10:08 20/01/2011

Xuất khẩu cá nóc trước nguy cơ "đứt gánh giữa đường"

Chu Khôi

Đề án chế biến và xuất khẩu cá nóc đang có nguy cơ “đứt gánh” do doanh nghiệp độc quyền?

Sản lượng chế biến các mặt hàng từ cá nóc, theo đề án là khoảng 1.000 tấn vào năm 2012.
Sản lượng chế biến các mặt hàng từ cá nóc, theo đề án là khoảng 1.000 tấn vào năm 2012.
Được Chính phủ chấp thuận cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với một số địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện từ cuối năm 2009, đến nay Đề án chế biến và xuất khẩu cá nóc đang có nguy cơ “đứt gánh” do đối tác nước ngoài bỗng nhiên dừng nhập khẩu, khiến các doanh nghiệp trong nước bị tồn đọng hàng chục tấn cá nóc, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Đề án này được được triển khai thí điểm trong 3 năm, từ 2010 đến 2012 tại 5 tỉnh: Quảng Ninh, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa và Kiên Giang, vốn đầu tư khoảng 2,7-3 triệu USD. Mục tiêu đến năm 2012, Việt Nam sẽ đưa sản lượng chế biến các mặt hàng gia tăng từ các nóc đạt khoảng 1.000 tấn, với giá xuất khẩu bình quân 5.000-10.000 USD/tấn. Mục tiêu phấn đấu là giải quyết được việc làm cho 600-1000 lao động, đạt kim ngạch xuất khẩu 10 triệu USD/năm.

Khi dự án đưa ra, có 6 doanh nghiệp ở các tỉnh đã kiến nghị xin tham gia xuất khẩu cá nóc. Bên cạnh đó, nhiều công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng muốn nhập khẩu cá nóc của Việt Nam. Một số công ty của Trung Quốc ngỏ ý rằng, họ sẵn sàng mua hết tất cả các loài cá nóc, không phân biệt chọn lựa, với giá cao hơn các nước khác.

Thế nhưng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Nhà nước chỉ giao việc thực hiện dự án cho các công ty chế biến xuất khẩu cá nóc có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính và thị trường tiêu thụ ổn định. Trong năm 2010, chỉ chấp nhận giao cho Công ty Korea Poseidon Seafood (Poseidon) ở Hàn Quốc được nhập khẩu cá nóc từ Việt Nam.

Sau một năm triển khai, bỗng nhiên Công ty Poseidon ngừng nhập khẩu cá nóc ở Việt Nam, khiến việc hoạt động sản xuất, tiêu thụ các của công ty chế biến cá nóc ở nước ta bị ngừng trệ, thiệt hại rất lớn vì ứ hàng.

Ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty TNHH Mai Sao cho biết: Công ty có một bản ký kết hợp đồng với Công ty Poseidon. Hiện tại, Mai Sao đã thu mua và sản xuất được hơn 90 tấn cá nóc, xuất khẩu cho Công ty Poseidon của Hàn Quốc hơn 22,7 tấn thì ngừng vì phía Poseidon không chịu nhập khẩu. Ngày 27/11 và 14/12/2010, Công ty này đã gửi công văn cho Công ty TNHH Mai Sao, giải thích nguyên nhân là do việc tiêu thụ cá nóc ở Hàn Quốc gặp khó khăn, không cạnh tranh được với cá nóc từ Indonesia.

Tại Hội nghị sơ kết kết quả Đề án thí điểm khai thác, chế biến, xuất khẩu cá nóc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa mới tổ chức ở Kiên Giang, ông Kim Young Sik - Tổng giám đốc Poseiddon giải thích rằng: “Do chất lượng và kích cỡ của cá nóc Việt Nam không đạt chuẩn nên lô hàng 22 tấn đầu tiên đưa qua Hàn Quốc tiêu thụ rất chậm. Hơn nữa, cá nóc Việt Nam lại có độc tố cao, không thể dùng để ăn. Công ty chỉ có thể mua 100 tấn cá/tháng nhưng với điều kiện cá nóc phải đủ chuẩn về kích cỡ và chất lượng”.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang đã không chấp nhận lý giải này. Theo bà thì những điều trên là không hợp lý vì chính Công ty Korea Poseidon Seafood đã cử người trực tiếp hướng dẫn cho các doanh nghiệp ở Kiên Giang, giám sát quá trình khai thác, chế biến cá nóc.

Bà Phượng phân trần: chúng tôi rất kỳ vọng con cá nóc xuất khẩu sẽ gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp và ngư dân trong tỉnh. Bởi vậy, ngay từ khi đề án bắt đầu triển khai, Kiên Giang đã nhanh chóng cấp chứng nhận đủ điều kiện khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc cho 77 tàu thuyền, 4 cơ sở và 1 công ty. Giờ đây, không biết tương lai cá nóc tỉnh nhà ra sao, số cá tồn kho ở 2 doanh nghiệp trong tỉnh gần 70 tấn ai “gánh”?

Trước dư luận Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ chọn duy nhất Công ty Poseidon thu mua cá nóc, đã tạo thế độc quyền, chèn ép doanh nghiệp trong nước, Thứ trưởng Lương Lê Phương cho rằng không có chuyện độc quyền ở đây. Bởi vì, cá nóc là một loài cá có độc, nằm trong danh mục cấm mua bán, nếu quản lý khai thác không chặt chẽ thì rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Do vậy, Bộ chỉ cho phép triển khai đề án ở quy mô nhỏ ở 2 tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa. Đồng thời chỉ chọn 1 công ty nhập khẩu loại cá này làm đối tác để thí điểm mô hình và quản lý một cách chặt chẽ hơn.

Theo ông Cao Hương Thiên, Giám đốc Công ty Mai Sao, hiện nay phía Hàn Quốc thu mua cá nóc ở Kiên Giang với giá 1,4USD/kg, tuy nhiên, giá cá nóc ở Thái Lan, ấn Độ, Trung Quốc từ 3 - 5USD/kg. Hiện nay, các doanh nghiệp được UBND tỉnh Kiên Giang cho phép thu mua, chế biến cá nóc xuất khẩu theo đề án của Bộ đã ngừng thu mua cá nóc. Vì vậy, ngư dân tiếp tục bỏ cá nóc ngay trên biển hay bán dưới dạng cá phân (dùng chế biến thức ăn gia súc) như trước đây với giá rất rẻ. Nên nếu cho nhiều đối tác thu mua thì giá có thể sẽ có lợi hơn.

Thứ trưởng Lương Lê Phương cho biết: nếu Công ty Poseidon Seafood không thu mua, Bộ sẽ cho phép Công ty TNHH Mai Sao bán toàn bộ sản phẩm tồn kho cho các đối tác khác.