Xu hướng rút ròng của vốn ngoại sẽ chưa dứt trong năm 2022?
Chứng khoán Việt Nam giống như thị trường của “những con hổ châu Á” cách đây 25-30 năm, bùng nổ về lượng và chất, tuy nhiên khối ngoại được dự báo tiếp tục bán ròng trong năm 2022...
Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022, Chứng khoán BSC nhấn mạnh, thị trường chứng khoán đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về cả chất và lượng trong năm 2021 và đang trên đà bước theo con đường của các nền kinh tế “Những con hổ Châu Á” cách đây 25- 30 năm. Thị trường Chứng khoán của các nước này cũng có sự bùng nổ về lượng nhà đầu tư và thanh khoản khi GDP bình quân đầu ngườitiệm cận mức 4,000 USD.
Trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng vẫn duy trì tăng điểm nhờ các yếu tố nền tảng vĩ mô, doanh nghiệp, và dòng tiền.
Về kinh tế vĩ mô trong năm 2022, BSC dự báo tăng trưởng GDP theo 2 kịch bản 6,0% và 6,6% cho năm 2022, và 6,7% và 7,0% năm 2023. CPI là yếu tố cần theo dõi, dù vậy, vẫn dự báo ở mức 4,5% và 3,0% năm 2022 và lần lượt 4.0% và 3.2% năm 2023. Lãi suất 2 kịch bản giữ ở mức 5,5% và 5,2%, sau đó tăng dần lên mức 5,8% và 5,5% năm 2023. Tỷ giá ổn định từ 23.100 – 23.300 trong 2 năm tới.
VN-Index nhờ đó được dự báo Kịch bản 1 đạt 1.633 điểm với giả định EPS tăng trưởng 13%; P/E 17 lần. Kịch bản 2 chỉ đố sẽ đạt 1.782 điểm với giả định EPS tăng trưởng 16.5% và P/E 18 lần.
Thanh khoản bình quân 3 sàn theo kịch bản 1 là 1,1 tỷ USD/phiên giảm 5%; Kịch bản 2 là 1,3 tỷ USD/phiên tăng 15% khi hệ thống giao dịch và các sản phẩm hỗ trợ thanh khoản đưa vào sử dụng trong quý 2. Cùng với đó số tài khoản mở mới tăng lần lượt 23.6% và 34% cho 2 kịch bản. Vốn hóa thị trường tang tương ứng 10% và 20%.
Với khối ngoại, nhóm này sẽ bán ròng 200 triệu USD với kịch bản 1 và mua ròng 500 triệu USD với kịch bản 2 từ kỳ vọng các thương vụ M&A từ các công ty tư nhân lớn, khối ngân hàng niêm yết và áp lực rút ròng không còn lớn từ khối nước ngoài offshore.
Theo BSC, sau một năm bùng nổ về nhiều khía cạnh, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 được dự báo thận trọng hơn khi các yếu tố quốc tế bớt dần tính thuận lợi mặc dù các yếu tố trong nước vẫn hỗ trợ cho thị trường tăng trưởng.
Các yếu tố tác động thuận lợi đến thị trường chứng khoán gồm: Ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế thông qua sẽ tạo đà giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng sau kiểm soát dịch bệnh. Vĩ mô tích cực giúp cho lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cải thiện mạnh nhờ phục hồi sản xuất, tiêu dùng trong nước và quốc tế, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp.
Các quốc gia và khu vực chủ chốt tiếp đà tăng trưởng sau dịch bệnh tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất trong nước hồi phục và mở rộng các Hiệp định thương mại quan trọng có hiệu lực.
Thị trường đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn nhà đầu tư trong nước, và liên tiếp tạo ra kỷ lục về thanh khoản.
Mặt bằng lãi suất thấp vẫn sẽ giữ chân nhà đầu tư trong nước nửa đầu năm 2022 trong khi áp lực rút vốn khối ngoại không còn nhiều và sự chuyển dịch dòng tiền sang thị trường mới nổi và thị trường biên biên có thể xảy ra do tương quan hấp dẫn giữa tăng trưởng và định giá hợp lý.
Luật chứng khoán sửa đổi có hiệu lực trong 2021 là văn bản pháp lý cao nhất kiện toàn các thành phần điều hành thị trường, cơ sở cho ra đời các sản phẩm mới hỗ trợ nhà đầu tư và qua đó có thể nâng hạng thị trường.
Ngoài những yếu tố thuận lợi kể trên, BSC cho rằng rủi ro phần lớn sẽ đến từ bên ngoài và lưu ý ở một yếu tố như sau: (1) Ngân hàng Trung ương các nước chủ chốt đẩy nhanh quá trình trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng lãi suất; (2) Khả năng kiểm soát dịch dưới kỳ vọng ảnh hưởng đến tăng trưởng và hồi phục của nền kinh tế trong nước và quốc tế; (3) CPI và giá cả hàng hóa leo thang do chuỗi cung ứng gián đoạn; (4) Tăng trưởng Trung Quốc chững lại và (5) Thị trường chứng khoán các nước phát triển có diễn biến tiêu cực hoặc đảo chiều.