07:34 18/12/2024

2024 là "năm của trái phiếu"

Đức Anh

Năm 2024 được xem là “năm của trái phiếu” khi các nhà đầu tư đến nay đã rót kỷ lục hơn 600 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu toàn cầu nhằm tận dụng mức lợi suất đang ở mức cao nhất nhì trong nhiều thập kỷ trước thềm năm 2025 với nhiều yếu tố bất định...

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Với lạm phát giảm dần, các ngân hàng trung ương trên thế giới cuối cùng đã có thể hạ lãi suất, thúc đẩy các nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu. Điều này ngược lại với xu hướng cách đây 2 năm, ngay sau Covid-19 vào năm 2022, khi khoảng 250 tỷ USD vốn đầu tư đã bị rút khỏi các quỹ trái phiếu.

“Câu chuyện ở đây là lợi nhuận”, bà Vasiliki Pachatouridi, giám đốc chiến lược tài sản cố định tại BlackRock, nhận xét. "Chúng ta chưa chứng kiến mức lợi suất như hiện tại trong gần 20 năm”.

Lợi suất trái phiếu có xu hướng giảm do giá trái phiếu tăng lên khi các ngân hàng trung ương giảm lãi suất cho vay ngắn hạn.

Theo dữ liệu từ công ty EPFR, tính tới giữa tháng 12, khoảng 617 tỷ USD đã được đổ vào các quỹ trái phiếu thị trường phát triển và mới nổi, vượt qua mức 500 tỷ USD của năm 2021 và đang trên đà đưa 2024 trở thành năm kỷ lục.

Trong khi đó, thị trường cổ phiếu thu hút 670 tỷ USD vốn đầu tư trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán ở Mỹ và châu Âu đều lập kỷ lục mới. Các quỹ thị trường tiền tệ – có lợi nhuận cao và ít rủi ro hơn – thu hút lượng vốn nhiều nhất với hơn 1 nghìn tỷ USD.

Trái phiếu doanh nghiệp đặc biệt được ưa chuộng khi giá tăng mạnh nhờ các doanh nghiệp chống chọi được trong môi trường lãi suất cao. 

“Trước khi lãi suất bắt đầu tăng lên cách đây vài năm, nhiều công ty đã huy động được vốn trong một thời gian dài”, ông Willem Sels, giám đốc đầu tư toàn cầu tại ngân hàng tư nhân của HSBC, cho biết. “Do đó, tác động của môi trường lãi suất cao với doanh nghiệp không lớn như nhiều người dự báo. Cùng với đó, nhiều công ty thu về lãi lớn nhờ nắm giữ tiền mặt”.

Nhà đầu tư cũng rót vốn mạnh vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) khi nhóm này hút 350 tỷ USD tính tới cuối tháng 11 và đang trên đà lập kỷ lục cho cả năm nay, theo dữ liệu từ Morningstar Direct data.

"ETF cho các nhà đầu tư cơ hội tiếp cận các tài sản từng khó giao dịch bao gồm trái phiếu”, ông Martin Oehmke, giáo sư tài chính tại Trường Kinh tế London, nhận xét. “Ví dụ trái phiếu doanh nghiệp nổi tiếng là thanh khoản kém, nhưng ETF giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận tài sản này dưới dạng dễ thanh khoản hơn”.

Hai công ty quản lý quỹ ETF lớn nhất –BlackRock và Vanguard – hướng lợi lớn từ xu hướng chuộng trái phiếu năm nay. Tính từ đầu năm tới cuối tháng 10, riêng quỹ ETF iShares của BlackRock thu hút được 111 tỷ USD – theo ước tính của Morningstar Direct. Trong khi đó, quỹ trái phiếu của Vanguard ước tính thu hút được 120 tỷ USD vốn đầu tư, phần lớn được đổ vào mảng đầu tư chỉ số, bao gồm ETF, của quỹ.

PIMCO cũng có một năm khởi sắc khi hút khoảng 46 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu của mình, sau khi mất khoảng 80 tỷ USD năm 2022.

Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF trái phiếu đã tăng vọt lên 2,42 nghìn tỷ USD trong năm 2024, từ mức chỉ 420 tỷ USD vào năm 2014.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dòng tiền đổ vào trái phiếu có thể sẽ chậm lại trong năm 2025 vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, một nguyên nhân lớn là chương trình nghị sự với kế hoạch giảm thuế và quy định trong nước của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Đây là một cú huých cho thị trường chứng khoán, thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường này tăng mạnh và làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu.

Dữ liệu từ EPFR và TD Securities cho thấy chỉ 4 tuần sau chiến thắng bầu cử của ông Trump hôm 5/11, các quỹ cổ phiếu Mỹ đã hút 117 tỷ USD vốn đầu tư, gấp hơn 4 lần so với con số 27 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu trong cùng giai đoạn.

Một lý do khác là nhà đầu tư đang hoài nghi về tiềm năng tăng giá thêm của trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới sau năm 2024 tăng trưởng mạnh.

“Tôi cho rằng lợi suất trái phiếu sẽ không giảm nhiều từ mức hiện tại”, ông Carl Hammer, giám đốc phân bổ tài sản toàn cầu của ngân hàng Thụy Điển SEB, dự báo.