17:32 02/10/2024

3 áp lực đè nặng thế hệ con một ở Trung Quốc

Hoài Thu

Chính sách một con kéo dài hơn 3 thập kỷ tại Trung Quốc đã tạo ra một thế hệ những người không có anh chị em. Giờ đây, trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm, họ đang chịu gánh nặng lớn khi một mình vừa phải nuôi con vừa chăm sóc cha mẹ già...

Theo Tổng Cục Thống kê Trung Quốc, trong giai đoạn từ năm 1982-2023, tuổi thọ bình quân của người Trung Quốc tăng từ 68 tuổi lên 78,6 tuổi và tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 4,9% lên 15,4% - Ảnh: Xinhua
Theo Tổng Cục Thống kê Trung Quốc, trong giai đoạn từ năm 1982-2023, tuổi thọ bình quân của người Trung Quốc tăng từ 68 tuổi lên 78,6 tuổi và tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 4,9% lên 15,4% - Ảnh: Xinhua

Wendy Liu, 47 tuổi, giờ đây sợ nghe tiếng chuông điện thoại. Những ngày gần đây, hầu hết các cuộc gọi đến của bà là để thông báo bố hoặc mẹ bà đã được đưa đi bệnh viện. Dù đó là người mẹ mắc bệnh Alzheimer hay người cha mắc bệnh ung thư, mỗi lúc như vậy bà Liu lại mất nhiều giờ lái xe trong lo lắng và căng thẳng trở về quê nhà ở Quảng Châu. Đây là hành trình mà bà phải thực hiện nhiều lần suốt thời gian qua.

Liu và chồng bà, ông Deng Jie, đều là những người thuộc thế hệ “con một” – không có anh chị em – ở Trung Quốc. Sinh năm 1977, chỉ một năm sau khi Bắc Kinh bắt đầu chính sách giới hạn mỗi gia đình chỉ được sinh một con tại hầu hết các đô thị, họ không chỉ phải nuôi dưỡng hai con của mình mà còn phải chăm sóc 4 cha mẹ già.

Quyết định tăng tuổi nghỉ hưu của nhà chức trách vào tháng trước cùng tỷ lệ thất nghiệp cao dai dẳng ở người trẻ khiến vợ chồng bà Liu lo rằng họ sẽ phải làm việc lâu hơn so với cha mẹ mình, tất cả chỉ để hỗ trợ tài chính cho hai đứa con kể cả khi chúng đã trưởng thành.

"THẾ HỆ BÁNH KẸP" VỚI 3 ÁP LỰC CÙNG LÚC

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc căn bằng giữa chăm sóc cả thế hệ già và thế hệ trẻ đang ngày càng phổ biến khi những người như bà Liu và chồng bước vào tuổi trung niên. Họ được xem là “thế hệ bánh kẹp” (sandwich generation) với 3 áp lực đè nặng cùng lúc: tuổi thọ của cha mẹ dài hơn, thời gian phụ thuộc của con cái dài hơn và khó khăn trong sự nghiệp do kinh tế suy yếu - tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay.

Lớn lên không có anh chị em, vào những năm 1980, thế hệ con một đầu tiên này từng được gọi đùa là những “hoàng đế nhỏ” vì cả gia đình chỉ tập trung vào họ. Tuy nhiên, khi trưởng thành và bắt đầu lập gia đình riêng, những người này bắt đầu cảm thấy mình mắc kẹt trong tháp dân số.

Theo Tổng Cục Thống kê Trung Quốc, trong giai đoạn từ năm 1982-2023, tuổi thọ bình quân của người Trung Quốc tăng từ 68 tuổi lên 78,6 tuổi và tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 4,9% lên 15,4%.

Đồng thời, con cái của “thế hệ bánh kẹp” đang chật vật trên thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp cao và nhiều người vẫn sống phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính từ gia đình kể cả khi đã tốt nghiệp đại học.

Theo số liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi 16-24, không tính sinh viên, ở Trung Quốc đã tăng từ 17,1% vào tháng 7 lên 18,8% vào tháng 8.

Hoàn cảnh của bà Liu và ông Deng, giống như nhiều gia đình trên khắp Trung Quốc, được cho là sẽ có tác động tiêu cực nhất định tới giới trẻ, khiến họ không muốn kết hôn và sinh con.

