Xoá bỏ tư duy cục bộ để phát triển các vùng kinh tế mạnh
Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, để phát triển vùng, trước hết cần có sự thống nhất về nhận thức giữa các lãnh đạo địa phương: “Trong anh có tôi, trong tôi có anh, chúng ta là một thể thống nhất…”
Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023 và Lễ trao giải thưởng Rồng Vàng lần thứ 22 do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và UBND TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào ngày 17/3 tại TP. Đà Nẵng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh liên kết phát triển vùng là chủ đề đã được thảo luận nhiều nhưng trên thực tế không có nhiều tiến triển. Vấn đề quan trọng trước hết là phải đồng lòng thay đổi, nhận thức.
KHÔNG CẠNH TRANH XUỐNG ĐÁY
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, có cả nguyên nhân từ cơ chế, chính sách nhưng cũng có nguyên nhân từ nhận thức lãnh đạo.
Về cơ chế, hiện chưa hình thành được cơ quan hành chính cấp vùng. 63 tỉnh/thành ở ta hiện nay được ví như 63 nền kinh tế, cái gì cũng có, tình trạng cục bộ cản trở liên kết.
Nhiều lãnh đạo địa phương chỉ muốn liên kết với các trung tâm kinh tế lớn chứ không muốn liên kết với tỉnh nhỏ, khó khăn.
Hệ quả của tình trạng cục bộ là cạnh tranh xuống đáy giữa các tỉnh, nền kinh tế không giải quyết được các vấn đề chung như môi trưởng, sử dụng hiệu quả tài nguyên…
Nghị quyết 20-NQ/TW và Nghị quyết 26-NQ/TW đã đưa ra các định hướng mới nhằm thống nhất nhận thức lãnh đạo các địa phương: trong tôi có anh và trong anh có tôi, chúng ta là một thể thông nhất.
Liên kết phát triển vùng sẽ mở ra không gian phát triển mới, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng, giải quyết những vấn đề chung (môi trường, biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên…).
Tham dự và chủ trì Vietnam Connect Forum 2023 có các đồng chí lãnh đạo: Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cùng đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch 19 tỉnh/thành phố khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên.
Diễn đàn cũng có sự tham dự và đóng góp ý kiến của Ngân hàng thế giới cùng đại diện hơn 20 đại sứ quán, lãnh sự quán, gần 20 đại diện lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và hơn 300 đại diện doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.
Khu vực miền Trung và Tây nguyên có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Nằm liền kề nhau. Có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và bổ trợ lẫn nhau.
Bộ Chính trị đã ban hành 2 Nghị quyết quan trọng nhằm phát triển vùng này.
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Khu vực Tây nguyên có thế mạnh phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn; kinh tế lâm nghiệp bền vững. Diện tích đất rừng chiếm 59,3% tổng diện tích toàn vùng và 21% cả nước, giàu về trữ lượng và có tính đa dạng sinh học rất cao. Vai trò đặc biệt quan trọng của rừng là giữ đất và nước; môi trường sinh thái; truyền thống văn hoá và lịch sử; giữ được dân; bảo đảm được quốc phòng, an ninh.
Khu vực Bắc trung bộ và Duyên hải trung bộ có tiền năng phát triển kinh tế biển xanh. Bờ biển dài gần 2.000 km, gần 60% chiều dài bờ biển cả nước; 14 địa phương có biển: ½ tổng số các địa phương có biển; vai trò đối với Chiến lược biển quốc gia; giúp xoá đói, giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương, duy trì và tiến tới tăng cường nguồn vốn tự nhiên, cải thiện nguồn vốn văn hoá biển đặc trưng, bảo đảm công bằng xã hội và hướng tới phát triển bền vững.
Mọi giải pháp cụ thể từ chuyển đổi số, tăng trưởng xanh…đều cần hướng tới các trọng tâm phát triển sau: (i) gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng; (ii) định hướng phát triển bền vững, không đánh đổi kinh tế lấy xã hội, môi trường; (iii) gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu…
Đặc biệt, cần có sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và lộ trình thực hiện..bởi vì khu vực miền Trung - Tây nguyên có điều kiện địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai bão lũ nhiều…nhiều chỉ số phát triển kinh tế, xã hội đang thấp hơn trung bình cả nước.
CÁC BÀI TOÁN KỸ THUẬT CẦN GIẢI QUYẾT
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đã đưa ra một số vấn đề để lãnh đạo các địa phương, các bộ/ngành liên quan lưu ý khi xây dựng chiến lược liên kết phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đó là thực hiện tốt quy hoạch vùng và từng địa phương. Quy hoạch vùng là cơ sở pháp lý cho liên kết, hợp tác của từng địa phương trong vùng; phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia.
Liên kết theo tiểu vùng và giữa các địa phương lân cận giúp Bắc Trung bộ và duyên hải trung bộ khắc phục các rào cản về địa lý. Đặc điểm địa hình của vùng này là trải dài từ bắc vào nam, bề ngang hẹp, địa hình chia cắt…
Liên kết ngang (Đông – Tây) theo các hành lang kinh tế, gắn với các tuyến đường giao thông sẽ giúp phát huy được lợi thế so sánh và lợi thế bổ trợ lẫn nhau của từng địa phương; giữa vùng miền núi và đồng bằng, ven biển; phát huy lợi thế mặt tiền của vùng Bắc trung bộ và Duyên hải trung bộ.
Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải Trung bộ có nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng biển, cảng hàng không, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu… Cần có sự liên kết với nhau, phân chia rõ vai trò, vị trí để tránh chồng chéo, cạnh tranh triệt tiêu lợi thế của nhau.
Xác định rõ các trung tâm tăng trưởng, các cực tăng trưởng và đặt ra yêu cầu các trung tâm, các cực tăng trưởng của vùng phải có những tác động lan toả, thúc đẩy, lôi kéo sự phát triển của các địa phương trong vùng (vùng Trung Trung bộ; Đà Nẵng, Huế, Khánh Hoà, Vinh, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột…).
Liên kết theo lĩnh vực như năng lượng, công nghệ thông tin, kinh tế số, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch và dịch vụ, logicstics, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu, trao đổi thông tin giữa các địa phương trong vùng.
Vấn đề khó, đòi hỏi nghiên cứu sâu, thảo luận nhiều là xây dựng thể chế và cơ chế điều phối, phát triển vùng. Thể chế, cơ chế phải đảm bảo: (i) thể chế có đủ “quyền lực và nguồn lực”; (ii) cơ chế điều phối đối với các tiểu vùng trong tổng thể điều tiết vùng?; (iii) ơ chế phân bổ nguồn ngân sách hợp lý cho vùng, nhất là đối với các dự án lớn, mang tính vùng?
“Xây dựng được định hướng phát triển phù hợp đã khó; tổ chức thực hiện thành công còn khó hơn nhiều. Tuy nhiên, tôi tin tưởng với truyền thống yêu nước, văn hoá, cách mạng; sự cần cù và ý chí tự lực, tự cường, chịu khó, chịu khổ, khát vọng vươn lên của nhân dân trong các vùng; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, vùng Tây Nguyên và vùng bắc trung bộ, duyên hải Trung bộ nhất định sẽ có bước phát triển đột phá theo hướng nhanh, bền vững, vươn lên, bắt nhịp cùng với sự phát triển của cả nước”, ông Nguyễn Hồng Sơn nói.