Việt Nam quyết liệt thực thi FLEGT
Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để tất cả các nguồn gỗ tham gia vào chuỗi cung phải bảo đảm tính hợp pháp về nguồn gốc...
Hội nghị tổng kết Dự án “Hỗ trợ quá trình VPA tại Việt Nam: Hướng đến các chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp giữa các quốc gia tham gia hiệp định VPA” vào chiều 23/12/2022 do Tổng cục Lâm nghiệp và Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp tổ chức đã thu hút hơn 80 đại biểu trong nước và các đối tác phát triển quốc tế tham dự.
Theo báo cáo tại hội nghị, với 47 hoạt động đã được triển khai, Dự án “Hỗ trợ quá trình VPA tại Việt Nam” đã góp phần nâng vị thế của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường, chống buôn bán gỗ bất hợp pháp. Mặt khác, cũng giúp mở rộng thị trường xuất khẩu đồ gỗ sang EU và các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… đóng góp vào việc đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và dồ gỗ lên 14,47 tỷ USD năm 2021 và 15,57 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2022…
THÀNH CÔNG KIỂM SOÁT GỖ NGUYÊN LIỆU NHẬP KHẨU
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm – Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam – Phó Giám đốc Dự án “Hỗ trợ quá trình VPA tại Việt Nam: Hướng đến các chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp giữa các quốc gia tham gia hiệp định VPA”, cho biết với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để tất cả các nguồn gỗ tham gia vào chuỗi cung phải bảo đảm tính hợp pháp về nguồn gốc.
Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT) ký kết vào năm 2018, ghi nhận mục tiêu chung này giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam.
Dự án “Hỗ trợ quá trình thực hiện VPA/FLEGT ở Việt Nam” do Vương quốc Anh tài trợ - thông qua Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ) quản lý; Tổng cục Lâm nghiệp là chủ Dự án – Cục Kiểm lâm là đầu mối thực hiện các hoạt động, được triển khai từ tháng 1/2019 đến 31/12/2022.
“Sau 4 năm thực hiện, Dự án đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình thực thi VPA/FLEGT tại Việt Nam, thông qua việc cải thiện khung chính sách và tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Việt Nam đã tăng cường xây dựng, sửa đổi các chính sách lâm nghiệp, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc lâm sản thông qua Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS)”, ông Thiện nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, thông qua các hoạt động của Dự án, các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế đã được cung cấp thêm những thông tin và cập nhật về việc thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam như quy định trong Phụ lục VIII của Hiệp định. Qua đó, tăng cường tính minh bạch khi thực hiện Hiệp định và hạn chế các nguồn thông tin không chính xác về ngành chế biến gỗ Việt Nam.
Ông Santiago Alonso- Rodriguez, Tham tán thứ nhất kiêm Trưởng phòng Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam chia sẻ Dự án đã kết hợp hiệu quả việc tư vấn chính sách ở cấp quốc gia với việc phát triển năng lực của nhiều bên liên quan, đồng thời tạo điều kiện trao đổi giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu gỗ. Dự án đã tập trung vào các khía cạnh pháp lý trong chuỗi giá trị gỗ tại Việt Nam và giữa Việt Nam với các quốc gia cung cấp gỗ như Lào và Cameroon.
“Dựa trên những cam kết của VPA FLEGT, các chính sách quan trọng đã hoặc đang được xây dựng và sửa đổi bởi Chính phủ Việt Nam, bao gồm Luật Lâm nghiệp cùng các Nghị định và Thông tư, Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam và gần đây nhất là Kế hoạch Hành động để Thực hiện Tuyên bố Glasglow về Lâm nghiệp", Ngài Tham tán nói.