Ông Deng, từng là một quản lý dự án bất động sản, đã mất nguồn thu nhập ổn định trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài. Còn bà Liu, một giáo viên trường nghề, đang cố gắng lấy bằng giáo sư. Do đó, bà không có nhiều thời gian để chăm sóc cha mẹ.

Dù bố mẹ của ông Deng hiện sức khỏe tốt hơn so với bố mẹ bà Liu, tuổi tác cao khiến họ cần được chăm sóc hàng ngày nhiều hơn.

“Tôi rất căng thẳng. Thực tế là tôi luôn phải đối mặt với công việc chăm sóc ở phía trước và tôi không thể xử lý tất cả, chưa nói tới việc bắt đầu một sự nghiệp mới”, ông Deng chia sẻ. “Sự ‘giải thoát’ duy nhất có lẽ là khi một trong hai bố mẹ của chúng tôi qua đời, nhưng điều này thật đau lòng”.

Với thu nhập kém của ông Deng và nguy cơ khó kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp của con gái, gia đình bà Liu đối mặt tương lai ảm đạm. Đó là chưa kể tới việc giá thị trường hai căn hộ của họ đã giảm mạnh.

“Thu nhập của chúng tôi đang bắt đầu không đủ để trang trải chi phí hiện tại, chưa tính tới các chi phí tương lai khi chúng tôi nhiều tuổi hơn”, ông Deng chia sẻ.

Con gái của ông bà, hiện đang học đại học năm thứ 3, cần khoảng 100.000 nhân dân tệ (14.251 USD) mỗi năm tiền học phí và chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, họ cũng tốn một khoản chi phí giáo dục nữa cho con trai 12 tuổi.

NHỮNG THÁCH THỨC CHƯA TỪNG THẤY

Theo dự báo từ khoa xã hội học thuộc Đại học Bắc Kinh, tỷ lệ các gia đình “con một kép” – tức gia đình có cả vợ và chồng đều là con một – sẽ đạt đỉnh 34,2% vào năm 2030 tại các đô thị của Trung Quốc. Còn tỷ lệ gia đình “con một đơn” – tức chỉ có vợ hoặc chồng là con một” – sẽ chiếm gần 50% trong 6 năm tới. Cả hai kiểu gia đình này đều đối mặt với những thách thức chưa từng thấy trong việc chăm sóc cha mẹ già và con cái.

“Năm nay, tổng thu nhập hàng tháng của tôi và chồng chỉ khoảng 30.000 nhân dân tệ, giảm hơn 30% so với năm trước và chúng tôi không thể tiết kiệm chút nào”, bà Li Wei, một nhiếp ảnh gia, cho biết. Cả bà và chồng đều sinh vào cuối những năm 1980 và đều là con một.

“Tình hình rất u ám”, bà Li chia sẻ. “Chúng tôi sống ở Thẩm Quyến, bố mẹ tôi sống ở Sán Đầu cách đây hàng trăm cây số, còn bố mẹ chồng tôi sống ở Diêm Thành các hàng nghìn cây số. Chúng tôi có một khoản nợ thế chấp nhà 900.000 nhân dân tệ và đang phải nuôi con”.

“Thế giới chưa có nơi nào gặp phải tình trạng như Trung Quốc, nơi số lượng trẻ em mới sinh hàng năm giảm một nửa chỉ trong 7-8 năm. Và gốc rễ của vấn đề này chính là chính sách một con” - Ảnh: Getty Images
“Thế giới chưa có nơi nào gặp phải tình trạng như Trung Quốc, nơi số lượng trẻ em mới sinh hàng năm giảm một nửa chỉ trong 7-8 năm. Và gốc rễ của vấn đề này chính là chính sách một con” - Ảnh: Getty Images

“Tình hình càng tồi tệ hơn khi dân số Trung Quốc già hóa và tỷ lệ sinh giảm đang tác động tiêu cực tới tiêu dùng và điều này có thể ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế”, chuyên gia về nhân khẩu học Cai Fang phát biểu tại một hội nghị ở Bắc Kinh tháng trước.

