09:33 23/06/2023

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ doanh nghiệp đối diện án hình sự

Đỗ Mến

Chế tài hình sự áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là chế tài có tính chất khắc nghiệt nhất khi so sánh với chế tài dân sự hoặc chế tài hành chính.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TAND quận Bắc Từ Liêm vừa xử phạt bà Trần Thị Hiệp (SN 1980, ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định, giám đốc Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Thanh Lan) mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

BÀI HỌC PHÁP LÝ TỪ VIỆC “NHÁI” NHÃN HIỆU

Theo cáo trạng, trưa 13/1/2022, Công an phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) nhận được đơn trình báo Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ có hành vi bán các sản phẩm vi phạm sở hữu công nghiệp cho Công ty TNHH MTV Bikin.

Công an thu giữ 300 thùng kẹo sìu châu Toàn Mỹ và trưng cầu giám định tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ  Bộ Khoa học và Công nghệ.

Kết luận giám định thể hiện. sản phẩm kẹo lạc gắn dấu hiệu “Toàn Mỹ và hình” là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu đã dược bảo hộ.

Quá trình điều tra xác định, tháng 6/2009, bà Hiệp thành lập Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Thanh Lan và thuê ông Triệu Văn Mỹ (họ hàng của Hiệp) làm kẹo thành phẩm, trong đó có kẹo sìu châu (hay còn gọi là kẹo lạc). Từ tháng 3/2013, ông Mỹ tách ra làm riêng, làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu Toàn Mỹ với Cục Sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, hình ảnh kẹo sìu châu “Toàn Mỹ”.

Năm 2015, hộ gia đình ông Mỹ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với kẹo sìu châu Toàn Mỹ.

Đến năm 2020, Hiệp thành lập Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ, để nhân viên công ty đứng tên giám đốc và sản xuất bánh kẹo sìu châu lấy thương hiệu “Toàn Mỹ”. Đến năm 2021, công ty đăng ký thay đổi giám đốc sang Hiệp.

Sau khi giám định thấy nhãn hiệu Toàn Mỹ có dấu hiệu giả mạo, ông Mỹ đã thông báo cho Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ.

Khi đó, bà Hiệp đã hỏi tư vấn một công ty luật về việc thay đổi chữ trên nhãn sản phẩm và thêm dòng chữ “SX tại công ty Toàn Mỹ”. Tuy nhiên, chữ “Toàn Mỹ” vẫn để trong khung hình dải lụa, còn chữ “SX tại cong ty” đưa lên trên có màu gần trùng với màu phông nền nhãn”.

Nhân viên tư vấn luật có giải thích là “không đăng ký bảo hộ được logo trên vì tương tự với nhãn hiệu đã nộp rồi”. Song bà Hiệp vẫn cho sản xuất và mang sản phẩm đi chào hàng.

Quang cảnh phiên tòa ngày 22/6.
Quang cảnh phiên tòa ngày 22/6.

Tại cơ quan điều tra, bà Hiệp khai nhận vẫn lấy tên công ty là “Toàn Mỹ” vì thấy nó đẹp, phong thủy. Bà Hiệp in tên công ty trên ba bì là “SX tại công ty Toàn Mỹ” với mục đích in rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo cơ quan tố tụng, 400 thùng kẹo sìu châu nhãn mác “SX tại công ty Toàn Mỹ” là hàng hóa giả mạo với nhãn hiệu “Toàn Mỹ” đã được bảo hộ cho sản phẩm kẹo lạc thuộc nhóm 30 của ông Triệu Văn Mỹ. Tổng giá trị hàng hóa Hiệp vi phạm trị giá 314 triệu đồng.

Ngoài ra, tòa án cũng buộc bà Hiệp phải bồi thường số tiền hơn 314 triệu đồng.

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ÁP DỤNG VỚI CẢ PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

Theo luật sư Lê Quang Vinh – Công ty luật Bross and Partner, chế tài hình sự áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là chế tài có tính chất khắc nghiệt nhất khi so sánh với chế tài dân sự hoặc chế tài hành chính.

Bởi lẽ nếu bị áp dụng chế tài hình sự thì hậu quả pháp lý mà chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó phải đối mặt là họ có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ, bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc thậm chí tử hình (Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015).

Mặt khác, trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ sau 01/01/2018 còn áp dụng đối với cả pháp nhân thương mại mà hậu quả pháp lý có thể gồm phạt tiền lên tới 5 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động kinh doanh từ 6 tháng đến 2 năm.

Tuy nhiên, cơ sở của trách nhiệm hình sự chỉ phát sinh dựa trên nguyên tắc quy định rằng chỉ người nào phạm một tội được Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự và chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội trong số 33 tội danh đã được quy định bởi Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về cơ bản hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị coi là tội phạm được quy định tại 6 Điều gồm Điều 225 - Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 226 - Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; Điều 192 – Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Điều 193 - Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Điều 194 - Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; và Điều 195 - Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Trong đó, nếu thuần túy quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ bởi pháp luật hình sự thì chỉ có 2 tội danh tại Điều 225 và 226 được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo luật sư Vinh, định tội danh nào trong số 6 tội danh nêu trên có thể là vấn đề khá phức tạp do có sự chồng lấn về khách thể của tội phạm.  

Về thực tiễn, lần đầu tiên pháp nhân thương mại bị khởi tố và điều tra về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo điều 226 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi có liên quan tới vụ bắt giữ 42.405 thanh nhôm định hình (khoảng 170 tấn) ở Khu công nghiệp Trung Hà, Tam Nông, tỉnh Phú Thọ mang nhãn hiệu giả mạo “Nhôm Việt Pháp Shal”, và sau đó vụ án này đã được xét xử sơ thẩm bởi TAND tỉnh Phú Thọ hồi tháng 01/2020.