06:00 01/11/2021

Xuất hiện “điểm sáng” le lói, doanh nghiệp cần thêm hỗ trợ để phục hồi kinh tế

Anh Nhi

10 ngày sau Nghị quyết 128, gần 4.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới. Sự chuyển hướng trong chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 cho thấy những tín hiệu phục hồi ban đầu trong đăng ký thành lập doanh nghiệp tháng 10/2021...

Gần 4.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sau khi Nghị quyết 128 được ban hành 10 ngày.
Gần 4.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sau khi Nghị quyết 128 được ban hành 10 ngày.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10/2021 là 8.233 doanh nghiệp, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù vậy, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã xuất hiện những tín hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình đăng ký doanh nghiệp.

GẦN 4.000 DOANH NGHIỆP ĐĂNG KÝ MỚI TRONG 10 NGÀY

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc chuyển hướng kịp thời của Chính phủ từ chủ trương “Zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” sẽ giúp nước ta có thể thực hiện đồng thời 2 mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Tác động của sự chuyển hướng này thể hiện rõ nét trong bức tranh đăng ký doanh nghiệp tháng 10/2021.

Cụ thể, so sánh với tháng 8/2021 và tháng 9/2021, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2021 tăng lần lượt 42,9% và 111,2%; số vốn đăng ký mới cũng tăng tương ứng 59,8% và 73,9%. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2021 đã tiệm cận với con số 8.740 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 7/2021, thời điểm trước khi việc giãn cách xã hội được thực hiện trên diện rộng.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được ban hành, chỉ trong 10 ngày cuối cùng của kỳ báo cáo tháng (từ 11-20/20/2021), số doanh nghiệp gia nhập thị trường chiếm 45,6% (3.753 doanh nghiệp) tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng. Số vốn đăng ký mới cũng chiếm 38,9% (42.280 tỷ đồng) tổng số vốn đăng ký mới trong tháng.

Đáng chú ý, có 45/63 địa phương trên cả nước có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 10/2021 tăng so với tháng 9/2021. Đặc biệt, các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh đều có sự phục hồi ấn tượng như Đà Nẵng tăng 167,3%, Cần Thơ tăng 58,3%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 31,6%, Hà Nội tăng 17,8%, Bình Dương tăng 17%, Đồng Nai tăng 3,8%...

Xuất hiện “điểm sáng” le lói, doanh nghiệp cần thêm hỗ trợ để phục hồi kinh tế - Ảnh 1

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 3.492 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh (tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2020); 3.048 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2020) và 806 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại (giảm 43,0% so với cùng kỳ năm 2020).

Theo các chuyên gia, loạt chỉ số về tình hình doanh nghiệp tháng 10/2021 đã cho thấy sự phục hồi ban đầu của tình hình đăng ký doanh nghiệp. Đây chính là những điểm sáng trong bức tranh doanh nghiệp tối màu do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

DOANH NGHIỆP RÚT LUI VẪN CAO HƠN ĐĂNG KÝ MỚI

Dù tình hình có nhiều cải thiện, song theo các chuyên gia, màu tối vẫn là gam màu chủ đạo của bức tranh doanh nghiệp 10 tháng năm 2021. Sự bứt phá của những ngày cuối kỳ báo cáo tháng 10/2021 chưa thể làm “đảo chiều” tình trạng doanh nghiệp “khai tử” nhiều hơn “khai sinh” được ghi nhận lần đầu tiên trong nhiều nhiều năm trở lại đây trong tháng 9/2021 vừa qua. 

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2021 là 93.716 doanh nghiệp, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do dịch bệnh lên tới 97.089 doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020.

“Sự chênh lệch giữa số doanh nghiệp đăng ký mới và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục cho thấy những khó khăn mà khu vực doanh nghiệp đang phải đối mặt. Điều này đặt ra sự cấp thiết của việc đẩy nhanh các gói hỗ trợ và chương trình phục hồi kinh tế trong thời gian tới”, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết.

Đáng chú ý, trong tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có tới gần một nửa là doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (48.487 doanh nghiệp, chiếm 49,9% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường). Các doanh nghiệp này có thể chuyển sang trạng thái “giải thể”, khó có thể quay trở lại hoạt động nếu không “tiếp oxy” kịp thời sau 2 năm chống chọi với Covid-19.

Những lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (17.905 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 36,9%); xây dựng (6.661 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 13,7%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (5.738 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 11,8%) cũng chính là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất ngay khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, trong quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế, nền kinh tế sẽ đi theo mô hình chữ K, nghĩa là có những ngành nghề bật lên rất mạnh so với những ngành nghề khác. Sự dịch chuyển và thanh lọc của nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ và gay gắt. Doanh nghiệp lớn có thể sẽ tiếp tục lớn mạnh hơn trong khi doanh nghiệp có quy mô bé có thể bé đi hoặc thậm chí suy yếu và biến mất sau Covid-19.

Xuất hiện “điểm sáng” le lói, doanh nghiệp cần thêm hỗ trợ để phục hồi kinh tế - Ảnh 2

“Vì vậy, Chính phủ cần có những giải pháp để vực dậy những doanh nghiệp thiếu nguồn lực và đang “ngủ đông” vì Covid-19”, ông Lực khuyến nghị.

NHANH CHÓNG TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI KINH TẾ

Do đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần phải nhanh chóng triển khai các chương trình phục hồi với các trọng tâm là an sinh xã hội, đầu tư công, cải cách môi trường kinh doanh, đẩy nhanh cổ phần hóa... để giải phóng nguồn lực, đảm cho các kế hoạch cứu trợ và phục hồi.

Còn theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital, với mức nợ công 56% GDP, thặng dư ngân sách vào khoảng 3,6 tỷ USD, trái ngược với mức thâm hụt 10,6 tỷ USD năm 2020, Chính phủ và Quốc hội có thể cân nhắc việc thông qua gói hỗ trợ nền kinh tế với quy mô lớn để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh chóng.

Hơn thế nữa, theo ông Lê Anh Tuấn, rủi ro nợ quốc gia của Việt Nam đang được kiểm soát tốt cho phép Việt Nam có thể duy trì mặt bằng lãi suất thấp và triển khai các gói hỗ trợ lãi suất quy mô để doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản có thể tiếp cận nguồn tín dụng kịp thời cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Đặc biệt, giá dầu tăng từ 30 USD/thùng năm ngoái lên 80 USD/thùng năm nay nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Lạm phát lõi 8 tháng thậm chí chỉ tăng 0,9%. Điều này có nghĩa rằng nền lạm phát đang khá ổn cho những kế hoạch tham vọng sắp triển khai”, ông Tuấn nhận định.