08:18 22/07/2023

Xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng trở lại nhờ các yếu tố tích cực của thị trường

Chu Khôi

Xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh tới gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra dự báo trong các tháng cuối năm, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm giúp xuất khẩu tôm tăng trở lại…

Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn thứ hai thế giới.
Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn thứ hai thế giới.

Chiều 21/7/2023, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức "Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam”.

THỊ TRƯỜNG ĐANG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD. Tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021.

Thế nhưng, bức tranh thị trường tôm 6 tháng đầu năm 2023 rất ảm đạm, kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,5 tỷ USD, giảm tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc - Hồng Kông và Hàn Quốc) đồng loạt giảm 2 con số, trong đó giảm mạnh nhất thị trường EU với 48,9%, Mỹ giảm 38,1%, Hàn Quốc 28%, Nhật Bản giảm 29% và Trung Quốc và Hồng Kông giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Top thị trường xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2023. Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Top thị trường xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2023.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

"Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên. Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại”, ông Hòa nhận định, đồng thời cho biết hiện cả nước đã có hơn 370 cơ sở chuyên và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm với công suất trên 1,7 triệu tấn nguyên liệu/năm.

Các doanh nghiệp chế biến tôm tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Mặt hàng tôm đã được chế biến đa dạng về mẫu mã và hình thức đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao (tôm tẩm bột, tôm Nobashi, Sushi, Tempura…), qua đó, áp ứng được cả thị trường khó tính nhất là Nhật Bản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tận dụng một số phụ phẩm tôm để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao cấp như chitin, chitosan, glucosamine, astaxanthin...

HÀNG TỒN KHO Ở MỸ VÀ CHÂU ÂU ĐÃ GIẢM

Thông tin về thị trường Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Huy - Tham tán nông nghiệp Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết sản lượng tôm nội địa của nước này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tiêu dùng, 90% còn lại đến từ nguồn nhập khẩu từ các nước Trung Mỹ và Nam Á. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú.

Đối với tôm của Việt Nam, theo số liệu từ Thương mại Hoa Kỳ, 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt hơn 200 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này xuất phát từ một số nguyên nhân bao gồm lạm phát, giá nguyên liệu tăng cao so với các thị trường.

Nhận định về nửa cuối năm, ông Huy cho rằng đã có những điểm sáng. Cụ thể như hàng tồn đã bắt đầu giảm, doanh nghiệp Hoa Kỳ đã bắt đầu thu mua hàng trở lại. Bên cạnh đó, ông Huy cũng nhấn mạnh một số ưu điểm của thị trường Mỹ như lãi suất không tăng, kỳ vọng lạm phát giảm và sức mua đang dần quay trở lại.

Tuy nhiên, ông Huy khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

Điểm cẩu chính của diễn đàn tại TP.HCM.
Điểm cẩu chính của diễn đàn tại TP.HCM.

Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng tôm tại thị trường Bắc Âu, bà Hoàng Thị Hoàng Thúy - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia, cho biết các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Gần đây, thỏa thuận xanh châu Âu đã có chiến lược từ trang trại đến bàn ăn, nhấn mạnh tiềm năng của thủy sản, trong đó có tôm. Do đó, người tiêu dùng đang có xu hướng giảm tiêu thụ thịt, đặc biệt là thịt đỏ và chuyển sang tiêu dùng thủy sản.

Theo bà Thúy, EU đã cho ra đời các quy định mới nhằm đảm bảo tất cả các sản phẩm hữu cơ được bán tại EU có chung 1 tiêu chuẩn. Chính vì vậy, nếu muốn kinh doanh ở các siêu thị ở Bắc Âu doanh nghiệp cần có những chứng chỉ sản xuất an toàn, bền vững, trong đó có 2 chứng nhận được yêu cầu chính là Hội đồng quản lý biển (MSC) và Hội Đồng Quản Lý Nuôi Trồng Thủy Sản (ASC) đối với các thủy sản đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng.

PHÁT TRIỂN NGÀNH TÔM THEO HƯỚNG BỀN VỮNG

Ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay trong 5 năm trở lại đây (2018 - 2022), ngành tôm duy trì diện tích nuôi tương đối ổn định ở mức khoảng hơn 700.000ha.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000 ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích tôm sú 605.000ha, tôm thẻ chân trắng 51.000ha. Sản lượng tôm nước lợ của cả nước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Ngô Thế Anh, hiện ngành tôm đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu và hạn - mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long biến động khó lường, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nguồn giống chưa chủ động, phụ thuộc nhập khẩu và khai thác tự nhiên nên khó kiểm soát chất lượng.

Bên cạnh đó, Hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún còn chiếm đa số. Liên kết chuỗi sản xuất, xuất khẩu chưa chặt chẽ và hiệu quả. Quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi còn yếu. Đặc biệt, giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp.

 

"Đặc biệt, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu, quy định thị trường để Bộ, ngành định hướng phát triển thị trường sản phẩm tôm; tăng cường kết nối giao thương doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu".

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhằm đưa xuất khẩu tôm trở lại quỹ đạo tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phải phối hợp chặt chẽ với tham tán thương mại nông sản ở các nước cập nhật và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại thúc đẩy xuất khẩu; nắm bắt, tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương cần đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định thương mại để đa dạng hoá thị trường sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết, khai thác các cơ hội từ các hiệp định; ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm tôm.

Để nuôi tôm và ngành tôm phát triển bền vững, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC) để nâng cao chất lượng, giảm giá thành tăng sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới.

Cần phải tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuối sản xuất theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế lây lan dịch bệnh.