06:00 10/01/2022

Việt Nam – Trung Quốc: Bàn giải pháp tháo gỡ tắc nghẽn hàng biên mậu

Huyền Vy

Bộ Công Thương đề nghị phía Trung Quốc khôi phục thông quan tại các cửa khẩu biên giới đang tạm dừng hoạt động; khôi phục nhập khẩu trái cây tươi, hàng đông lạnh tại một số cửa khẩu; mở rộng danh mục các cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu trái cây, lương thực và chủng loại mặt hàng, doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…

Hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu.
Hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu.

Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc vừa tổ chức kỳ họp lần thứ nhất Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung nhằm tập trung trao đổi các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại biên giới, tháo gỡ những  khó khăn, vướng mắc trong hợp tác thương mại hiện nay và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại song phương thời gian tới.

Tại kỳ họp, Bộ Công Thương bày tỏ quan ngại sâu sắc của phía Việt Nam về tình hình ùn tắc nghiêm trọng tại cửa khẩu biên giới hai bên, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khẩn trương phối hợp triển khai các giải pháp khắc phục tình hình, tránh để ảnh hưởng đến thương mại song phương.

Đồng thời đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ, tạo thuận lợi thông quan và vận tải tại các cửa khẩu đường sắt, đường bộ và đường biển, đặc biệt đối với nông sản.

Bộ Công Thương đề nghị phía Trung Quốc khôi phục thông quan tại các cửa khẩu biên giới đang tạm dừng hoạt động; khôi phục nhập khẩu trái cây tươi, hàng đông lạnh tại một số cửa khẩu; mở rộng danh mục các cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu trái cây, lương thực và chủng loại mặt hàng, doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Cùng với đó, đề xuất tăng thời gian thông quan và kịp thời cung cấp kế hoạch hoạt động của các cửa khẩu biên giới đất liền cho phía Việt Nam cũng như thống nhất phương án sử dụng lái xe chuyên trách mỗi bên nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân công bốc xếp tại các bãi hàng phía Trung Quốc.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng trao đổi với Bộ Thương mại Trung Quốc một số nội dung cụ thể khác như tăng cường hợp tác xúc tiến thương mại và thúc đẩy thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, hỗ trợ tháo gỡ tồn tại, vướng mắc trong thực thi hợp đồng của một số doanh nghiệp hai bên.

Liên quan việc hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các quy định tại Lệnh số 248 và Lệnh số 249 của phía Trung Quốc, Bộ Công Thương đề nghị Hải quan Trung Quốc sớm cung cấp kết quả đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đã được Bộ Công Thương gửi tới Hải quan Trung Quốc trong tháng 10/2021; đồng thời tiếp tục cung cấp thông tin, hướng dẫn làm rõ và khắc phục những vấn đề bất cập có liên quan tới các doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

Nhân dịp này, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc dành thời gian quá độ hoặc lùi thời hạn áp dụng hai lệnh này thêm 8 tháng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thời gian chuẩn bị, đáp ứng các quy định mới của phía Trung Quốc.

Phản hồi ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, cả hai bên đều thiệt hại trong việc ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu. Nhấn mạnh vấn đề coi trọng chống dịch Covid, đặt an toàn tính mạng người dân lên hàng đầu, phía Trung Quốc đề nghị Việt Nam cùng tăng cường công tác phòng chống dịch đối với hàng hóa, người và phương tiện vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu.

Phía Trung Quốc thông báo chính thức mở lại thông quan cửa khẩu Long Bang (bên phía Việt Nam là Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) vào ngày 5/1/2022.

Đối với thời gian thông quan, phía Trung Quốc đề nghị hai bên tận dụng thời gian thông quan hiện nay, khớp giờ nghỉ trưa của cả hai bên để tránh chênh lệch.

Ngoài ra, phía Trung Quốc đề xuất một số nội dung liên quan đến hợp tác kinh tế, thương mại song phương như: thúc đẩy xây dựng sáng kiến “Vành đai và Con đường” chất lượng cao; hợp tác đa phương trong khuôn khổ RCEP, xem xét thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác về kinh tế xanh, kinh tế số thời gian tới…

Bộ Công Thương đã và đang thông qua tất cả các kênh hợp tác để trao đổi, thúc đẩy các bộ, ngành và địa phương Trung Quốc phối hợp triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ ách tắc cho hàng hóa tại khu vực biên giới.

 

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, lũy kế 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 149,56 tỷ USD, tăng 26,94% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 50,16 tỷ USD, tăng 16,11%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 99,39 tỷ USD, 33,21%; nhập siêu ở mức 49,23 tỷ USD, tăng 56,72% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc tiếp tục  là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ.