11:21 12/09/2011

Xi măng Đồng Bành: “Lỗ đã được biết trước”

Anh Minh - Anh Quân

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành nói gì về nợ không có khả năng thanh toán?

Ông Trần Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành - Ảnh: Anh Minh.
Ông Trần Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành - Ảnh: Anh Minh.
Được hỏi về khoản nợ đến hạn hàng trăm tỷ đồng không trả nổi và trước mắt là Bộ Tài chính phải đứng ra trả thay cho phần trách nhiệm nợ thuộc “gói” vay bảo lãnh của Chính phủ, đại diện Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành nói rằng đây là “lỗ kế hoạch” đã được biết trước.

Trao đổi với VnEconomy, ông Trần Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành, nói:

- Khoản lỗ này, thực ra như chúng tôi vẫn gọi là lỗ kế hoạch, tức là lỗ đã được biết trước. Ngay từ lúc lập báo cáo đầu tư, người ta tính là với các dự án công nghiệp, tùy từng dự án một, trong vài ba năm đầu thường là “lỗ kế hoạch”.

Cái ấy tôi giải thích đơn giản thế này, ví dụ tôi đầu tư nhà máy này, tôi có một ít, vay một ít, xây dựng trong vòng khoảng 3-5 năm, ví dụ thế. Thế thì từ lúc tôi vay cho đến khi đầu tư xong, tiền vay ngân hàng người ta sẽ tính lãi, cho đến hết thời hạn xây dựng, lãi cộng vào gốc.

Thế thì năm đầu tiên hoạt động, tủy theo thỏa thuận với ngân hàng, ví dụ vay trong vòng 10 năm thì thông thường mỗi năm trả 1/10, cộng với lãi vay. Lãi vay thì khi đầu tư không có tiền trả, nên năm đầu hoạt động thường là trả nợ rất là lớn. Và như vậy là tiền trả gốc và lãi cho ngân hàng sẽ theo đồ thị giảm dần.

Nợ vượt dự kiến

Thưa ông, tình hình sản xuất cụ thể của công ty như thế nào mà dẫn đến khoản lỗ 141 tỷ đồng và Bộ Tài chính phải trả thay cho một phần là khoản nợ ngân hàng ANZ, đến hạn hôm 25/8?

Chúng tôi bắt đầu chạy thử từ tháng 9 năm ngoái, nhưng hoạt động thực sự từ đầu năm nay.

Với một cơ sở sản xuất bán hàng ra thị trường, những năm đầu mức tiêu thụ thường là thấp, rồi đến những năm sau cao dần lên. Thế cho nên, một tấn sản phẩm những năm đầu chịu khấu hao và trả nợ lớn, do vậy trong vòng mấy năm đầu việc lỗ đã được tính trước ngay từ khi lập báo cáo đầu tư rồi.

Ví dụ năm đầu tôi phải trả nợ gốc và lãi ngân hàng, nếu như tôi trả gốc được nhiều, nhưng thực ra nhiều cũng không xuể được, tôi lấy tiền bán hàng trả không đủ thì phải lấy nguồn khác bù đắp vào đấy. Công ty cổ phần thì không có gì khác ngoài vốn cổ đông thôi, trả nợ phải do cổ đông góp vào. Nhưng do công ty này cổ đông lớn năm vừa rồi gặp khó khăn, không có khả năng góp thì đương nhiên khoản trả ngân hàng thành ra là thiếu.

Về mặt nguyên tắc, thiếu này thì cả 3 ông cổ đông đều phải góp vào (Tổng công ty Cơ khí Xây dựng - COMA, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - MIE, Công ty Xi măng Lạng Sơn). Nhưng vì các ông ấy không có đủ để góp vào, để trả ngân hàng. Công ty vay ngân hàng ANZ, trước đây Chính phủ đồng ý bảo lãnh cho khoản vay ngân hàng này, mà đây toàn là doanh nghiệp Nhà nước cả, thế thì thiếu.

