Xu thế dòng tiền: Sau kỳ nghỉ, thị trường có cơ hội đột phá hay bull-trap tạo 2 đỉnh?
Thị trường gây bất ngờ với tuần tăng trưởng tích cực cuối tháng 8, VN-Index lên mức 1.224,05 điểm, tiệm cận đỉnh cao nhất trong tháng 8/2023, cũng là đỉnh cao nhất 11 tháng. Liệu thị trường có khả năng đột phá vượt lên đỉnh cao mới, hay đây chỉ là nhịp phục hồi kiểm định ngưỡng cản cũ và tạo bull-trap 2 đỉnh?
Thị trường gây bất ngờ với tuần tăng trưởng tích cực cuối tháng 8, VN-Index lên mức 1.224,05 điểm, tiệm cận đỉnh cao nhất trong tháng 8/2023, cũng là đỉnh cao nhất 11 tháng. Liệu thị trường có khả năng đột phá vượt lên đỉnh cao mới, hay đây chỉ là nhịp phục hồi kiểm định ngưỡng cản cũ và tạo bull-trap 2 đỉnh?
Nhận định về diễn biến phục hồi này, các chuyên gia cho ràng hiệu ứng của thanh khoản là khá tốt, dù vẫn chưa lấy lại được quy mô giao dịch như thời điểm nửa đầu tháng 8/2023. Trong các nhịp phục hồi, VN-Index vượt qua mức giá trung bình độn 20 ngày (MA 20) là bình thường. Các chuyên gia vẫn đánh giá cao nguy cơ thị trường xuất hiện áp lực bán lớn khi chạm tới vùng đỉnh cũ.
Tuần cuối tháng 8 cũng xuất hiện trạng thái mua ròng trở lại của nhà đầu tư nước ngoài và lực cầu này hỗ trợ giá cổ phiếu ở một số thời điểm. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá đây là hiệu ứng của hoạt động tái cơ cấu của quỹ ETF MSCI cùng các quỹ có liên quan. Tuần giao dịch đầu tháng 9 sẽ đóng vai trò quan trọng giúp xác định cơ hội nối dài đà tăng hay thị trường sẽ kiểm định đỉnh cao cũ và tạo 2 đỉnh rồi tiếp tục xu hướng điều chỉnh.
Với quan điểm thận trọng, các chuyên gia duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình cao là chủ đạo. Hoạt động lướt sóng ngắn chỉ được thực hiện với cổ phiếu có sẵn.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường bất ngờ có một tuần tăng trưởng tích cực, VN-Index vượt luôn cả MA20. Trong nhận định tuần trước anh chị cho rằng thị trường chỉ tạm nghỉ trước khi điều chỉnh tiếp. Không lẽ thị trường đủ mạnh và tích cực để kết thúc nhịp điều chỉnh nhanh như vậy? Anh chị đánh giá thế nào về động lực tăng trưởng tuần qua?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tuy tuần qua thị trường tăng khá tích cực nhưng chỗi ngày tăng liên tiếp vẫn chưa phá được giá cao nhất của cây nến giảm mạnh ngày 18/8. Hiện tại để nói thị trường đã kết thúc nhịp điều chỉnh là còn quá sớm. Theo tôi thị trường có thể hồi lại để tạo 2 đỉnh lớn (đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước hoặc cao hơn đỉnh trước đó và tạo phân kỳ).
Tuần rồi tuy thị trường hồi phục tốt nhưng thanh khoản vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của tôi, nhưng số mã tăng điểm và vượt đỉnh khá nhiều đây cũng là một điểm tích cực của thị trường.
Thường tuần trước nghỉ lễ thị trường hay gặp áp lực điều chỉnh và ra lễ thị trường tăng trở lại, nhưng giai đoạn hiện tại tuần trước nghỉ lễ lại tăng nên không loại trừ khả năng ra lễ thị trường điều chỉnh giảm, nhất là thị trường đang tiến sát vùng kháng cự quanh đỉnh cũ. Hiện tôi thiên về kịch bản thị trường khả năng cao nhịp này hồi phục để tạo 2 đỉnh lớn và nhịp hồi vừa rồi khả năng cũng chỉ là “bull-trap”.
Ông Nguyễn Việt Quang
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Như đã chia sẻ trong những tuần nhận định trước, tôi cho rằng con sóng dựa trên sự kỳ vọng vào chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài gần 4 tháng kể từ cuối tháng 3 tới tháng 8 đã kết thúc. Hiện tại, thị trường đang nằm trong một giai đoạn vận động trung gian nhằm chuyển tiếp động lực tăng trưởng sang dựa trên kết quả kinh doanh và thể hiện bằng con số trên nền kinh tế thực.
