Xu hướng “ẩm thực check-in”: Cẩn trọng kẻo hại thân
Đã có rất nhiều món ăn ngon bước ra từ thế giới ảo, đóng góp tích cực cho nền ẩm thực. Thế nhưng, giữa rất nhiều những trào lưu, cũng có các món ăn có phần "khủng khiếp" lại gây tò mò và được nhiều người chọn nếm thử...
Theo Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 do iPOS phát hành cuối tháng 3, cứ 3 người Việt thì có ít nhất 2 người "đu trend" ẩm thực đường phố, cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ cuả các trào lưu ẩm thực hiện nay.
Năm 2023, cà phê muối chiếm vị trí số 1 trong các xu hướng ẩm thực mới tại Việt Nam với gần 35% người lựa chọn. Đứng thứ hai là trà mãng cầu với 19,5% thực khách lựa chọn, tiếp đến là trà ô long đậm vị, gỏi gà măng cụt, trà sữa nướng Vân Nam (trà sữa đất nung), bánh đồng xu và trà chanh giã tay.
Có thể nói, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, những món ăn độc lạ rất nhanh có thể trở thành trào lưu ăn uống thu hút giới trẻ. Ở thời điểm đỉnh cao, những món ăn thức uống này xuất hiện khắp các "mặt trận", từ các bài viết, video trên mạng cho đến thực đơn của những hàng quán lớn nhỏ. Bên cạnh những món ăn "biến tấu" mới lạ, cũng có những "sáng tạo" ít ai ngờ tới, được bắt nguồn từ mạng xã hội Trung Quốc, rộ lên trong thời gian ngắn, sau đó nhanh chóng hết thời để nhường chỗ cho những món mới, độc hơn, lạ hơn.
Mới đây, một quán cà phê ở Cam Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đã cho ra mắt loại đồ uống kỳ lạ khi kết hợp giữa latte đá truyền thống với ớt khô và bột ớt. ợc biết, quán cà phê này tên là Jingshi, họ ra mắt món “latte đá nóng” này vào cuối năm ngoái. Thức uống kỳ lạ này ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới trẻ Trung Quốc. Hiện tại, quán cà phê Jingshi bán khoảng 300 cốc cà phê ớt mỗi ngày. Các video lan truyền trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), cho thấy người ta rót cà phê vào cốc nhựa trước khi cho ớt khô vào và phủ bột ớt lên trên đồ uống.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Starbucks cũng đã ra mắt món cà phê thịt lợn tại thị trường Trung Quốc, mô tả đồ uống mới này mang phong vị truyền thống và có hương vị "mặn, ngọt bất ngờ". Đài CNN cho biết, đồ uống mới này là sự kết hợp giữa nước sốt thịt lợn kho Đông Pha, cà phê espresso và sữa hấp. Ly cà phê vị thịt lợn này còn được trang trí thêm bằng nước sốt và thịt lợn. Từ khoá về món này lọt nhóm được tìm kiếm cao với khoảng 476.000 lần truy cập trên mạng xã hội Weibo.
Những món ăn này sau đó cũng đã lan tới Việt Nam, xuất hiện nhỏ lẻ tại một số thành phố lớn. Gần đây nhất có lẽ là trà sữa hành lá. Món đồ uống lạ đời này được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong ngày cá tháng tư năm nay, một số thương hiệu Trung Quốc đã cho ra mắt món đồ uống này và làm dậy sóng cộng đồng mạng xứ Trung. Bắt nhịp xứ người, một cửa hàng đồ uống ở TP.HCM đã đem trà sữa hành lá về bán với giá 49.000đ/ly.
Giống như tên gọi của mình, trà sữa hành lá sẽ có hai phần: phần trà sữa (bao gồm các topping như trân châu, thạch, v.v.) và một phần hành lá sống được để riêng. Sự kết hợp độc lạ này đã thu hút rất nhiều TikToker hoặc những bạn trẻ sáng tạo nội dung về ẩm thực đến uống thử. Theo nhận xét của họ, trà sữa nói riêng thì khá ngon, nhưng kết hợp cùng hành lá thì mùi hành lá hăng át hết tất cả, khiến tổng thể ly trà sữa cực kỳ khó uống, thậm chí buồn nôn.
