7 điều cần biết về việc phương Tây loại Nga khỏi hệ thống SWIFT
Việc bị phương Tây loại khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT có thể sẽ gây ra những hậu quả nặng nề đối với Nga. Tuy nhiên, sự trừng phạt khắc nghiệt này cũng sẽ có những tác động không nhỏ đối với Mỹ và các đồng minh của Washington...
Cuộc tấn công quân sự của Nga nhằm vào Ukraine đã dẫn tới việc các nước phương Tây sử dụng một biện pháp trừng phạt được đánh giá là cực kỳ mạnh tay đối với Moscow.
Vào cuối tuần vừa rồi, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada đã nhất chí chặn một số ngân hàng của Nga khỏi SWIFT. Đây là một phần trong gói trừng phạt bổ sung nhằm mục đích cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, từ đó làm suy yếu nền kinh tế và tài chính của nước Nga.
1. SWIFT LÀ GÌ?
SWIFT là viết tắt của Tổ chức Viễn thông tài chính Liên ngân hàng Thế giới (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) – hạ tầng tin nhắn tài chính kết nối giữa các ngân hàng trên thế giới. Bản thân SWIFT không thực sự xử lý các giao dịch chuyển tiền, mà là một hệ thống nhắn tin, mang lại một phương thức an toàn đẻ các ngân hàng gửi cho nhau các yêu cầu chuyển tiền.
Tiền dịch chuyển từ một tài khoản sang một tài khoản khác thường đi qua nhiều ngân hàng trước khi đến đích cuối cùng, nhất là trong trường hợp có liên quan đến ngoại tệ. SWIFT định hướng cho dòng tin nhắn hướng dẫn từ ngân hàng này đến ngân hàng khác, cho phép các ngân hàng biết tiền cuối cùng phải được đổ vào đâu. Hệ thống đặt tại Bỉ này được vận hành bởi các ngân hàng thành viên và xử lý hàng triệu hướng dẫn giao dịch mỗi ngày trên khắp hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tại 11.000 định chế tài chính. Cũng do lệnh trừng phạt của phương Tây, Iran và Triều Tiên đã bị loại khỏi SWIFT.
2. VÌ SAO SWIFT QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI CÁC QUỐC GIA, BAO GỒM NGA?
Tài chính xuyên biên giới là một biện pháp giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, từ thương mại, đầu tư nước ngoài và kiều hối, cho tới chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Việc một quốc gia, trong trường hợp này là Nga, bị loại khỏi SWIFT, tất cả các lĩnh vực đó đều lĩnh hậu quả nghiêm trọng.
Khi Mỹ và các đồng minh bàn bạc về việc có nên loại Nga khỏi SWIFT, thì một câu hỏi quan trọng được đặt ra là làm thế nào để thực hiện sự trừng phạt như vậy mà vẫn để ngỏ một số kênh tài chính để mua dầu thô và khí đốt của Nga.
Khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU được đáp ứng bởi Nga. Nhiều ngân hàng phương Tây cũng nắm giữ các khoản nợ của Nga, và những khoản này có thể sẽ khó thu hồi nếu Nga bị loại khỏi SWIFT. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các ngân hàng nước ngoài đang có trong tay khoảng 121 tỷ USD tài sản là nợ của các thực thể đặt tại Nga. Trong số đó, khoảng 14,7 tỷ USD là tiền phía Nga nợ các ngân hàng Mỹ. Các ngân hàng Italy và Pháp mỗi nước có khoảng 25 tỷ USD tiền nợ ở Nga.
3. BỊ CHẶN KHỎI SWIFT, NGA CÓ LỰA CHỌN THAY THẾ KHÔNG?
Có một số “đường vòng” để việc thanh toán vẫn có thể diễn ra cho dù Nga bị loại khỏi SWIFT. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings nói rằng các ngân hàng có thể dùng những hệ thống nhắn tin khác như Telex, cho dù những cách này kém hiệu quả hơn và tốn kém hơn. Nga cũng đã phát triển hệ thống thanh toán của riêng mình. Hiện mới có khoảng 23 ngân hàng nước ngoài kết nối với hệ thống này của Nga, nhưng nhiều ngân hàng nữa có thể sẽ tham gia một khi các ngân hàng Nga không còn trong SWIFT.
