09:23 18/06/2021

3 nhược điểm khiến Bitcoin dễ bị tiền ảo khác "chiếm sóng"

Đức Anh

“Bitcoin không ẩn danh như mọi người nghĩ và việc ‘khai thác’ Bitcoin gây hại cho môi trường. Nó cũng không hoạt động tốt như một loại tiền tệ”...

Các loại tiền ảo khác tìm được cách giải quyết những nhược điểm của Bitcoin - Ảnh: Coindesk
Các loại tiền ảo khác tìm được cách giải quyết những nhược điểm của Bitcoin - Ảnh: Coindesk

Theo giáo sư kinh tế Eswar Prasad của Đại học Cornell, Bitcoin - tiền ảo có vốn hóa lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới hiện nay - có nhiều nhược điểm khiến nó có thể bị các tiền ảo khác "qua mặt". 

“Bitcoin không ẩn danh như mọi người nghĩ và việc ‘khai thác’ Bitcoin gây hại cho môi trường. Nó cũng không hoạt động tốt như một loại tiền tệ”, ông Prasad, người từng làm Giám đốc chi nhánh Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định với CNBC ngày 17/6. “Một điều thú vị là các loại tiền ảo khác tìm được cách giải quyết những nhược điểm đó của Bitcoin”. 

PHÁ HỦY MÔI TRƯỜNG

Theo giáo sư Prasad, một trong những nhược điểm lớn nhất của Bitcoin là quá trình ‘khai thác’ Bitcoin và vận hành của hệ thống thanh toán bằng tiền ảo này tiêu thụ quá nhiều năng lượng. 

“Lượng điện tiêu thụ khi xác thực các giao dịch trên chuỗi khối Bitcoin cũng như quá trình khai thác Bitcoin chắc chắn không hề tốt cho môi trường”, ông Prasad nói.

Tháng trước, Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, cho biết công ty này sẽ dừng chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán do quan ngại về vấn đề môi trường. Việc này khiến giá Bitcoin sụt ngay 5% trong vài phút. Tuy vậy, cuối tuần trước, ông Musk “quay ngoắt 180 độ” khi tuyên bố sẽ chấp nhận Bitcoin trở lại nếu các “thợ đào” Bitcoin sử dụng năng lượng sạch để khai thác tiền ảo này. 

Để khai thác Bitcoin, các “thợ đào” phải sử dụng các máy tính chuyên dụng để giải những phương trình toán học phức tạp, cho phép thực hiện một giao dịch một cách hiệu quả. Phần thưởng dành cho nỗ lực của họ là các đơn vị Bitcoin. Theo Chỉ số Tiêu thụ điện Bitcoin của Đại học Cambridge, toàn bộ quá trình tạo ra một Bitcoin tiêu thụ lượng điện khổng lồ, thậm chí nhiều hơn tổng lượng điện tiêu thụ tại các quốc gia như Phần Lan, Thụy Sỹ.

Trong khi đó, đồng Ethereum - tiền ảo có vốn hóa lớn thứ hai thị trường và thường được xem là đồng tiền thay thế cho Bitcoin - được khai thác theo phương thức tiêu thụ ít năng lượng hơn, ông Prasad chỉ ra. 

Khác với Bitcoin - sử dụng thuật toán Proof of Work để khai thác, đồng Ethereum đã chuyển sang thuật toán Proof of Stake giúp giảm năng lượng tiêu thụ đáng kể. Với việc nâng cấp thuật toán này, các “thợ đào” Ethereum được khuyến khích bằng phần thưởng, được trả bằng Ethereum để họ tiếp tục trực tuyến và giữ cho mạng lưới luôn được kiểm soát. Điều này loại bỏ cuộc chạy đua tiêu tốn năng lượng của thuật toán Proof of Work bởi không cần dùng để sức mạnh máy tính khổng lồ để xác thực các giao dịch. 

Theo Ethereum Foundation, thuật toán mới giúp lượng điện tiêu thụ của hệ thống Ethereum giảm 99,95% so với trước đây. 

“Với việc sử dụng ít năng lượng hơn đáng kể, Ethereum có thể mang lại nhiều lợi ích hơn so với Bitcoin. Việc này cũng giúp các giao dịch bằng đồng Ethereum rẻ hơn và nhanh hơn”, ông Prasad nhận xét, nhưng cũng nhấn mạnh Ethereum chưa đạt được mức đó.

KHÔNG ẨN DANH VÀ KHÔNG PHẢI PHƯƠNG TIỆN THANH TOÁN TỐT

Theo Giáo sư Prasad, nhược điểm thứ hai của Bitcoin là tiền ảo này “không quá ẩn danh” như nhiều người tưởng.

Đầu tháng này, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cho biết họ đã thu hồi số Bitcoin trị giá 2,3 triệu USD trong khoản tiền chuộc mà công ty đường ống dẫn đầu Colonial Pipeline phải trả cho những kẻ tấn công (hacker) trong vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống đường ống này hồi tháng 5. 

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết các đặc vụ đã xác định được ví tiền ảo mà các hacker sử dụng để nhận tiền chuộc từ Colonial Pipeline.

“Ý tưởng chủ đạo của Bitcoin là mang đến cho người dùng sự ẩn danh. Tuy nhiên, thực thế cho thấy nếu bạn sử dụng Bitcoin nhiều, đặc biệt là khi dùng Bitcoin để mua hàng hóa, dịch vụ thực, danh tính ảo của bạn có thể dẫn tới địa chỉ hoặc danh tính thực”, ông Prasad giải thích. 

Giáo sư Đại học Cornell cũng nhấn mạnh một điều thú vị là rất nhiều tiền ảo khác khắc phục được nhược điểm này của Bitcoin và giúp người dùng ẩn danh tốt hơn, như đồng Monero hay Zcash. 

“Nhược điểm đó của Bitcoin đang khơi mào một cuộc tìm kiếm đồng tiền thay thế tốt hơn. Mọi người dường như đang tìm kiếm một phương tiện trao đổi không yêu cầu họ phải thực hiện qua một tổ chức đáng tin cậy như chính phủ hay ngân hàng thương mại - dù chưa thực sự làm được vậy”, ông Prasad nhận xét.

Giáo sư này chỉ ra nhược điểm lớn thứ ba của Bitcoin là không hoạt động tốt khi là một loại tiền tệ. 

“Về lý thuyết, Bitcoin được sinh ra là một công cụ trao đổi ẩn danh và hiệu quả. Tuy nhiên, nó không làm tốt chức năng này. Việc sử dụng Bitcoin để thanh toán hàng hóa và dịch vụ hiện chậm chạp và cồng kềnh. Trong khi đó, thị trường lại rất biến động”, ông Prasad chỉ ra.

Tháng trước, đồng Bitcoin lao dốc mạnh chỉ trong một phiên khi “bay hơi” tới 30% giá trị.

“Hôm nay, bạn có thể mang Bitcoin đến một cửa hàng và nhận một tách cà phê, nhưng ngày hôm sau, với số Bitcoin tương tự, bạn có thể thưởng thức một bữa ăn xa hoa. Do đó, Bitcoin hoàn toàn không hoạt động tốt với chức năng làm phương tiện trao đổi”, ông nói. 

Giáo sư Prasad nhấn mạnh rằng, hiện nhiều người mua Bitcoin vì xem nó là một tài sản đầu cơ chứ không phải muốn sử dụng như một công cụ trao đổi.

Theo dữ liệu từ Coinmarketcap, đồng Bitcoin giao dịch ở mức 37.771 USD vào lúc 9h ngày 18/6 (giờ Việt Nam), giảm 2,47% so với 24h trước.