Còn theo ông Yi Fuxian, nhà khoa học cấp cao nghiên cứu về nhân khẩu học Trung Quốc tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), chính sách một con đã khiến Bắc Kinh phải tăng tuổi nghỉ hưu, gây áp lực cho dân số trẻ, dẫn tới nhu cầu nội địa thấp, việc làm giảm và xuất khẩu cũng đi xuống. Tất cả những điều này gây cản trở cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

“Khi các quốc gia khác đạt tỷ lệ học bậc cao như của Trung Quốc hiện tại, ngành dịch vụ của họ cung cấp khoảng 70-80% việc làm cho thị trường lao động. Tuy nhiên, do nhu cầu ở dưới mức, ngành dịch vụ Trung Quốc chỉ cung cấp 45% việc làm. Điều này khiến sinh viên đại học – chủ yếu theo học ngành dịch vụ – khó xin việc khi ra trường, dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao, kéo theo đó là tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm”, ông Yi phân tích.

Hệ thống an sinh xã hội tại Trung Quốc không tính hết được tình huống này. Theo dữ liệu từ năm 2022, chưa tới 1/3 người lao động Trung Quốc đóng bảo hiểm thất nghiệp và chỉ một 1/4 lao động thất nghiệp tại thành thị nhận được trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, hơn 50% lao động về hưu, chủ yếu là người cao tuổi ở nông thôn, nhận được lương hưu bình quân chỉ 205 nhân dân tệ mỗi tháng.

Một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh ước tính đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có hơn 77 triệu người cao tuổi cần được chăm sóc toàn thời gian dài hạn.

“Bố mẹ tôi là lao động đã về hưu và dù mỗi người có lương hưu hơn 4.000 nhân dân tệ, số tiền này không đủ trả chi phí y tế của họ”, Xiao Hui, một quản lý truyền thông 43 tuổi sống ở Thẩm Quyến và cũng là con một, chia sẻ.

Bố mẹ của Xiao đều đã ngoài 70 tuổi. Trong đó, một người mắc chứng Sjogren và bại liệt, còn người kia mắc Parkinson. Cả hai đều tiêu tốn chi phí y tế đắt đỏ và thường xuyên phải nhập viện để điều trị.

“Sau khi trừ phần tiền được bảo hiểm chi trả, tôi phải trả ít nhất 90.000 nhân dân tệ mỗi năm tiền điều trị cho họ, chưa tính chi phí chăm sóc”, Xiao nói. “Có lẽ cách tốt nhất để chúng tôi thoát khỏi tình trạng bế tắc tài chính là bán nhà để chi trả chi phí y tế của bố mẹ và chi phí cho các con tôi. Nhưng khi tôi và chồng già đi, các con tôi cũng sẽ phải trải qua điều mà chúng tôi đang gặp phải bây giờ. Suy nghĩ đó khiến tôi thấy đau lòng”.

NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ LÀ CHẾ ĐỘ MỘT CON

Theo Huang Wenzheng, một nhà nhân khẩu học hoạt động độc lập, những thách thức của thế hệ con một có thể trầm trọng hơn khi các nhóm tuổi khác cũng rơi vào khó khăn.

“Chính phủ phải nhận thức rằng các vấn đề kinh tế tương lai bắt nguồn từ sự suy giảm dân số quá mức”, ông Huang cho biết. “Thế giới chưa có nơi nào gặp phải tình trạng như Trung Quốc, nơi số lượng trẻ em mới sinh hàng năm giảm một nửa chỉ trong 7-8 năm. Và gốc rễ của vấn đề này chính là chính sách một con”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn khoảng 3,3% vào năm 2029, giảm đáng kể so với mức 5,2% của năm ngoái.

“Không ai có thể giải quyết các vấn đề của thế hệ một con, trừ phi có các biện pháp hỗ trợ hiệu quả và biện pháp để thay đổi kỳ vọng bi quan của xã hội về tình trạng suy giảm dân số”, ông nói. “Chỉ khi đó, các doanh nghiệp mới tự tin để đầu tư và người trẻ mới có cơ hội việc làm cũng như thu nhập ổn định. Nếu không, áp lực kinh tế và xã hội với người trẻ trong lương lại sẽ ngày càng tồi tệ hơn”.