Người Việt đang ăn nhiều thực phẩm thừa muối
WHO đã quan sát thấy sự gia tăng mạnh về bệnh tim ở cả người trẻ và người cao tuổi trong vài năm qua. Trong khi đó, không nhiều người biết việc tiêu thụ thừa muối có thể gây ra nhiều tác động xấu sức khỏe tổng thể…
Natri là khoáng chất quan trọng của muối giúp duy trì lượng chất lỏng thích hợp trong máu. Tiêu thụ quá nhiều natri góp phần giữ nước trong máu. Điều này có thể làm tăng huyết áp, khiến cơ thể tăng cân và góp phần tích tụ chất lỏng, đầy hơi và sưng tấy. Điều này làm gián đoạn hoạt động của tim và ảnh hưởng đến thận. Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ khuyến nghị mỗi người nên tiêu thụ không quá 2.300 miligam natri (5 gam muối) mỗi ngày. Giới hạn natri lý tưởng cho những người bị huyết áp cao là 1.500 mg mỗi ngày.
Tại Việt Nam, theo cuộc điều tra quốc gia do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành, sau 5 năm, mức độ tiêu thụ natri của người dân Việt Nam giảm từ 9,4 g xuống còn 8,4 g muối. Tuy nhiên, người Việt vẫn đang ăn mặn ở mức cao so với khuyến cáo. Mỗi năm, thế giới ghi nhận khoảng 17,3 triệu ca tử vong sớm do bệnh tim mạch, dự báo đến năm 2030, con số này tăng lên 23 triệu ca. Trong khi đó, tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp và cứ 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do các bệnh tim mạch.
Nếu ăn nhiều hơn 5g muối/ngày, cơ thể sẽ bị mất cân bằng chỉ số natri và kali, khiến thận lọc nước kém. Điều này dẫn tới nguy cơ cao bị tăng huyết áp do có nhiều chất lỏng không được lọc, cũng như gây thêm áp lực cho các mạch máu, thậm chí làm tắc nghẽn động mạch. Thói quen ăn mặn cũng chính là nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận, bệnh dạ dày và hệ xương khớp. Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2020 tại Việt Nam cho thấy lượng rau quả ăn vào trung bình chỉ đạt 66,4 - 77,4% khuyến nghị. Trong khi đó, người dân lại tiêu thụ nhiều mì ăn liền, các loại gia vị nhiều muối như bột canh, nước mắm, nước tương, mì chính.
Một nghiên cứu do FAO Việt Nam tài trợ thực hiện năm 2020 ở người 15 - 25 tuổi thuộc cả khu vực thành thị và nông thôn thành phố Hà Nội, cho thấy gần 95% người tham gia có xu hướng thường xuyên tiêu thụ các loại thức ăn nhanh. Bánh mì, đồ ăn nhanh và mì ăn liền được tiêu thụ phổ biến nhất. "Thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến bao gói sẵn thường có nhiều đường, chất béo và natri, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác", Bộ Y tế khuyến cáo.
Từ năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị sử dụng nhãn thông tin dinh dưỡng như một chiến lược để hỗ trợ công chúng lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn. Ghi thông tin hàm lượng muối trên nhãn dinh dưỡng của thực phẩm giúp người dân biết để lựa chọn sử dụng thực phẩm ít muối, có lợi cho sức khỏe hơn. Bên cạnh đó, việc đưa ra các khuyến cáo hàm lượng muối tối đa trong 100g thực phẩm là hết sức cần thiết nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất áp dụng các biện pháp giảm muối trong công thức chế biến, thay thế muối natri bằng gia vị khác trong thực phẩm góp phần cung cấp cho cộng đồng sản phẩm thực phẩm ít muối hơn.
