15:37 07/07/2025

VPB - "Tâm điểm" khi Nghị quyết 42 được Luật hoá

Thu Hà

Việc luật hóa Nghị quyết 42 tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho xử lý tài sản bảo đảm, giúp ngân hàng đẩy nhanh thu hồi nợ, giảm nợ xấu và ghi nhận lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng…

Trong số các tổ chức tín dụng, VPBank được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất nhờ danh mục cho vay bán lẻ lớn, tài sản bảo đảm phong phú và năng lực xử lý nợ đã được số hóa từ sớm.

“CÚ HÍCH” TỪ NỢ XẤU

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Quốc hội thông qua trong tuần cuối tháng 6, với ba trụ cột quan trọng liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo của Nghị quyết 42 được kế thừa.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), những điểm thay đổi quan trọng sẽ giúp các ngân hàng giảm bớt áp lực trích lập dự phòng và chi phí xử lý nợ; minh bạch hóa và giảm thủ tục trong việc mua bán, xử lý nợ; nâng cao ý thức trả nợ của người đi vay giúp cải thiện chất lượng tài sản toàn hệ thống trong dài hạn.

Việc luật hóa Nghị quyết 42, theo giới phân tích, mang lại một cú hích trực tiếp cho tiến trình xử lý tài sản bảo đảm – vốn là mắt xích then chốt trong chuỗi vận hành tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Khi quyền thu giữ tài sản được xác lập rõ ràng trong luật, ngân hàng có thể chủ động triển khai các biện pháp thu hồi nợ mà không cần chờ đợi phán quyết từ tòa án hay các thủ tục thi hành án kéo dài. Điều này không chỉ giúp giảm thời gian xử lý, mà còn tiết kiệm chi phí pháp lý, quản trị và trích lập dự phòng, tạo điều kiện để lợi nhuận khác – đặc biệt là hoàn nhập dự phòng và thu từ thanh lý tài sản – được ghi nhận nhanh chóng.

Tác động này sẽ thể hiện rõ nhất ở nhóm ngân hàng có tỷ trọng lớn cho vay bán lẻ, nơi danh mục tài sản đảm bảo thường là nhà ở, đất nền, ôtô - những loại tài sản dễ bị bế tắc xử lý nếu thiếu hành lang pháp lý phù hợp.

Với danh mục cho vay hàng trăm nghìn tỷ đồng của nhiều nhà băng có thế mạnh trong mảng này, gắn với tài sản bảo đảm quy mô nhỏ nhưng số lượng lớn, hiệu quả xử lý càng phụ thuộc vào tốc độ và chi phí pháp lý. Khi hành lang pháp lý được tái lập thông qua luật, nhóm ngân hàng này không chỉ có khả năng thu hồi nợ nhanh hơn, mà còn được giải phóng một phần lớn tài sản “đóng băng” trên bảng cân đối, chuyển hóa thành dòng tiền thực tế hoặc hoàn nhập lợi nhuận khác - đóng góp trực tiếp vào kết quả kinh doanh và nâng cao khả năng mở rộng tín dụng trong giai đoạn tới.

VPB - "Tâm điểm" khi Nghị quyết 42 được Luật hoá - Ảnh 1

NGÂN HÀNG NÀO SẼ HƯỞNG LỢI NHẤT?

"Chúng tôi cho rằng những ngân hàng lớn có chi phí trích lập lớn như VPB, CTG và những ngân hàng có quy mô nhỏ như OCB, MSB, VIB sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nhóm còn lại nếu dự thảo này được thông qua", nhóm phân tích từ MBS nêu quan điểm trong báo cáo đánh giá ngành ngân hàng công bố vừa công bố cuối tháng 6/2025.

Trong nhóm này, VPBank là cái tên đang được giới phân tích chú ý hơn cả. Chứng khoán Vietcap mới đây đã đưa ra khuyến nghị "Mua" với VPB, giá mục tiêu 25.000 đồng, tăng khoảng 36% so với vùng giá hiện tại. Vùng giá này cũng là khuyến nghị được MBS đưa ra trong báo cáo cuối tháng 5, với mức mục tiêu 25.250 đồng, tiềm năng tăng hơn 30%. VNDirect cũng đưa khuyến nghị "Khả quan", dự phóng cổ phiếu VPB có thể được định giá lại với P/B mục tiêu là 1,2 lần trong năm 2025.

Những luận điểm chính giúp VPBank trở thành "tâm điểm" sau khi Luật hoá Nghị quyết 42 đến từ phân khúc chiến lược cá nhân và SME, ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém và đặc biệt là khả năng "hái quả ngọt" từ sự chuẩn bị trước.

Theo nhóm phân tích từ VNDirect, các tổ chức tín dụng tập trung cho vay bán lẻ, như VPBank, phải xử lý nhiều món nợ nhỏ hoặc chiến lược tập trung hơn vào mảng cho vay ôtô sẽ được hưởng lợi. Bên cạnh đó, luật hóa cũng sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (VPBank là một trong 4 ngân hàng nhân chuyển giao bắt buộc đầu năm 2025) trong việc tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém nhờ có thể chủ động thu hồi tài sản bảo đảm.

Theo Vietcap, nếu Nghị quyết 42 được luật hóa, hiệu quả thu hồi nợ của VPBank trong năm 2025 sẽ được cải thiện đáng kể, qua đó giảm áp lực từ chi phí huy động và cạnh tranh lãi suất.

Ở luận điểm cuối cùng, động lực cho VPBank đến từ sự chủ động và chuẩn hoá quy trình xử lý. Ngay trước khi Nghị quyết 42 được luật hóa, năm 2024, VPBank đã thành lập Khối Thu hồi và Xử lý nợ (DCD), nhằm đáp ứng nhu cầu quản trị rủi ro ngày càng cao. Quý 1/2025, thu từ nợ đã xử lý rủi ro của VPBank đạt 856 tỷ đồng, gấp hơn hai lần cùng kỳ.

Theo đánh giá của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), luật hoá nghị quyết 42 sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý tài sản đảm bảo, từ đó giúp VPBank tăng thu nhập từ thu hồi nợ xấu. Với quy mô dư nợ ngoại bảng hiện tại, KBSV ước tính con số thu nhập nợ xấu của ngân hàng sẽ "không nhỏ, đóng góp vào tổng thu nhập hoạt động".