Bộ Tài chính bảo lãnh, theo quy định thì được vay từ quỹ dự trữ quốc gia (quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài - PV), do Bộ Tài chính quản lý. Vừa rồi các doanh nghiệp là cổ đông mới báo cáo do tình hình khó khăn, góp vốn không đủ thì không có nguồn trả nợ, thế thì đề nghị Bộ Tài chính cho vay.

Không phải chỉ dự án này mà nhiều dự án khác cũng bị tình trạng ấy.

Theo như Bộ Xây dựng cho biết thì Xi măng Đồng Bành thiếu khoảng 141 tỷ đồng trả nợ trong năm nay. Con số này có nằm trong kế hoạch ban đầu, khi xây dựng phương án đầu tư không?

Nó hơn so với dự kiến ban đầu. Vì là thế này, thời điểm ban đầu tính theo giá cả, tất cả các thứ ở thời điểm đó. Vì là báo cáo đầu tư thì phải lập từ khoảng năm 2003.

Thế thì do giá cả nó đã khác, ví dụ giá than lúc đó độ khoảng ba, bốn trăm nghìn đồng một tấn, bây giờ thì 2,1 triệu đồng một tấn. Điện thì lúc đó độ khoảng hơn trăm cho đến hai trăm đồng một số thì bây giờ bọn tôi phải mua hơn một nghìn đồng một số...

Thế thì lúc đó tính khoản lỗ chỉ từng này chẳng hạn, bây giờ giá cả như thế, trong lúc những năm đầu sản xuất thương hiệu chưa mạnh thì nợ lên mức cao hơn dự kiến.

“Không đáng lo”

Theo Bộ Xây dựng, trong vòng 5 năm tới Đồng Bành còn thiếu khoảng 607 tỷ đồng để trả nợ và và bù đắt nguồn tiền mất cân đối. Tính ra khoản này bằng tới 40% tổng đầu tư. Như thế thì có phải cũng nằm trong “lỗ kế hoạch” không?

Thì đấy cũng là tính lý thuyết thôi, ví dụ tình hình giá của năm nay, nếu mấy năm tới vẫn như vậy thì nó sẽ là như thế.

Có thể cao hơn, cũng có thể thấp hơn. Là bởi vì, nếu như cân đối cung - cầu xi măng trong nước, cung mà vượt quá cầu, tiêu thụ khó hơn thì có thể cao hơn và ngược lại.

Ví dụ tôi bán 1.000 tấn có 1.000 đồng trả nợ, bán 500-600 tấn thì đương nhiên chỉ có 500-600 đồng trả nợ thôi.

Xin hỏi ông là với mặt bằng giá cả còn lên nữa, nhưng tiêu thụ như hiện nay khá ảm đạm và khả năng là cung đang vượt cầu. Theo ông, với những khoản nợ gốc và lãi treo phía trước hàng trăm tỷ đồng thì rủi ro vỡ nợ đối với Đồng Bành ở mức nào?

Cái này thì thứ nhất là đã được dự kiến trước rồi, nhưng vì cổ đông họ không có tiền góp vào nên phải vay của quỹ dự trữ của nhà nước.

Thế còn sau này, sản xuất phát triển lên thì phải lấy từ sản xuất ra mà trả. Nếu không cổ đông họ sẽ phải lấy lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh khác bù vào.

Theo tôi, thì không đáng lo. Đây chỉ là năm đầu của doanh nghiệp thôi. Tôi đã từng trải qua nhiều nhà máy xi măng rồi, những năm đầu dứt khoát là lỗ.

Như ông biết thì nhiều nhận định cho rằng tình hình kinh tế còn ảm đạm vài năm nữa, đầu tư công sẽ được cơ cấu lại… Trong khi đó Bộ Tài chính cho biết chỉ hỗ trợ trả nợ 3 lần. Ông có cho rằng khoảng thời gian tới đủ để doanh nghiệp thoát qua tình cảnh khó khăn trả nợ như hiện nay?