Trung Quốc là một lựa chọn khác. Bắc Kinh cũn có hệ thống thanh toán của riêng họ, với nhiều ngân hàng quốc tế tham gia hơn so với hệ thống của Nga. Giới phân tích cho rằng nếu Nga và Trung Quốc hợp lực, việc loại Nga khỏi SWIFT có thể làm suy yếu địa vị thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Việc loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT “sẽ có ảnh hưởng lới tức thì, nhưng Nga sẽ nhanh chóng giảm bớt ảnh hưởng đó thông qua các công cụ tin nhắn ngân hàng khác”, ông Richard Nephew – một cựu quan chức cấp cao về trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ - phát biểu trên Wall Street Journal. “Việc này sẽ khiến Nga phải ‘đau đầu’ nhiều, nhưng tôi cũng cho rằng giá trị của lệnh trừng phạt này đã bị thổi phồng nhiều”.
4. XUẤT KHẨU DẦU KHÍ VÀ CÁC HÀNG HOÁ KHÁC CỦA NGA CÓ THỂ BỊ ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO?
Trao đổi với hãng tin Reuters, nhiều nhà giao dịch hàng hoá và nhà phân tích nói rằng hoạt động xuất khẩu tất cả các loại hàng hoá cơ bản của Nga, từ dầu thô và khí đốt cho tới kim loại và ngũ cốc, đều sẽ bị gián đoạn bởi việc nước này bị loại khỏi SWIFT. Kinh tế Nga đương nhiên sẽ hứng chịu tổn thất không nhỏ, nhưng phương Tây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi giá cả tăng vọt, đẩy lạm phát lên cao.
Một số ngân hàng Nga, bao gồm Gazprombank – nhà băng phục vụ các giao dịch thanh toán lớn trong lĩnh vực dầu khí, không bị loại hoàn toàn khỏi SWIFT, nhưng giới chuyên gia nói việc chuyển sang hệ thống mới cần phải có thời gian, đồng nghĩa với gián đoạn lớn đối với dòng chảy xuất khẩu của Nga.
“Phương Tây đã cố gắng để các giao dịch năng lượng không bị ảnh hưởng, nhưng việc loại Nga khỏi SWIFT vẫn có thể gây ra gián đoạn nghiêm trọng đối với dòng chảy giao dịch năng lượng trong ngắn hạn, ít nhất cho tới khi bên mua có thể chuyển sang được những phương thức thay thế như Telex hay các hệ thống khác”, chuyên gia Amrita Sen của Energy Aspects phát biểu.
Ngoài việc đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, Nga còn chiếm 10% sản lượng dầu toàn cầu. Nga cũng là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất, nước xuất khẩu phân bón lớn nhất, nước sản xuất palladium và nickel hàng đầu, nước xuất khẩu than và thép lớn thứ ba, và nước xuất khẩu gỗ lớn thứ năm thế giới.
Theo Reuters, việc loại khỏi SWIFT nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, đồng thời là nhà cung cấp 1/6 toàn bộ hàng hoá cơ bản trên toàn cầu, là việc chưa từng có tiền lệ trong kỷ nguyên toàn cầu hoá. Trớ trêu thay, việc này lại diễn ra đúng lúc phương Tây đang vật lộn với giá dầu cao chóng mặt và lạm phát leo thang không ngừng.
Ít nhất 10 nhà giao dịch nói với Reuters rằng dòng chảy hàng hoá cơ bản từ Nga sang phương Tây sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng hoặc dừng hẳn trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, cho tới khi mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn. “Họ vẫn có thể sử dụng các hệ thống nội bộ của các ngân hàng quốc tế có chi nhánh ở Nga, nhưng việc đó rất phức tạp”, một nhà ngân hàng nước ngoài nói.
