Xuất khẩu Trung Quốc bất ngờ tăng tốc, nhập khẩu vẫn gây lo ngại
Cho đến nay xuất khẩu vẫn là một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế tối màu của Trung Quốc dù các doanh nghiệp nước này đang phải giảm giá bán hàng để có được doanh số. Số liệu mới nhất cho thấy giá hàng hóa thành phẩm giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái...
Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng tốc, đạt mức cao nhất trong gần 2 năm, mang lại một cú huých cho nền kinh tế đang bị áp lực giảm phát đè nặng. Trong khi đó, nhập khẩu tăng trưởng èo uột, cho thấy nhu cầu trong nước đang ảm đạm.
Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 10/9 cho thấy xuất khẩu của nước này trong tháng 8 tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 309 tỷ USD, cao nhất từ tháng 9/2022. Mức tăng trưởng xuất khẩu này vượt dự báo tăng 6,5% mà giới phân tích đưa ra, đồng thời cao hơn mức tăng 7% của tháng trước.
Nhập khẩu chỉ tăng 0,5%, không đạt dự báo tăng 2% và thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,2% của tháng 7, dẫn tới mức thặng dư thương mại trong tháng đạt 91 tỷ USD.
Cho đến nay, xuất khẩu vẫn là một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế u ám của Trung Quốc, nơi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và áp lực giảm phát đang đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5% mà Chính phủ nước này đề ra. Tuy nhiên, việc hàng giá rẻ của Trung Quốc ồ ạt xuất khẩu ra thị trường toàn cầu đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ, Nam Mỹ và châu Âu, từ đó dẫn tới mối hoài nghi về tính bền vững của chiến lược tăng trưởng kinh tế này.
“Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục cho thấy những xu hướng không đồng nhất. Nhu cầu trong nước vẫn yếu trong khi cạnh tranh xuất khẩu đang mạnh. Câu hỏi đặt ra là liệu xuất khẩu duy trì được sức mạnh này trong bao lâu, xét tới việc nền kinh tế Mỹ đang yếu đi và căng thẳng thương mại gia tăng”, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty Pinpoint Asset Management nhận định.
Các chỉ số kinh tế tháng 8 của Trung Quốc tính đến thời điểm này cho thấy nền kinh tế vẫn đang chật vật để lấy lại đà tăng trưởng. Hoạt động của các nhà máy giảm tháng thứ tư liên tiếp và tốc độ lạm phát lõi giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 năm.
“Triển vọng xuất khẩu trở nên bấp bênh hơn và nhu cầu trong nước yếu - phản ánh qua tốc độ tăng trưởng nhập khẩu không đạt kỳ vọng - cho thấy khả năng nền kinh tế khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5% cả năm nay. Sự phục hồi không đều đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách tập trung hơn vào việc kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước để chống lại vòng xoáy giảm phát, thông qua đẩy mạnh các biện pháp kích cầu và gấp rút thực thi các biện pháp đã được công bố”, nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg Economics nhận định.
Dù tăng trưởng xuất khẩu duy trì là một yếu tố tích cực đối với nền kinh tế, doanh nghiệp Trung Quốc đang phải giảm giá bán hàng để có được doanh số. Điều này thể hiện qua việc khối lượng hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn so với giá trị trong những tháng gần đây. Số liệu công bố hôm thứ Hai tuần này cho thấy giá nhà sản xuất tiếp tục giảm, trong đó giá hàng hóa thành phẩm giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc đang khiến ngày càng nhiều quốc gia cảm thấy lo ngại. Một số nước đã áp thuế quan lên ô tô điện, thép và các hàng hóa khác nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng bấp chấp thuế quan, xuất khẩu các sản phẩm thép của Trung Quốc tăng vọt lên 9,5 triệu tấn trong tháng 8, mức cao nhất trong 3 tháng.
Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc cũng đạt kỷ lục, chủ yếu là xe điện. Chưa có số liệu về xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sang từng thị trường, mức sự tăng trưởng có thể là dấu hiệu của việc các nhà sản xuất ô tô nước này tìm cách đẩy nhanh việc xuất khẩu sang châu Âu trước khi chính sách thuế quan mới có hiệu lực.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang tất cả các thị trường đều tăng trong tháng 8. Trong đó, tăng trưởng hai con số được ghi nhận ở thị trường Liên minh châu ÂU (EU), Ấn Độ và Brazil. Xuất khẩu sang Mỹ tăng 5,1%, mạnh nhất từ tháng 9/2022. Xuất khẩu sang Nga đạt mức tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Trong số các nước EU, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Đức vượt 10 tỷ USD lần đầu tiên kể từ tháng 8/2022. Xuất khẩu sang Pháp đạt mức cao nhất hơn 2 năm.
“Sự giảm tốc của nhập khẩu phản ánh nhu cầu yếu trong nước. Mức thặng dư thương mại lớn có thể làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc. Đây đang là chủ đề mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ và châu Âu đang rất quan tâm”, nhà kinh tế trưởng Raymong Yeung của ngân hàng ANZ nhận định.