Ba lần là một năm rưỡi rồi, khi ấy khoản nợ còn lại của các ngân hàng lúc ấy cũng tụt đi 30% thì đương nhiên tình hình trả nợ của tôi không thể như bây giờ được mà phải khá lên chứ.

Thứ hai nữa là tôi tin chắc đất nước sẽ phải có điều hành để cho đất nước đi lên chứ không thể xuống mãi được. Không thể có chuyện ấy.

Câu chuyện nữa đối với doanh nghiệp xi măng hiện nay là do cung tạm thời vượt cầu nên chi phí đầu vào tăng rất cao trong khi giá đầu ra điều chỉnh thấp hơn làm giảm lợi suất. Ông có cho rằng xu thế này kéo dài sẽ ngày càng gây khó khăn cho việc trả nợ ngân hàng?

Đấy là do năm nay tình hình chung của kinh tế đất nước có khó khăn. Đồng thời, cung năm nay tạm thời vượt cầu. Tôi nghĩ tình trạng này chắc chắn không kéo dài.

Tôi cũng đã qua thời kỳ như thế này, khoảng vào năm 1995-1996 gì đó, tôi cũng đã nếm mùi, đầu tiên sốt nóng trong vòng 3 tháng, giá xi măng lên khoảng gấp đôi. Nhưng sau đó sụt xuống suốt một năm liền, nhưng giá nói chung là nó không xuống bao nhiêu.

Sản lượng sụt xuống thì những ông đang đầu tư tạm thời dừng lại. Đến năm sau thì giá cả nó lại lên. Cho nên, đồ thị kinh tế nó có lúc lên, có lúc xuống nhưng xu thế chung là vẫn phát triển. Tôi cho là tình hình này chỉ là tạm thời, không có gì đáng ngại cả.

Nếu không phải trả nợ thì lãi năm nay là 141 tỷ đồng?

Xin hỏi ông khoản tiền Bộ Tài chính trả nợ, theo công bố là gần 3,5 triệu USD, cụ thể như thế nào?

Có thể Bộ Tài chính cho chúng tôi trực tiếp vay, hoặc cho các cổ đông lớn vay để trả nợ. Hiện nay chủ trương là đang báo cáo Chính phủ cho cổ đông lớn vay, đưa cho Đồng Bành để trả ANZ.

Hạn là 25/8, hiện nay vẫn còn bàn hướng rót tiền tức là nợ đã quá hạn?

Chúng tôi đã báo cáo rồi. Tôi được biết tuần vừa rồi Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo lên Chính phủ. Tôi hy vọng trong tuần này Chính phủ sẽ có ý kiến để Bộ Tài chính cho vay trả nợ.

Xin hỏi ông là khoản nợ đến hạn của ANZ chỉ chiếm khoảng 1/2 phần thiếu nợ của công ty, thì với nợ của Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xử lý như thế nào?

Năm nay tôi phải trả cả gốc và lãi là khoảng 140 tỷ đồng. Nợ của ANZ là có cả gốc và lãi, chúng tôi đang chờ Bộ Tài chính hỗ trợ. Hai ngân hàng trong nước thì đến thời điểm này chúng tôi đã trả được ngon lành rồi, chỉ còn thiếu phần nợ đến cuối năm thì chúng tôi lại làm và trả tiếp.

Còn khoản to này (nợ đến hạn của ngân hàng ANZ gần 3,5 triệu USD - PV) thì chúng tôi chưa.

Theo ông tính toán, doanh thu và lợi nhuận của Xi măng Đồng Bành trong năm nay như thế nào để trả được nợ?

Năm nay chúng tôi dự kiến doanh thu khoảng hơn 500 tỷ đồng. Năm đầu thì chắc chắn là không còn lợi nhuận.

Lợi nhuận thì thế này, phải tính doanh thu trừ đi tất cả chi phí trong đó có cả tiền vay, nếu mà còn lại mới là lợi nhuận. Nếu không tính khoản phải trả nợ thì chúng tôi lãi là 141 tỷ đồng. Đấy, nếu không phải trả nợ thì nó là của tôi.