Đồng thời, bối cảnh lãi suất được neo ở vùng thấp lâu cùng với thanh khoản trên hệ thống ngân hàng duy trì ở trạng thái dồi dào, sẽ giúp cho môi trường tiền nhiều vẫn hiện hữu trên thị trường chứng khoán, thì giai đoạn vận động trung gian có thể chỉ mang tính ngắn hạn và không kéo dài lâu. Tôi dự báo giai đoạn này có thể là một đợt điều chỉnh ngắn hạn khoảng từ 3 tới 5 tuần.
Không những vậy, đợt điều chỉnh ngắn hạn này sẽ không vận động theo mô hình đơn giản mà sẽ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật (bull-trap) không chỉ vượt MA20 mà còn có thể thử thách lại vùng phân phối cũ (quanh đỉnh cũ – 1.240 điểm). Và động lực cho nhịp bull-trap mạnh mẽ trong tuần qua vẫn xuất phát từ “môi trường tiền nhiều” đang hiện hữu trên thị trường.
Ông Trần Hà Xuân Vũ - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Thị trường có tuần hồi phục khá tốt, mạnh hơn dự kiến và tiến sâu vào vùng phân phối trước đó trong khoảng 1.210 - 1.240 điểm. Tuy nhiên, tôi cho rằng tạm thời vẫn chưa đủ cơ sở để nhận định kết thúc đợt điều chỉnh, do áp lực cung có thể sẽ gia tăng trở lại khi VN-Index hướng đến vùng 1.240 điểm.
Động lực tăng điểm tuần rồi có ghi nhận dòng tiền khối ngoại hoạt động tích cực hơn. Hoạt động này trùng khớp với khoảng thời gian cơ cấu của quỹ ETF MSCI cùng các quỹ có liên quan. Đồng thời kỳ vọng câu chuyện khởi công sân bay Long Thành, dự kiến chuyến thăm của Tổng thống Mỹ... cũng hỗ trợ tích cực cho tâm lý nhà đầu tư.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Tôi vẫn đánh giá xu hướng thị trường trong tháng 9 vẫn hướng lên vùng 1.280 – 1.300 điểm. Việc thị trường điều chỉnh về khu vực 1.050 – 1.070 điểm và phục hồi mạnh lên luôn mà không tích luỹ thêm không phải quá ngạc nhiên bởi dòng tiền tham gia hiện nay là khá mạnh. Thị trường do đó còn nhiều dư địa tăng điểm giai đoạn tới.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Hiện VN-Index vẫn chưa quay trở lại được đỉnh cao tháng 8 nên về mặt kỹ thuật diễn biến tăng tuần qua như một nhịp phục hồi kỹ thuật và kiểm định đỉnh cũ. Nếu chỉ số vượt đỉnh thì xu hướng tăng trước đó được nối dài và ngược lại thì nhịp tăng này giống như bull-trap tạo 2 đỉnh. Anh chị đánh giá kịch bản nào trong tháng 9?
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Đợt sóng điều chỉnh mang tính trung gian vẫn chưa kết thúc, và nhịp hồi phục khi chưa vượt qua được đỉnh cao tháng 8 vẫn chỉ dừng ở tín hiệu hồi kỹ thuật.
Mặc dù nhịp hồi có vẻ khá mạnh mẽ nhờ vào “môi trường tiền nhiều” đang hiện hữu, nhưng để kết thúc được con sóng điều chỉnh trung gian này, thị trường cần thêm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa, bởi các tín hiệu kinh tế phục hồi rõ nét thay vì chỉ dựa trên những kỳ vọng mơ hồ. Khi càng về những tháng cuối năm thì con số thực tế sẽ có nhiều ý nghĩa hơn những lời hứa hẹn. Và nhà đầu tư thường cân nhắc thận trọng hơn trước mỗi quyết định giải ngân mới của mình.
Đồng thời, ở trong bối cảnh diễn biến thế giới vẫn còn nhiều biến số khó lường như việc Fed duy trì lãi suất cao lâu hơn sẽ là rào cản để Việt Nam nới lỏng chính sách hơn nữa, nếu không muốn tỷ giá sẽ biến động mạnh, hay như việc thị trường Bất động sản Trung quốc vẫn là một ẩn số lớn với thị trường tài chính thế giới khi mà rủi ro vỡ nợ đang dâng cao trong những tuần đầu của tháng 9 này. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể cần thêm thời gian để hấp thụ những “rung chấn” tiêu cực nếu sự kiện trên xảy ra.