Theo trào lưu hành lá, một số quán ra nhiều thức uống “quái lạ” như trà chanh giò heo, trà sữa mắm tôm, trà sữa ớt tắc, trà sữa mỳ tôm hải sản... Sau khi món này xuất hiện, đã làm gây tranh cãi rất nhiều ý kiến trái chiều vì nó liên quan đến vấn sức khỏe, an toàn thực phẩm. Nhiều người dân cho rằng nên lên án những trào lưu sáng tạo đồ ăn, nước uống dễ gây “ngộ độc” làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tài khoản TikTok Ngân Ngân bình luận: “Làm ơn! Đừng phá hoại cảm xúc ăn uống của tôi nữa. Hết trà sữa hành lá giờ đến trà chanh giò heo, bánh kem hành lá. Mong TikTok kiểm duyệt sát sao những nội dung về ẩm thực kỳ dị như vậy. Lỡ trẻ nhỏ học làm theo rồi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì làm sao, ai sẽ chịu trách nhiệm?”
Thạc sĩ Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu, tư vấn dinh dưỡng cảnh báo: Xét về mặt dinh dưỡng, những món như trà sữa hành lá, trà sữa giò heo… những món ăn này cũng chưa phải tạo ra chất độc gây hại đến cơ thể. Những sự sáng tạo về các món ăn như vậy sẽ tạo ra những công thức, những hợp chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề về tiêu hóa. "Thay vì chỉ tập trung những món ăn độc lạ để câu view, gây ra nhiều tranh cãi, các bạn trẻ hãy sáng tạo những món ăn gần gũi với thiên nhiên, những món ăn cân bằng, tốt cho sức khỏe...”, BS Hùng nói.
Thực tế, một số thương hiệu lớn cũng từng cho ra mắt những món ăn kỳ lạ. Đầu năm 2019, thương hiệu Pizza 4P’s cho ra đời món pizza bún đậu mắm tôm. Các thực khách nhận xét sự kết hợp giữa ẩm thực Ý và ẩm thực Việt này cũng không quá tệ. Nhưng nhìn chung mùi vị không hài hòa, quá mới lạ. Trong trường hợp của Pizza 4P’s hoặc Starbucks, phần lớn là các thương hiệu đã có tính toán và mong muốn có thể nâng cao độ nhận diện thương hiệu thông qua các món ăn đó. Hay nói cách khác, họ đang biến chiêu kết hợp ẩm thực kỳ lạ thành một công cụ tiếp thị.
Trong khi đó, khi người ta nhắc đến các món ăn/đồ uống kỳ quái hoặc theo xu hướng như trà sữa hành lá, trà chanh giã tay hay bánh đồng xu phô mai, họ thường chỉ nhắc và nhớ đến bản thân món ăn, chứ không đề cập gì đến thương hiệu. Tức là những món ăn này cũng chỉ là chiêu câu view nhất thời từ sự hiếu kỳ của khách hàng. Một khi đã là nhất thời và không có sự tính toán lâu dài, thì xu hướng ấy rất dễ thoái trào.
Chị Lê Thị Lan, chủ cửa hàng kinh doanh nước và đồ ăn vặt ở Trần Thái Tông (Hà Nội) cho rằng, sự phát triển của mạng xã hội khiến những món ăn rất dễ “nổi bật”, nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Những chủ quán kinh doanh theo trào lưu có thể kiếm lời rất nhanh nhưng không phải ai cũng thành công, thậm chí rất dễ lỗ vốn.
"Những người chạy theo trend đầu tiên sẽ kiếm được lợi nhuận cao trong thời gian đầu. Sau đó, nhiều người khác bắt chước, sao chép cách thức kinh doanh, dẫn đến việc cung vượt hơn cầu, làm cho món theo trend bị thoái trào,” chị Lan nói.
Có thể thấy, việc chạy theo các trend của cả người tiêu dùng hay người sản xuất cũng đều có hai mặt. Với những bạn trẻ, nếu chăm chăm chạy theo các trend có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa, và làm rối loạn vị giác. Với các cửa hàng kinh doanh, đầu tư tiên vốn để chạy theo món trào lưu cũng dễ khiến chủ cơ sở không thu hồi nổi vốn. Thế nên, mỗi người cũng cần có sự tỉnh táo trước khi nhập cuộc vào một “hot trend” nào đó để thật sự hiểu bản thân muốn gì, cần làm gì và làm như thế nào, tránh sự vô ích, lãng phí chỉ vì hiệu ứng đám đông.