Nhưng đã là doanh nghiệp thì không nợ là không có. Công ty nào mới đầu tư cũng như thế cả, những năm đầu đều có khó khăn nhưng những năm sau thì đến điểm cân bằng song rồi lợi nhuận tăng dần. Sau khi trả hết nợ, chúng tôi hay nói đùa nó là con gà đẻ trứng vàng.

Thử tính toán thế này, công suất của Xi măng Đồng Bành là 0,9 triệu tấn/năm, giá hiện nay khoảng 900 nghìn đồng/tấn thì doanh thu cả năm khoảng hơn 800 tỷ đồng. Nếu theo con số của Bộ Xây dựng là thiếu nợ 5 năm tới khoảng 607 tỷ đồng thì riêng trả nợ đã khoảng 14-15% tổng doanh thu. Mà đấy là tính dài  hạn, riêng năm nay nợ 141 tỷ đồng trong tổng doanh thu dự kiến 500 tỷ đồng thì đã gần 30%. Con số này trong cân đối tài chính thì có coi là lớn?

Cái ấy thì tất nhiên rồi. Cái ấy thì ông nào có máy cũng phải tính toán cho chạy.

Nhà nước thì phải ưu ái công ty Nhà nước

Xin hỏi ông dự án này được hưởng những ưu đãi gì trong đầu tư?

Ưu đãi thứ nhất là Nhà nước thông qua Ngân hàng Phát triển cho tôi vay hơn 270 tỷ đồng. Khoản vay này là lãi suất thấp. Thứ hai là khoản vay ANZ có bảo lãnh. Lãi suất của ANZ, cộng cả phí, và lãi của cả các ngân hàng trong nước, tổng khoảng 6%/năm tất tần tật.

Điều kiện nào để Dự án này được Chính phủ bão lãnh cho khoản vay của Ngân hàng ANZ?

Thứ nhất là dự án này nằm trong quy hoạch, nằm trong đường hướng phát triển của ngành xi măng, của đất nước. Thứ hai là các cổ đông đều là doanh nghiệp nhà nước đứng ra góp vốn vào. Dự án này cũng do Chính phủ cho phép đầu tư.

Cho nên lúc lập báo cáo đầu tư, chủ đầu tư có xin ý kiến các bộ, ngành. Về kỹ thuật, Bộ Xây dựng phải có ý kiến dự án này nằm ở đây có đúng quy hoạch không, có đúng đường hướng phát triển không; Bộ Tài chính phải xem xét lúc đầu nó lỗ ra sao, có hiệu quả không… Nếu tất cả đều nói dự án này đầu tư là được đấy, bằng ấy ông đồng thanh, Thủ tướng mới ký cho phép đầu tư.

Thế thì các ông cổ đông thu xếp vốn. Nếu thấy rằng vốn góp chỉ có bằng này thôi thì lúc ấy mới đề nghị các ngân hàng cho vay. Thế thì vay ngân hàng nước ngoài phải có bảo lãnh. Báo cáo lên Chính phủ thì Chính phủ đồng ý nhưng trước khi đồng ý thì bắt các ông cổ đông phải cam kết một là phải góp đủ vốn, thứ hai là những năm đầu nó khó khăn thì các ông phải bù đắp cho nó. 3 ông cổ đông đồng thanh cam kết thì Chính phủ mới đồng ý cho bảo lãnh.

Cụ thể phần vay của dự án này như thế nào?

Dự án này vay của 3 ngân hàng. Vay của ANZ là lớn nhất, ở đây chúng tôi vay là hơn 42 triệu USD. Giới hạn lớn nhất có thể vay cho dự án này là 45 triệu USD, nhưng tôi không tiêu hết nên chẳng vay làm gì cả.