Là một trong các hoạt động nhằm nỗ lực kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới đã ban hành Khuyến nghị toàn cầu về ngưỡng Natri cho các loại thực phẩm. Khuyến nghị “Hàm lượng Natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam” được xây dựng dựa trên cơ sở Khuyến nghị toàn cần của Tổ chức Y tế thế giới và phù hợp với thực tế xu hướng tiêu thụ thực phẩm tại Việt Nam.
Ngày 29/12/2023, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức họp góp ý dự thảo Khuyến nghị về hàm lượng natri cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam. Theo đó, khuyến nghị hàm lượng natri dùng để khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng để sản xuất các thực phẩm giảm natri nhằm cung cấp đến người dân các sản phẩm thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe và để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng các thực phẩm giảm natri góp phần nâng cao sức khỏe, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.
BSCKII Lê Quang Hải, Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Nông Nghiệp, cho biết nếu huyết áp của một người ở mức cao là 160/100 mmHg thì sau một năm, chức năng lọc máu của thận giảm mất 10ml, sau 3 năm giảm 30ml, 5 năm giảm 50ml... Khi chức năng thận giảm 50% thì sinh lý của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng (xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, phù…). "Như vậy, một bệnh nhân tăng huyết áp nếu không được kiểm soát thì có thể dẫn tới suy thận sớm", bác sĩ Hải nói.
Theo đó, Bộ Y tế khuyến nghị ngưỡng natri tối đa (mg/100 g) cho pizza là 450, bánh mì ngọt 310, cá đóng hộp 360, rau ngâm lên men 550, nước tương và nước mắm là 4.840... Hiện 65/194 quốc gia đã thực hiện các chính sách điều chỉnh công thức chế biến thực phẩm nhằm giảm natri. Trong đó 21 nước triển khai bắt buộc, 6 nước kết hợp giữa bắt buộc và tự nguyện và 38 nước triển khai dưới dạng tự nguyện.
Hiện nay, Việt Nam chưa thiết lập cơ sở dữ liệu và hệ thống giám sát việc tiêu thụ natri, tiêu thụ các loại thực phẩm có nhiều natri và đánh giá hiệu quả các can thiệp giảm natri. Trong thời gian tới cần phải tích hợp giám sát tiêu thụ natri trong hệ thống giám sát các bệnh không lây nhiễm và yếu tố nguy cơ, chuẩn hóa các chỉ số, quy trình, công cụ giám sát và xây dựng cơ sở dữ liệu cho lĩnh vực này.
Đối với người tiêu dùng, hầu hết các thực phẩm đóng gói và chế biến đều chứa hàm lượng muối tiềm ẩn. Do đó, cần kiểm tra bảng hàm lượng các thành phần khi mua sản phẩm. Theo NKF, trên nhãn thực phẩm thường gặp những thuật ngữ sau: "Giảm natri" là sản phẩm giảm hơn 25% natri so với thông thường. "Ít natri" là sản phẩm chứa 50% natri so với sản phẩm thông thường. "Natri rất thấp" là sản phẩm chứa không quá 35 mg mỗi khẩu phần. "Không chứa natri" là sản phẩm có chưa đến 5 mg natri mỗi khẩu phần…
Người tiêu dùng nên chọn thực phẩm có nhãn "không chứa natri" hoặc "natri rất thấp”, đồng thời nên chú ý số lượng của khẩu phần ăn, bởi nhiều sản phẩm chứa nhiều khẩu phần trong một gói. Nhãn thực phẩm cũng có thể đo hàm lượng muối trên 100 g sản phẩm chứ không phải tổng lượng muối của sản phẩm đó.
Thông thường, thực phẩm tươi sống như trái cây, rau, sữa, trứng, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt có hàm lượng natri thấp. Bên cạnh đó, hãy bổ sung thực phẩm giàu kali vào chế độ ăn, do kali có thể giúp chống lại tác động tiêu cực của natri. Một số thực phẩm giàu kali mà bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn uống của mình bao gồm chuối, khoai tây, rau bina, dưa hấu và củ cải đường...