17:36 18/06/2022

Xuất khẩu ngành cao su lên tới 9,5 tỷ USD, nhưng đối mặt nhiều thách thức

Chu Khôi

Giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su trong năm 2021 đạt tới 9,5 tỷ USD, bao gồm cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ cao su. Trong những năm gần đây, nhu cầu của thị trường về cao su thiên nhiên bền vững đặt ra thách thức lớn cho người sản xuất cao su, cần cải thiện phương thức quản lý, sản xuất, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc minh bạch…

Hội thảo diễn ra ngày 17/6/2022
Hội thảo diễn ra ngày 17/6/2022

Hội thảo “Kết nối thúc đẩy sản xuất cao su thiên nhiên bền vững tại Việt Nam”  do Forest Trends phối hợp với Hiệp hội Cao su Việt Nam và Công ty Yulex Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 17/6/2022.

THIẾU NGUYÊN LIỆU, NHẬP KHẨU MỦ CAO SU NGÀY CÀNG NHIỀU

Bà Phan Trần Hồng Vân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết diện tích cây cao su ở Việt Nam hiện có 938,8 ngàn ha, chiếm 7,2% tổng diện tích cao su toàn cầu. Sản lượng thu hoạch mủ cao su của Việt Nam đạt 1,26 triệu tấn năm 2021, chiếm 8,7% sản lượng cao su toàn cầu. Năng suất bình quân của cao su Việt Nam đạt 1.682 kg/ha, đứng thứ nhất châu Á.

Xuất khẩu ngành cao su lên tới 9,5 tỷ USD, nhưng đối mặt nhiều thách thức - Ảnh 1

Theo bà Phan Trần Hồng Vân, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ ba thế giới, chiếm 17,4% tổng thương mại cao su toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su năm 2021, bao gồm cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ cao su đạt 9,5 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt hơn 1,9 triệu tấn trong năm 2021, đem về giá trị gần 3,3 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 37,5% về giá trị so với năm 2020 nhờ đơn giá xuất khẩu bình quân tăng 23%. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su năm 2021 đạt 3,7 tỷ USD tăng 18,5% so với năm 2020. Xuất khẫu gỗ cao su cũng đem hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 17,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 6,9% so với 2020.

Xuất khẩu ngành cao su lên tới 9,5 tỷ USD, nhưng đối mặt nhiều thách thức - Ảnh 2

TS.Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends cho hay cao su đại điền (chủ yếu của các công ty cao su nhà nước) đạt 455.000 ha, tương đương gần 48% tổng diện tích cao su của cả nước. Phần còn lại 477.000 ha, tương đương 52% là cao su của các hộ dân, hay còn gọi là cao su tiểu điền.

Trong một thập kỷ qua, diện tích cao su đại điền liên tục giảm, bình quân mỗi năm giảm 10.000 – 20.000 ha, do các công ty chuyển đổi cây cao su sang trồng cây khác, hoặc phát triển công nghiệp. Dẫn đến, sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu, nên trong những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Lào và Campuchia để phục vụ chế biến các sản phẩm cao su. Luồng cung nhập khẩu này được hòa với nguồn cung trong nước để xuất khẩu.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, ông Phúc cho biết, năm 2021 Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn cao su thiên nhiên với kim ngạch 1,9 tỷ USD. Các con số này tăng lần lượt là 2,4 lần và 2,7 lần so với con số về lượng và kim ngạch nhập khẩu của năm 2020.

“Nguồn số liệu Hải quan cho thấy lượng cao su thiên nhiên nhập khẩu vào Việt Nam từ Campuchia tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Điều này có tính bất thường bởi hiện Chính phủ Campuchia không khuyến khích xuất khẩu cao su chưa chế biến với việc áp dụng thuế xuất đối với mặt hàng này là 40%”, ông Phúc nhấn mạnh.

Xuất khẩu ngành cao su lên tới 9,5 tỷ USD, nhưng đối mặt nhiều thách thức - Ảnh 3

Theo TS. Tô Xuân Phúc, tiêu thụ cao su trên thế giới đang có nhiều thay đổi. Những quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ. Gần đây, Diễn đàn sản xuất cao su bền vững trên thế giới (Global Platform for Sustainable Natural Rubber/GPSNR) đặt ra Bộ Quy tắc ứng xử (Code of Conduct), thúc đẩy và hướng tới việc sản xuất, mua bán và sử dụng cao su thiên nhiên bền vững, được xác định thông qua các tiêu chuẩn và chính sách về bền vững do Diễn đàn này ra đặt ra.