Ví dụ như trong quá trình tính toán, mua thiết bị, máy móc, thi công… hết bằng này thì đưa ra hạn mức ấy. Nhưng trong quá trình thực hiện, ví dụ tôi làm nhanh, tôi tiết kiệm… thì tôi không cần vay đến mức 45 triệu USD.

Còn lại Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi không nhớ số lẻ nhưng một ông là 270 tỷ đồng và một ông là 210 tỷ đồng, tổng cộng là khoảng 480 tỷ đồng.

Với dự án như Đồng Bành, vốn vay chiếm đến 80% tổng đầu tư, thì nỗi lo rủi ro vỡ nợ hay khả năng cạnh tranh so với các dự án khác như thế nào?

Rủi ro, hay cạnh tranh giữa các dự án không phản ánh qua con số đó. Thực ra, trong đầu tư thì trừ các doanh nghiệp tư nhân mà người ta không thể vay được, còn không có dự án nào là không đi vay cả.

Vì thế này, ông nào cũng muốn là thậm chí mình có rất nhiều tiền nhưng mình bỏ ra ít thôi. Vì còn phải bù vào những lúc nó biến động có khó khăn…

Tức là theo ông, vay lớn là câu chuyện chung của ngành xi măng hiện nay?

Theo tôi hiểu thì không chỉ là ngành xi măng mà ngành nào cũng như vậy. Những dự án thép, điện… người ta chỉ bỏ ra một phần vốn thôi.

Tư nhân thì khó khăn về thủ tục thế chấp nên khó vay hơn, còn nói gì thì nói nhà nước phải ưu ái cho công ty nhà nước.

Suất đầu tư của dự án này ban đầu là chưa đến 1.300 tỷ đồng, sau tăng lên đến trên 1.500 tỷ đồng là có lý do gì, thưa ông?

Vâng đúng là 1.500 tỷ đồng, nhưng chúng tôi tiêu không đến. Đó là giới hạn trên. Cho đến thời điểm này mới khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nó tăng lên là do giá cả thị trường tăng. Vì lúc tính toán đầu tư thì nguyên vật liệu xây dựng, rồi nhân công các thứ theo giá  từ lúc lập báo cao, nhưng đến lúc thông qua các cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng phải mất 1-2 năm. Sau đó mới đấu thầu.

Thế thì trước đó 1-2 năm tiền khoảng 1 triệu USD, ví dụ thế, đến thời điểm sau, nhất là các năm 2007-2008 thì giá sắt thép các thứ trên thế giới nó tăng ác, đội giá lên.

Tỷ giá thay đổi cũng tính vào đó rồi.

Nếu thế, tính tổng 480 tỷ đồng vay hai ngân hàng trong nước và khoảng 840 tỷ đồng quy đổi khoản vay của ANZ, như thế thì các cổ đông của Đồng Bành gần như chỉ góp rất ít vốn vào dự án?

Ở đây, vốn cổ đông cam kết góp là 301 tỷ đồng. Hiện nay họ đã góp hơn 200 tỷ đồng rồi, chỉ còn thiếu 9 chục tỷ đồng thôi. Vì họ thiếu, nếu góp vào đây cho tôi thì trả ngay cho ANZ chẳng có vấn đề gì cả…

Theo ông, từ chuyện doanh nghiệp phải trông vào Chính phủ để trả nợ, Đồng Bành sẽ làm gì để tự mình đương đầu với những khoản nợ trong thời gian tới?

Thực ra thì cực chẳng đã mới phải đi vay của Chính phủ, vì mấy ông cổ đông hiện thời còn gặp khó khăn. Chứ còn cái chính là doanh nghiệp phải tự lo là chính. Phải đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, phải tiết kiệm tất cả các cái để có được càng nhiều tiền càng tốt trả nợ bớt đi.

Chứ còn năm nay đúng là năm nó có khó khăn. Với cái chính cũng là tình hình chung của thị trường, cực chẳng đã mới phải kêu lên Chính phủ. Chứ còn đẻ ông ra thì ông phải tự làm tự ăn chứ.