Nhìn chung lại, thị trường có thể không phải trải qua đợt sóng điều chỉnh trung gian quá tiêu cực trong “môi trường tiền nhiều”, nhưng không phải vì thế mà đợt điều chỉnh này trở nên nhẹ nhàng. Tôi cho rằng trong tháng 9 này, thị trường có thể hướng tới kịch bản vận động giằng co hơn, phân hóa hơn. Và mô hình vận động của đợt sóng điều chỉnh trung gian này, có thể dưới dạng “hộp” hoặc “tam giác”.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Có rất nhiều dạng tăng điểm và điều chỉnh ở trong một xu hướng “uptrend” lớn. Theo tôi việc biến động tăng và điều chỉnh theo hình “lá cờ” hay mẫu hình “tam giác” hướng lên hoặc tạo thành các khu vực nền giá “double bottom” để tăng tiếp cũng là kịch bản dễ xẩy ra. Xu hướng chính vẫn là tăng điểm cho dù việc tăng và “test” lại đỉnh cũ có thể diễn ra vài phiên ở một số phiên tuần giao dịch đầu tháng 9.
Ông Trần Hà Xuân Vũ - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Mặc dù thị trường hồi phục mạnh hơn dự kiến và đang hướng đến vùng đỉnh cũ nhưng cấu trúc sóng điều chỉnh vẫn chưa hoàn thiện. Do vậy, có khả năng VN-Index vẫn chịu áp lực cản quanh vùng đỉnh cũ. Nếu chịu áp lực cung lớn thì thị trường vẫn còn tiềm ẩn thêm nhịp điều chỉnh. Trong trường hợp nới rộng sóng tăng thì thị trường sẽ cần khoảng thời gian dao động tạo nền để trung hòa vùng phân phối trước đó.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tuần sau lễ là một tuần khá qua trọng sẽ quyết định xu hướng tiếp theo của thị trường. Hiện thị trường đang tiến sát đỉnh cũ tháng 8 và sẽ chịu áp lực bán lớn, nếu hấp thụ được tốt có khả năng thị trường sẽ vượt đỉnh cũ. Thường tuần trước nghỉ lễ thị trường hay gặp áp lực điều chỉnh và ra lễ thị trường tăng trở lại, nhưng giai đoạn hiện tại tuần trước nghỉ lễ lại tăng nên không loại trừ khả năng ra lễ thị trường điều chỉnh giảm, nhất là thị trường đang tiến sát vùng kháng cự quanh đỉnh cũ.
Hiện tôi thiên về kịch bản thị trường khả năng cao nhịp này hồi phục để tạo 2 đỉnh lớn và nhịp hồi vừa rồi khả năng cũng chỉ là “bull-trap”.
Tôi dự báo giai đoạn này có thể là một đợt điều chỉnh ngắn hạn khoảng từ 3 tới 5 tuần, sẽ không vận động theo mô hình đơn giản mà xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật (bull-trap) không chỉ vượt MA20 mà còn có thể thử thách lại vùng phân phối cũ (quanh đỉnh cũ – 1.240 điểm).
Ông Nguyễn Văn Sơn
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Các số liệu kinh tế tháng 8 vừa được công bố vẫn chưa có thấy sự cải thiện rõ nét nào, tốc độ phục hồi vẫn chậm. Liệu thị trường chứng khoán có thể kỳ vọng vào một bất ngờ vĩ mô tích cực nào của quý 3 hay không?
Ông Trần Hà Xuân Vũ - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Số liệu vĩ mô tháng 8 được công bố với điểm chú ý ở chỉ số CPI. Trong bối cảnh giá lương thực, xăng dầu tăng trong thời gian qua, chỉ số CPI có thể sẽ tạo một chút “bất ngờ” trong quý 3 này. Ngoài ra, theo tôi có một số yếu tố có thể sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới của SBV.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Các số liệu vĩ mô trong tháng 8 vẫn chưa có nhiều cải thiện tích cực, nhưng đủ cho kỳ vọng là nền kinh tế đã trải qua giai đoạn xấu nhất rồi và đang chờ đợi tín hiệu rõ nét hơn vào cuối quý 4, cũng như năm 2024.
Tôi cũng cho rằng số liệu vĩ mô sẽ không có quá nhiều bất ngờ trong quý 3 ngoài yếu tố tỷ giá và lạm phát là cần theo dõi kỹ trong ngắn hạn. Và thị trường đang được nâng đỡ mạnh bởi môi trường tiền nhiều nhờ lãi suất ở mức thấp cùng với thanh khoản trong hệ thống ở trạng thái dồi dào.
Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ giao dịch theo sự kiện, tôi lại nhận thấy hai yếu tố có thể tác động trái chiều lên thị trường trong tháng cuối cùng của quý 3 này. Trong khi sự kiện Tổng thống Mỹ sang tháng Việt Nam trong 2 ngày từ ngày 10/9 tới đây có thể tác động tích cực lên kỳ vọng của nhà đầu tư, thì rủi ro từ Country Garden – một doanh nghiệp bất động sản lớn của Trung Quốc liệu có bị vỡ nợ hay không?, có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý giao dịch của thị trường. Do đó, thị trường sẽ vận động phụ thuộc nhiều hơn vào các sự kiện ngắn hạn thay vì dựa vào các số liệu từ vĩ mô trong phần còn lại của quý 3 này.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Dữ liệu kinh tế tháng 8 vừa qua không được khởi sắc cho lắm, tỷ lệ lạm phát tăng cao, xuất nhập khẩu vẫn giảm so với cùng kỳ,... Với dữ liệu vĩ mô của quý 3 tôi đang khá kỳ vọng tiêu dùng tiếp tục hồi phục và đầu tư công tiếp tục được giải ngân mạnh mẽ hơn tạo tiền đề cho GDP tiếp tục hồi phục.
Tôi cho rằng tạm thời vẫn chưa đủ cơ sở để nhận định kết thúc đợt điều chỉnh, do áp lực cung có thể sẽ gia tăng trở lại khi VN-Index hướng đến vùng 1.240 điểm.
Ông Trần Hà Xuân Vũ
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế ngay cả khi các số liệu kinh tế chưa thực sự khởi sắc. Tôi cho rằng một trong những điểm quan trọng cần lưu ý là việc hạ lãi suất liên tục từ quý 2 trở lại đây cũng như một số nút thắt dòng tiền đang dần được tháo gỡ. Chúng ta có thể kỳ vọng vào mộ số tín hiệu vĩ mô khởi sắc như tăng trưởng GDP, PMI hay hoạt động xuất nhập khẩu ở quý 3/2023.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần tăng trên diện rộng khá bất ngờ, nhất là ngay trước kỳ nghỉ dài, khiến không ít nhà đầu tư chậm nhịp chưa kịp tích lũy cổ phiếu với khối lượng lớn. Anh chị thì sao, tỷ trọng cổ phiếu hiện tại đã tăng lên bao nhiêu?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Do tôi vẫn đánh giá đây là một nhịp hồi kỹ thuật và xác suất có nhịp giảm tiếp là khá cao nên tuần vừa rồi tôi chủ yếu là giao dịch lướt sóng trên trạng thái cổ phiếu sẵn có và chốt tuần tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ của tôi vẫn là không đổi. Nếu tuần sau không có tín hiệu tích cực hơn từ thị trường để xác nhận tiếp diễn xu hướng tăng thì tôi vẫn nắm giữ tỷ trọng như hiện tại.
Ông Trần Hà Xuân Vũ - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Tỷ trọng cổ phiếu của tôi được duy trì ở mức 60% - 70%.
Tỷ lệ cổ phiếu hiện nay có thể là 70 – 80% là phù hợp, đi kèm việc phân bổ 4 – 6 cổ phiếu của một danh mục tiêu chuẩn.
Ông Lê Đức Khánh
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Dựa trên nhận định đợt sóng điều chỉnh trung gian này của thị trường có thể không quá tiêu cực về điểm số, và trạng thái vận động chủ đạo sẽ là giằng co và phân hóa hơn. Các cơ hội lướt sóng theo sự luân chuyển chung của dòng tiền vẫn xuất hiện bởi “môi trường tiền nhiều” đang hiện hữu sẽ giúp cho một số nhóm ngành giữ được xu hướng tăng.
Do đó, tôi có nâng tỷ trọng cho vị thế lướt sóng bằng cách giải ngân có chọn lọc hơn và đã đưa tỷ trọng lên mức cân bằng quanh 50%.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Với tôi duy trì tỷ lệ cổ phiếu cao hiện nay vẫn là chiến lược ưu tiên. Việc cân nhắc điều chỉnh tỷ trọng giữa các cổ phiếu nắm giữ cũng cần được cẩn thận xem xét liên tục để đảm bảo việc nắm giữ đúng cổ phiếu tiềm năng với tỷ trọng hợp lý sẽ hứa hẹn mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ cổ phiếu hiện nay có thể là 70 – 80% là phù hợp, đi kèm việc phân bổ 4 – 6 cổ phiếu của một danh mục tiêu chuẩn.