Những thành tựu nổi bật có thể kể đến như việc hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp/Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng Nghị định 102, phác thảo các nội dung chính của VNTLAS, bao gồm các yêu cầu mới về kiểm soát chuỗi cung ứng và các yêu cầu về xuất nhập khẩu. Dự án cũng góp phần tư vấn kỹ thuật cho các văn bản dưới luật như Thông tư 21 – mô tả chi tiết về Hệ thống phân loại doanh nghiệp, hay Thông tư sửa đổi của Thông tư 27 về truy xuất nguồn gốc lâm sản tại Việt Nam.
“Tôi muốn đặc biệt nêu bật đóng góp của dự án trong việc tăng cường các yêu cầu và kiểm soát gỗ nhập khẩu. Trách nhiệm mới của cán bộ hải quan được nêu trong Nghị định 102 bao gồm kiểm tra bổ sung tại cửa khẩu đối với gỗ. Ngoài ra, cán bộ kiểm lâm có thêm các trách nhiệm mới liên quan đến kiểm soát sau thông quan, ông Santiago Alonso -Rodriguez cho hay.
TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO CÁC CƠ QUAN VÀ DOANH NGHIỆP
Theo ông Santiago Alonso – Rodriguez, tại Đức, chuỗi cung ứng bền vững là một trong những ưu tiên chính trị rõ ràng: Chính phủ Đức đã thông qua Đạo luật về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng vào năm ngoái, gọi tắt là Luật chuỗi cung ứng. Bộ luật này đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ xã hội và môi trường quan trọng được tôn trọng trong chuỗi cung ứng đến Đức.
“Việt Nam và CHLB Đức sẽ tiếp tục hợp tác hỗ trợ Việt Nam thực thi Hiệp định VPA/FLEGT. Một Dự án hợp tác kỹ thuật mới về “Hỗ trợ thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam” do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên Bang Đức (BMZ) tài trợ đã được bắt đầu. Dự án này nhằm mục đích hỗ trợ các bên liên quan tại Việt Nam trong việc thực hiện các hành động đã được thống nhất chung để thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Đối tác Tự nguyện".
Ông Santiago Alonso -Rodriguez, Tham tán thứ nhất Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam.
Ngoài ra, ở cấp độ Liên minh châu Âu, các chuỗi giá trị toàn cầu bền vững và công bằng này đang ngày càng được quan tâm và giải quyết. Một quy định mới của Liên minh châu Âu về vấn đề này sẽ bao gồm một số mặt hàng nông nghiệp chính như cà phê hoặc đậu nành, gỗ cũng sẽ được hoàn thiện vào năm tới.
Bà Anja Barth, Cố vấn trưởng Dự án khẳng định: “Việc nâng cao năng lực cho các bên liên quan là nhiệm vụ trọng điểm nhằm tăng cường hệ thống xác minh tuân thủ và các thủ tục thực thi đi kèm”. Dự án đã tổ chức các khóa đào tạo về kiểm soát gỗ nhập khẩu, với sự tham gia của đại diện từ 47 tỉnh thành, trong đó 406 cán bộ kiểm lâm và hải quan đã được đào tạo về kiểm soát nhập khẩu gỗ. Ngoài ra, 209 học viên đến từ các doanh nghiệp và hiệp hội gỗ trên cả nước đã tham gia khóa đào tạo thực hành trách nhiệm giải trình.
Dự án cũng đã nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa doanh nghiệp các nước xuất, nhập khẩu nhằm hướng tới chuỗi cung ứng bền vững. Điều này đã mở ra cơ hội cho các bên tham gia khác nhau trong chuỗi giá trị gỗ trao đổi kinh nghiệm về việc thực thi VPA/FLEGT với các quốc gia khác nhau trong Liên minh châu Âu và trên thế giới. Trong khuôn khổ Dự án, tài liệu đào tạo, thông tin về các yêu cầu pháp lý tại các quốc gia khai thác và các tài liệu hỗ trợ xác định các loài gỗ nhiệt đới cũng được xây dựng, xuất bản và chia sẻ tới các bên liên quan khác nhau.