08:16 19/04/2023

VnDirect hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm xuống còn 5,5%

Kiều Trang

VnDirect điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP xuống còn 5,5% trong kịch bản cơ sở vừa công bố...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, rủi ro suy thoái kinh tế tại các quốc gia phát triển có thể tác động xấu tới triểncvọng lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong những quý còn lại củacnăm 2023. Do triển vọng kinh tế ảm đạm của Mỹ và châu Âu, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 xuống -2%, từ mức dự báo trước đó là 5% và giảm dự báo tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo xuống 5% từ mức dự báo trước đó là 7%.

Đồng thời, đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn suy yếu trong năm nay do triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng không chắc chắn, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và thị trường bất động sản trong nước suy thoái.

Do đó, VnDirect hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 xuống 5,5% (+/-0,3 điểm %) so với dự báo trước đó là 6,2%. Kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,5-5% so với cùng kỳ trong Q2/23, cao hơn so với mức tăng trưởng 3,3% trong Q1/23.

Lạm phát của Việt Nam đã giảm xuống 3,4% trong tháng 3/2023 từ mức 4,3% của tháng trước. CPI giảm 0,2% so với tháng trước, chủ yếu do sự sụt giảm của chỉ số giá Lương thực & Thực phẩm (-0,6% sv tháng trước) và chỉ số giá Giáo dục (-1,7% sv tháng trước). Dự báo CPI bình quân trong Q2/23 sẽ ở mức 2,9-3,3% và trong cả năm 2023 sẽ là 3,6-4,0%.

VnDirect hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm xuống còn 5,5% - Ảnh 1

VnDirect kỳ vọng lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 7,0% trong năm 2023. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã giảm 50 điểm cơ bản so với mức đỉnh hồi tháng 1/2023, dao động từ 7,1% - 8,4%.

Kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm cho đến cuối năm 2023, dựa trên những lý do sau: Fed có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá VND cũng như lãi suất của Việt Nam trong nửa sau năm 2023.

Nhu cầu tín dụng suy yếu do các doanh nghiệp hạn chế mở rộng hoạt động kinh doanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng ảm đạm. Đồng thời, thị trường bất động sản nhà ở gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng tín dụng. Tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,06% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,97% cùng kỳ năm ngoái, theo tổng cục thống kê.

Bên cạnh đó, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Chỉ số đồng USD (DXY) giảm mạnh sau khi Fed đưa ra thông điệp ít “diều hâu” hơn về chính sách tiền tệ do khủng hoảng gần đây trong ngành ngân hàng. Tính đến ngày 13/04/2023, DXY giảm xuống còn 101,0 điểm, giảm 4,1% so với trước sự kiện Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ.

DXY giảm kéo theo tỷ giá USD/VND giảm 0,8% so với đầu năm xuống 23.445. Đồng USD cũng mất giá so với hầu hết các đồng tiền trong khu vực, bao gồm Malaysia Ringgit (-0,3% so với đầu năm), Philippine Peso (-1,0% so với đầu năm), Nhân dân tệ Trung Quốc (-1,3% so với đầu năm), Baht Thái Lan (-1,8% so với đầu năm) và Rupiah Indonesia (-5,9% so với đầu năm).

Nhờ áp lực tỷ giá giảm, NHNN đã tăng dự trữ ngoại hối thêm khoảng 800 triệu USD trong tuần đầu tiên của tháng 4/2023, nâng tổng dự trữ ngoại hối lên khoảng 92 tỷ USD (+4,8 tỷ USD kể từ đầu năm 2023). Áp lực tỷ giá giảm trong Q2/23 do Fed có thể đưa ra các thông điệp ôn hòa hơn về chính sách tiền tệ tại cuộc họp tiếp theo vào đầu tháng 5 tới do khả năng suy thoái kinh tế gia tăng.

Do đó, kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong vùng 23.400-23.700 trong Q2/23. Rủi ro tỷ giá gia tăng đến từ (1) áp lực lạm phát cao bất ngờ và lâu hơn dự kiến ở Mỹ, (2) kiều hối và dòng vốn FDI sụt giảm mạnh hơn dự kiến trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trì trệ.