Xuất khẩu ngành cao su lên tới 9,5 tỷ USD, nhưng đối mặt nhiều thách thức - Ảnh 4

Tại hội thảo, đại diện Công ty Yulex – một công ty cao su nổi tiếng toàn cầu cho biết, đã thực hiện các chuyến khảo sát tới một số công ty cao su và các hộ tiểu điền tại Việt Nam để tìm hiểu khả năng thực hiện các liên kết nhằm thúc đẩy sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam. Yulex đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về bao tiêu đầu ra sản phẩm và trả giá cao hơn giá thị trường nếu có nguồn cung cao su thiên nhiên bền vững, đặc biệt là cao su có chứng chỉ FSC.

Đại diện Công ty Weber and Schaer – một công ty toàn cầu với 170 năm kinh nghiệm về mảng cao su có trụ sở chính tại Đức cũng đưa ra các cam kết tương tự trong việc bao tiêu sản phẩm và trả giá cao hơn đối với mặt hàng cao su thiên nhiên bền vững.

Xuất khẩu ngành cao su lên tới 9,5 tỷ USD, nhưng đối mặt nhiều thách thức - Ảnh 5

“Trong những năm gần đây, nhu cầu của thị trường về cao su thiên nhiên bền vững đặt ra thách thức lớn cho người sản xuất cao su, cần cải thiện phương thức quản lý, sản xuất, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc minh bạch và giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh trong thời kỳ giá thấp có nguy cơ kéo dài trong nhiều năm tới”, bà Phan Trần Hồng Vân chia sẻ.

GIẢI BÀI TOÁN KHÓ VỚI CAO SU TIỂU ĐIỀN

Trước những yêu cầu của thị trường, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đề xuất Kế hoạch hành động vì phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam, khuyến khích các hội viên sớm xây dựng Chương trình Phát triển bền vững theo điều kiện phù hợp. Hiệp hội Cao su Việt Nam đã xây dựng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 82 sản phẩm của 29 nhà máy thuộc 17 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”.

Xuất khẩu ngành cao su lên tới 9,5 tỷ USD, nhưng đối mặt nhiều thách thức - Ảnh 6

Nhiều doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại hội thảo, cho rằng các hộ trồng cao su tiểu điền đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung. Tuy nhiên, đối với cao su tiểu điền, các hoạt động truy xuất – làm nền cho việc đánh giá và công nhận chứng chỉ là rất khó khăn. Trình độ khoa học kỹ thuật của hộ trong khâu chăm sóc vườn cây và khai khác mủ còn hạn chế. Đã có nhiều doanh nghiệp liên kết ký hợp đồng bao tiêu thu mua sản phẩm từ các hộ trồng cao su tiểu điền. Tuy nhiên các liên kết này hiện nay rất lỏng lẻo, thiếu bền vững.

Xuất khẩu ngành cao su lên tới 9,5 tỷ USD, nhưng đối mặt nhiều thách thức - Ảnh 7

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Cao su Liên Anh nêu khó khăn của mô hình liên kết công ty và hộ tiểu điền do quy mô sản xuất nhỏ: 87% các vườn cao su tiểu điền có quy mô diện tích nhỏ dưới 3 ha; số hộ có trên 10 ha chỉ chiếm dưới 1,5%. Giao dịch tiêu thụ mủ qua thương lái trung gian vẫn chiếm đa số, nông dân dễ dàng phá vỡ cam kết, bán mủ cho bên thu mua khác. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ phát triển các liên kết giữa hộ tiểu điền và các bên liên quan theo hướng minh bạch, giảm trung gian, đảm bảo công bằng, hợp pháp, nguồn gốc rõ ràng.

Các chuyên gia khuyến cáo mỗi doanh nghiệp trong ngành cao su cần chuyển dần phương thức canh tác nông lâm tổng hợp, đa dạng hóa thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế sử dụng đất. Cần áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất xanh và sạch trong toàn chuỗi cung ứng, tuân thủ quy định và thực hiện hiệu quả công tác tham vấn cộng đồng để tăng cường quan hệ với các bên liên quan, tạo sự đồng thuận cao và ủng hộ của địa phương đối với các dự án cao su bền vững.

Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng các mô hình liên kết, hỗ trợ nông dân cao su tiểu điền tham gia chương trình phát triển cao su bền vững của doanh nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu và uy tín của ngành cao su Việt Nam.

 

"Tổng số hộ tham gia trồng cao su tiểu điền tại Việt Nam hiện là 265.000 hộ. Sản lượng cao su tiểu điền tăng đều qua các năm, luôn chiếm từ 57% – 62% tổng lượng cung cao su thiên nhiên hàng năm của nước ta. Hiện năng suất cao su tiểu điền ở Việt Nam đã vượt xa năng suất đại điền (vượt trên 8%), và cũng cao hơn năng suất bình quân của các nước trong khu vực (ANRPC) do phần lớn cao su tiểu điền sử dụng giống mới cao sản".

TS.Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends.