch sử vốn hóa mạnh nhất trong một phiên của một cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Phiên đó, chỉ số Nasdaq “bốc hơi” 2,9% và chỉ số S&P 500 mất gần 1,5% điểm số sau khi lập kỷ lục trong phiên trước.

Sau đó, nhu cầu bắt đáy và kết quả kinh doanh quý 4/2024 tốt hơn dự báo của một số công ty vốn hóa lớn đã đưa vực dậy các chỉ số chính. Dù vậy, mối đe dọa thuế quan từ Tổng thống Donald Trump và nỗi lo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất chậm lại do lạm phát dai dẳng khiến thị trường giằng co trong những phiên giao dịch sau của tuần.

Cả tuần, Nasdaq giảm 1,6%, trong khi S&P 500 giảm 1% và Dow Jones tăng 0,3%.

Giảm 17% trong phiên ngày thứ Hai, cổ phiếu Nvidia giảm khoảng 16% trong tuần vừa rồi. Trong khi đó, cổ phiếu Meta Platforms tăng gần 10% tuần này; Apple tăng hơn 5,3%; Alphabet tăng 5,7%; Broadcom tăng gần 4,3%...

“Tôi cho rằng việc bán tháo cổ phiếu đã đi quá xa. Cơn hoảng sợ mà DeepSeek gây ra đang dịu đi và sẽ tiếp tục dịu đi. Tuần tới, báo cáo tài chính của các công ty như Amazon, Google và Nvidia mới điều mà nhà đầu tư quan tâm. Tôi cảm thấy lạc quan”, CEO Jay Hatfield của công ty Infrastructure Capital Advisors nói với hãng tin CNBC.

Tuần vừa rồi có hai cuộc họp ngân hàng trung ương lớn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư toàn cầu, gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25-4,5%, trong khi ECB hạ lãi suất lần thứ 5 kể từ khi bắt đầu nới lỏng vào mùa hè năm ngoái, đưa lãi suất tham chiếu đồng euro về 2,75%, thấp nhất 2 năm.

Trong khi Fed đưa ra quan điểm thận trọng đối với việc tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay, ECB bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh tế eurozone và phát tín hiệu tiếp tục giảm lãi suất. Sự trái chiều chính sách tiền tệ này là một nguyên nhân đưa đồng USD tăng giá mạnh. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng gần 1%, chốt tuần ở mức 108,5 điểm.

“Quan điểm của chúng tôi là dữ liệu kinh tế sẽ tiếp tục thúc đẩy ECB hạ lãi suất liên tiếp cho tới khi lãi suất về mức 1,5%”, nhà kinh tế trưởng Tomasz Wieladek của công ty quản lý tài sản T Rowe Price phát biểu. Công ty này dự báo số lần giảm lãi suất của ECB trong năm 2025 nhiều hơn mức dự báo bình quân của thị trường.

Ông Wieladek cho rằng mối đe dọa thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế eurozone, trong khi dự báo lạm phát ở khu vực này sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.

Tỷ giá euro/USD chốt tuần ở mức hơn 1,04 USD đổi 1 euro.

Tuy nhiên, mối lo thuế quan đã giúp vàng phát huy mạnh vai trò kênh đầu tư an toàn trong tuần này, bất chấp áp lực giảm đến từ đà hồi phục của đồng USD. Hôm thứ Sáu (31/1), giá vàng giao ngay tại thị trường New York lần đầu tiên trong lịch sử đóng cửa trên mức 2.800 USD/oz.

Cả tuần, giá vàng thế giới đã tăng 5 tuần liên tiếp, với mức tăng của tuần là gần 2%. Trong tháng 1, giá vàng tăng khoảng 7%.

Một số chuyên gia đưa ra quan điểm thận trọng về triển vọng của giá vàng, vì cho rằng thuế quan của ông Trump có thể khiến lạm phát ở Mỹ cao hơn, buộc Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, từ đó đẩy đồng USD tăng giá và gây áp lực giảm cho giá vàng. Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn giữ cai nhìn lạc quan về triển vọng giá kim loại quý này trong dài hạn.

“Việc giá vàng thoái lui có thể xảy ra, nhưng bất kỳ chuyển động nào như vậy cũng có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Những động lực thị trường rộng hơn - bao gồm nhu cầu phòng ngừa lạm phát và chính sách nới lỏng của các ngân hàng trung ương - sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì giá trị của vàng trong trung và dài hạn”,  ông Naeem Aslam, giám đốc đầu tư tại công ty Zaye Capital Markets, nhận định với trang Kitco News.

Ông Trump đã chính thức áp thuế quan 25% lên hàng hóa từ Mexico và Canada và 10% lên hàng hóa Trung Quốc trong một sắc lệnh ký ngày 1/2, và các mức thuế này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 4/2.

Đồng yên Nhật Bản cũng phát huy vai trò “hầm trú ẩn” trong bối cảnh mối lo ngại về thuế quan dâng cao. Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 24/1 tăng lãi suất lên mức cao nhất 17 năm là 0,5% cũng hỗ trợ tỷ giá đồng yên.

Phiên ngày thứ Sáu, đồng yên tăng giá hơn 0,5% so với USD, đạt gần 154,4 yên đổi 1 USD. Trước cuộc họp của BOJ, tỷ giá đồng yên ở quanh ngưỡng 156 yên đổi 1 USD.

Tuy đồng USD tăng giá do mối lo về sự dai dẳng của lạm phát ở Mỹ, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lại giảm trong tuần vừa rồi. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm chốt tuần ở mức hơn 4,56%, từ mức 4,62% cách đó 1 tuần. Trong tháng 1, lợi suất của kỳ hạn này có lúc đạt 4,79%, cao nhất hơn 1 năm.

Mối lo về triển vọng kinh tế Trung Quốc tiếp tục gây áp lực giảm giá lên dầu thô trong tuần vừa rồi, khiến giá dầu Brent giao sau tại London giảm khoảng 2,6% trong tuần, kết thúc tuần ở mức 76 USD/thùng.