Một số nhà giao dịch nói vẫn còn những ngân hàng Nga chưa bị đưa vào danh sách trừng phạt, chẳng hạn Surgutneftegasbank, nên vẫn có thể thực hiện thanh toán USD. Tuy nhiên, việc này chưa chắc giải quyết được vấn đề. “Nhiều công ty sẽ xem dầu của Nga là bị trừng phạt nên không muốn dính líu đến các giao dịch đó, cho dù có được phép”, một nhà giao dịch phương Tây nói.
Dòng chảy năng lượng và hàng hoá từ Nga sang châu Á, nhất là Trung Quốc, nhiều khả năng duy trì. Giới chức Nga đã nói rằng nước này có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc trong trường hợp không bán được cho phương Tây. Nhưng các nhà phân tích nói rằng dòng chảy khí đốt không thể chuyển hướng và khả năng mua thêm dầu của Trung Quốc cũng không phải là vô hạn.
5. AI KHỞI XƯỚNG Ý TƯỞNG LOẠI NGA KHỎI SWIFT?
Thủ tướng Anh Boris Johnson là người đã vận động các nước khác trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) loại Nga khỏi SWIFT. Những nước khác ủng hộ ý tưởng này bao gồm các nước trong EU có biên giới với Nga. Một số thành viên Quốc hội Mỹ, bao gồm ông Adam Schiff, một nhân vật của Đảng Dân chủ hiện giữ vai trò Chủ tịch Uỷ ban Tình báo hạ viện, cũng hậu thuẫn ý tưởng "cấm cửa" Nga khỏi SWIFT.
Những người ủng hộ nói rằng cách trừng phạt này sẽ bóp nghẹt nền kinh tế Nga theo một cách mà các biện pháp trừng phạt có trọng điểm khác không thể làm được.
6. TẠI SAO MỘT SỐ NƯỚC PHẢN ĐỐI VIỆC LOẠI NGA KHỎI SWIFT?
Các nhà phê bình nói rằng cách làm này là một “con dao hai lưỡi”, không chỉ đối với châu Âu – những nước có quan hệ thương mại mật thiết với Nga và phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga – mà còn đối với cả thế giới. Một số cựu quan chức Mỹ nói sự trừng phạt này có thể gây tổn thất lớn cho kinh tế Nga, nhưng cũng dẫn tới thiệt hại không nhỏ đối với các lợi ích kinh doanh của phương Tây, chẳng hạn các hãng dầu khí lớn.
Ngoài ra, việc sử dụng SWIFT như một vũ khí có thể làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu với đồng USD giữ vai trò chủ chốt, vì sẽ thúc đẩy các lựa chọn thay thế SWIFT do Nga và Trung Quốc phát triển. Như thế, sức mạnh của phương Tây sẽ suy yếu, đặc biệt là đòn bẩy ngoại giao mà các biện pháp trừng phạt mang lại.
7. CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT KHÁC NHẰM VÀO NỀN KINH TẾ NGA LÀ GÌ?
Ngoài việc tạm dừng quy trình phê chuẩn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 và cản trở khả năng huy động vốn của Chính phủ Nga thông qua phát hành trái phiếu, các biện pháp trừng phạt của phương Tây tính đến thời điểm này còn bao gồm đưa vào danh sách đen một số ngân hàng lớn nhất của Nga, ảnh hưởng lớn đến tài sản của các ngân hàng Nga. Các biện pháp trừng phạt này cấm giao dịch với các ngân hàng Nga trong diện cấm, khiến các nhà băng này không thể tiếp cận với đồng USD và nguồn vốn bằng USD.
Ngoài ra, các nước phương Tây cũng đưa ra các biện pháp nhằm cản trở Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng nhiều hơn số ngoại tệ 600 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối của nước này.