Vốn ETF đổ vào Indonesia và Malaysia, rút gần 1.000 tỷ đồng trong vòng 1 tháng tại Việt Nam
Có sự trái chiều giữa dòng vốn ETF trên thị trường Đông Nam Á trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4/2022, trong đó dòng vốn ETF đổ dồn vào Indonesia và Malaysia, rút gần 1.000 tỷ đồng trong vòng 1 tháng tại Việt Nam...
Số liệu từ Chứng khoán KIS cho thấy, có sự trái chiều giữa dòng vốn ETF trên thị trường Đông Nam Á trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4/2022. Theo đó, dòng tiền đã quay trở lại thị trường Đông Nam Á ghi nhận tích cực ở mức 5 triệu USD. Dòng vốn tích cực quay trở lại là do lực cầu tăng mạnh trên các ETFs chủ đạo của Indonesia and Malaysia. Tuy nhiên, áp lực rút vốn tại các quốc gia khác đang ở mức cao.
Cụ thể, hoạt động rút vốn tăng mạnh tại Việt Nam, ghi nhận ở mức 23 triệu USD. Hoạt động bán tập trung chủ yếu trên FTSE Việt Nam và VFMVN30 ETF. Trong tuần vừa qua, hai ETF này bị rút ròng lần lượt 91, triệu USD và 24,6 triệu USD. Bên cạnh đó, Vaneck Vietnam ETF cũng bị rút ròng 1,9 triệu USD, Ssiam Vnfin Lead bị rút 1 triệu USD.
Tính trong vòng một tháng vừa qua, dòng vốn ETF rút ròng 42,8 triệu USD, tương đương với khoảng 980 tỷ đồng. Bốn ETF được nhắc đến ở trên vẫn là những cái tên bị rút ròng nhiều nhất, ngoài ra có thêm MAFM VN30 ETF bị rút 8,3 triệu USD trong vòng 1 tháng qua.
Ngược lại, dòng vốn vào ròng nhiều nhất qua VFMVN Diamond ETF, trong tháng qua, quỹ này hút 18,5 triệu USD, Fubon FTSE Vietnam ETF cũng hút 6,6 triệu USD, Kim Growth VN30 ETF hút 1,4 triệu USD.
Trong 6 tháng vừa qua, các ETFs có thành phần là các cổ phiếu vốn hóa lớn
đang bị rút vốn (FTSE, VFMVN30, và VanEck), điều này hàm ý cho sự bất đồng nhất giữa các ETF và dòng vốn tại Việt Nam là chưa ổn định.
Diễn biến chung về dòng vốn ngoại tại Việt Nam, trong tuần vừa qua, giá trị bán ròng ghi nhận ở mức 1.000 tỷ đồng. Áp lực bán lan tỏa trên lĩnh vực Bất động sản và Nguyên Vật liệu, tập trung trên VHM, VIC, NLG, và HPG. Bên cạnh đó, Công nghiệp cũng chịu áp lực bán ròng, chủ yếu đến từ GEX. Ở chiều ngược lại, lực cầu ngoại tiếp tục tập trung chủ yếu trên Tiêu dùng thiết yếu khi MSN, VNM, và SAB được mua ròng mạnh.
Luỹ kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng 8.195 tỷ đồng chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các công ty chứng khoán đều tiếp tục kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới và sự ổn định của tỷ giá.
Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có lộ trình rõ ràng hơn trong việc mở cửa lại nền kinh tế, bao gồm mở cửa hoàn toàn biên giới và chuyển dịch chính sách xem Covid-19 chỉ còn là “bệnh đặc hữu” thay vì “đại dịch” như trước đó, giúp củng cố lại niềm tin từ nhà đầu tư nước ngoài.
Về mặt định giá, P/E ước tính năm 2022 của Việt Nam đang chỉ ở mức 14,1 lần, thấp hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực và đây cũng là mức định giá tốt để đầu tư dài hạn.