12:32 03/12/2019

Zara, H&M, Nike… đồng loạt cam kết về thời trang bền vững

Minh Nguyệt

Ngành công nghiệp thời trang bấy lâu nay luôn hứng chịu nhiều chỉ trích, bởi mức độ tàn phá, hủy hoại môi trường của nó vượt cả lượng khí thải từ phương tiện di chuyển.


Phải mất khoảng 2.700 lít nước, tương đương lượng nước một người uống trong 3 năm, để làm ra một chiếc áo thun. Mỗi năm, ngành công nghiệp thời trang xài đến 93 tỷ mét khối nước, số lượng đủ cho 5 triệu người dùng. Nửa tấn hạt vi nhựa tổng hợp có trong sợi vải đã trôi ra đại dương hằng năm, sau quá trình giặt quần áo. Đó là những con số giật mình, khẳng định điều nhiều người đã biết: dệt may là ngành gây ô nhiễm môi trường thứ hai thế giới, chỉ sau dầu mỏ.Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về vấn đề này. Họ đang có xu hướng hình thành thói quen sử dụng sản phẩm bền vững như tái sử dụng các sản phẩm quần áo cũ hoặc lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Zara, H&M, Nike… đồng loạt cam kết về thời trang bền vững - Ảnh 1.
Zara, H&M, Nike… đồng loạt cam kết về thời trang bền vững - Ảnh 2.
Thời trang bền vững (sustainable fashion hay eco-fashion) do đó đã trở thành triết lý thời trang được nhiều NTK trên thế giới theo đuổi. Mỗi thương hiệu đều có thể chọn một công thức bền vững riêng phù hợp với giá trị, niềm tin, con người và nguồn lực tài chính. Các công thức bền vững này có thể là chất liệu (hữu cơ, tái chế, thủ công,…); quy trình sản xuất (giảm thiểu lượng nước sử dụng, dùng thuốc nhuộm an toàn, tôn trọng người lao động, xử lý nước thải,…); quy trình phân phối (vận chuyển, đóng gói,…); quảng bá,…Thực tế là, càng ngày càng nhiều những "ông lớn" của ngành thời trang thế giới đang dần chuyển mình sang hướng sản xuất bền vững. Pablo Isla - Giám đốc điều hành hãng Zara, trực thuộc Công ty Inditex - vừa tuyên bố về kế hoạch sản xuất xanh của hãng. Đây là hành động cụ thể  nhất của "ông lớn" thời trang này trong việc thực hiện cam kết hạn chế sản xuất gây tác hại đến môi trường. Theo đó, Zara cam kết đến năm 2025 chỉ sử dụng bông, vải lanh và polyester hữu cơ bền vững hoặc tái chế để làm quần áo. Mục tiêu "xanh" của Zara còn hướng tới việc các cửa hàng trưng bày sẽ sử dụng những thiết bị điện ít gây ô nhiễm môi trường nhất, đảm bảo nguồn năng lượng tái sử dụng đạt 80% ở các cửa hàng, lắp đặt những thùng tặng đồ cũ tại tất cả điểm bán hàng…
Zara, H&M, Nike… đồng loạt cam kết về thời trang bền vững - Ảnh 3.
Zara, H&M, Nike… đồng loạt cam kết về thời trang bền vững - Ảnh 4.
Trong khi đó, Nike cam kết sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các nhà máy của mình vào năm 2025 và Adidas sẽ tăng gấp đôi số lượng giày làm từ chất thải nhựa tái chế trong năm nay. Wrangler đã phát triển một quy trình sản xuất denim mới giúp loại bỏ chất thải nước.Đáng chú ý trong những cái tên tham gia vào cam kết thời trang bền vững này, phải kể đến sự xuất hiện của H&M – hãng thời trang nhanh vận hành theo mô hình không ngừng đổi mới mẫu mã, tiết kiệm chất liệu để tạo ưu đãi về giá thành. Mới đây, ông Iñigo Sáenz Maestre – đại diện H&M cũng nhắc lại mục tiêu mà H&M đã đề ra, tới 2030 hãng sẽ chỉ dùng nguyên liệu tái chế và rằng 35% sản phẩm của hãng hiện nay đã được sản xuất theo tiêu chí này. Để minh chứng, hàng năm hãng đều ra mắt các bộ sưu tập để không ngừng giới thiệu các chất liệu vải bền vững, thúc đẩy sử dụng vải lanh hữu cơ, cotton hữu cơ, lụa hữu cơ, và polyester tái chế.Cùng với đó, hàng loạt thương hiệu cao cấp như Versace, Giorgio Armani, Gucci, Tom Ford và tuần lễ thời trang London cũng đã tuyên bố ngưng sử dụng lông thú. Thương hiệu jeans Levi’s cũng đã tìm ra công nghệ sản xuất tốn ít nước hơn và loại bỏ chất độc với nguồn nước hay Adidas tái chế rác thải biển để làm giày.
Zara, H&M, Nike… đồng loạt cam kết về thời trang bền vững - Ảnh 5.
Zara, H&M, Nike… đồng loạt cam kết về thời trang bền vững - Ảnh 6.
Theo Liên Hợp Quốc, việc hướng tới phát triển bền vững trong ngành thời trang không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giảm thiểu sự lãng phí. Ngành công nghiệp trị giá khoảng 2,4 nghìn tỷ đô la này mỗi năm mất khoảng 500 tỷ đô la do quần áo bị bỏ đi mà không được tái chế.Ngành công nghiệp vật liệu cũng đang phát triển những phương pháp chế tạo mới nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và giảm bớt sự thừa thãi trong ngành sản xuất. Hàng loạt phương pháp được áp dụng để chuyển những cánh đồng bông thành những hồ carbon, những hồ chứa tự khí CO2 lấy từ không khí. Song song đó, các công nghệ nhuộm màu mới xuất hiện giúp tiết kiệm được lượng nước cần dùng và tiêu thụ ít hóa chất hơn.Xét cho cùng, để hiểu được tác hại của thời trang tác động lên môi trường như thế nào, chúng ta cần hiểu rõ vòng đời của một sản phẩm, từ nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho tới cách xử lý chúng ra sao. Và cũng từ đó, ta mới tìm được giải pháp thích hợp cho một sản phẩm bền vững.

(Theo Business Leader Magazine)