09:11 14/06/2023

Xây dựng nền công nghiệp tự chủ: Nền móng tạo dựng quốc gia thịnh vượng

Huyền Vy

Công nghiệp hóa trong bối cảnh của Cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư không chỉ là hiện đại hóa máy móc, công nghệ, mà còn là đổi mới, thông minh hóa quá trình sản xuất; cá thể hóa sản phẩm. Để thực hiện được những mục tiêu này, đòi hỏi phải tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng chú trọng xây dựng năng lực nội sinh dựa trên cơ sở tự chủ về nguyên liệu, sản xuất và thị trường...

Công nghiệp đã trở thành ngành kinh tế quan trọng có đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Công nghiệp đã trở thành ngành kinh tế quan trọng có đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Đại hội XIII của Đảng xác định: Một trong những nhân tố bảo đảm cho một nền kinh tế độc lập, tự chủ là phải xây dựng được nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường bởi đây là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp phát triển không những tạo ra giá trị gia tăng cao mà còn tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.

PHÁT TRIỂN VẪN THIẾU CÂN ĐỐI

Trong suốt quá trình phát triển của nền kinh tế, công nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để tạo nên sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, phát triển công nghiệp là nội dung quan trọng, gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Nhìn lại quá trình phát triển ngành công nghiệp từ Đại hội III của Đảng (năm 1960) đến Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) cho thấy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đề ra các chủ trương, chính sách kịp thời, góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu phát triển công nghiệp đất nước. Nhờ đó, công nghiệp đã trở thành ngành kinh tế quan trọng có đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, là ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, công nghiệp Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Đến năm 2022, tỷ trọng chế biến, chế tạo đã đạt khoảng 25% cơ cấu GDP. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: Khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó nổi bật là nội lực của các doanh nghiệp hiện nay rất yếu. Nguyên nhân do nguồn nhân lực hạn chế, cũng như sự tự chủ và cạnh tranh trong công nghệ nguồn chưa cao.

Bên cạnh đó, việc chưa có một danh mục sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam đủ lớn, đủ mạnh cũng khiến giá trị gia tăng của ngành chưa cao.

Hơn nữa, ngành công nghiệp đang phát triển rất mất cân đối, phụ thuộc quá nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Công nghiệp nặng là ngành sản xuất nhiều sản phẩm cơ bản cho nền kinh tế và đóng góp rất lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Song, ngành công nghiệp nặng đóng góp cho nền kinh tế rất thấp.

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu cũng khiến sản phẩm công nghiệp của Việt Nam thiếu sự cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao. Trong thời gian vừa qua, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất công nghiệp chủ yếu đến từ khu vực của các doanh nghiệp FDI chứ không phải là do các doanh nghiệp nội địa.

Quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng chưa tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của việc kết nối giữa khu vực kinh tế với các địa phương để tạo ra các chuỗi sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có nhiều doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp còn chậm so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

LỰC ĐẨY TỪ NHỮNG QUYẾT SÁCH QUAN TRỌNG

Trong thời gian tới, nền kinh tế thế giới sẽ theo xu hướng tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số sẽ diễn ra trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, kéo theo đó là các chuỗi cung ứng cũng như hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế sẽ có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp và đảm bảo tính bền vững, tránh tác động từ bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp Việt Nam phải phát triển tự chủ trong nước nhưng cũng phải kết hợp với những thành tựu của cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư. Thời gian tới, xu thế xanh hóa trong sản xuất chắc chắn là vấn đề sẽ được hướng đến để đảm bảo phát triển bền vững.

Vì vậy, theo quan điểm của Bộ Công Thương, khi lựa chọn các ngành, các phân ngành để phát triển công nghiệp trong thời gian tới, chúng ta phải dựa trên nền tảng những ngành công nghiệp đang có thế mạnh, đang phát triển và đồng thời phải dựa trên 3 tiêu chí:

Thứ nhất, thị trường trong nước.

Thứ hai, công nghệ, làm sao để những ngành công nghiệp của Việt Nam phải tiếp cận được những công nghệ sản xuất hiện đại.

Thứ ba, trong số các ngành công nghiệp nền tảng ưu tiên phát triển, phải có những doanh nghiệp có tiềm năng để xây dựng thành những tập đoàn kinh tế đủ mạnh, dẫn dắt các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ phát triển theo.

Song song với phát triển công nghiệp nền tảng, cần phát triển các ngành sản xuất ra các sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần duy trì các ngành lợi thế hiện này là những ngành có nguyên vật liệu và nhân công giá rẻ, như: dệt may, da giày, chế biến nông lâm thủy sản, dược liệu…; đồng thời đón đầu những xu thế công nghệ mới trong các ngành công nghiệp sinh học, điện tử, vật liệu…

Để tạo lực đẩy cho phát triển ngành công nghiệp, ngày 22/3/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại. Đây được xem là văn bản thể hiện chủ trương, đường lối nhất quán và đầy đủ đầu tiên của Đảng để đưa ra những định hướng, mục tiêu cụ thể nhằm phát triển công nghiệp cho đất nước.

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2023 phát hành ngày 12-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Xây dựng nền công nghiệp tự chủ: Nền móng tạo dựng quốc gia thịnh vượng - Ảnh 1