7 nền kinh tế mới nổi đối mặt nguy cơ khủng hoảng tỷ giá
Nomura cho rằng hiện có 7 nền kinh tế mới nổi đối mặt với nguy cơ cao xảy ra khủng hoảng tỷ giá hối đoái
Trong một phân tích mới được công bố, Tập đoàn tài chính Nhật Bản Nomura Holdings cho rằng hiện có 7 nền kinh tế mới nổi đối mặt với nguy cơ cao xảy ra khủng hoảng tỷ giá hối đoái.
Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của Nomura cho biết các nền kinh tế mới nổi được đề cập bao gồm Sri Lanka, Nam Phi, Argentina, Pakistan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.
Trong số 7 nền kinh tế này, đã có 5 nền kinh tế rơi vào khủng hoảng tiền tệ hoặc phải nhờ đến sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Duy chỉ có Nam Phi và Pakistan là tình hình chưa đến nỗi quá nghiêm trọng.
Cũng theo báo cáo, có 8 nền kinh tế mới nổi khác đứng trước nguy cơ khủng hoảng tỷ giá hối đoái ở mức thấp nhất - bao gồm Brazil, Bulgaria, Indonesia, Kazakhstan, Peru, Philippines, Nga và Thái Lan.
"Đây là một kết quả quan trọng", báo cáo ra ngày 10/9 của Nomura có đoạn viết. "Khi mà các nhà đầu tư dồn tâm điểm chú ý vào rủi ro ở các thị trường mới nổi, điều quan trọng là không đánh đồng các thị trường mới nổi với nhau. Việc phân loại cho thấy có nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ rất thấp về xảy ra khủng hoảng toàn diện".
Báo cáo của Nomura Holdings được dựa trên một mô hình cảnh báo sớm có tên Damocles. Mô hình này được thiết lập nhằm nhận diện sớm khủng hoảng tỷ giá hối đoái cho 30 nền kinh tế mới nổi. Mô hình đưa ra đánh giá dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm dự trữ ngoại hối, mức nợ, lãi suất, mức nhập khẩu, mức xuất khẩu, mức nợ ngắn hạn, cán cân tài khóa, cán cân vãng lai… của các nền kinh tế.
Nomura cho biết, mô hình này đã giúp dự đoán trước được 2/3 trong số 54 cuộc khủng hoảng tỷ giá tại các quốc gia đang phát triển trong thời gian từ năm 1996 đến nay, với thời gian dự báo trước khi khủng hoảng xảy ra lên đến 12 tháng.
Đánh giá của Nomura cho điểm các nền kinh tế theo thang điểm từ 0-200, điểm càng cao thì rủi ro khủng hoảng càng lớn. 7 nền kinh tế có nguy cơ khủng hoảng tỷ giá cao nhất đều là những nền kinh tế có mức điểm từ 100 trở lên.
Bên cạnh 8 nền kinh tế mới nổi có nguy cơ khủng hoảng tỷ giá ở mức thấp, với điểm số là 0, còn có 15 nền kinh tế đối mặt rủi ro ở mức trung bình, với điểm số dao động từ 17-62. Trong nhóm này có Việt Nam (35 điểm) và Trung Quốc (37 điểm).
Đánh giá của Nomura Holdings về nguy cơ xảy ra khủng hoảng tỷ giá tại 30 nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam - Nguồn: Nomura/MarketWatch.
Trong số các nền kinh tế có mức độ cảnh báo cao từ Nomura, Argentina là một trường hợp điển hình. Đồng Peso của nước này đã mất giá hơn 50% so với đồng USD từ đầu năm đến nay, buộc Ngân hàng Trung ương phải nâng lãi suất lên mức 60%. Chính phủ Argentina cũng đã phải nhờ đến sự giải cứu của IMF.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nguồn gây "hoảng loạn" cho giới đầu tư, với đồng Lira mất giá 41% từ đầu năm.
Tuy vậy, Sri Lanka mới là quốc gia có mức độ cảnh báo cao nhất, dù đồng Rupee của nước này mới chỉ giảm giá 5,5% so với USD từ đầu năm tới nay.
Còn lại trong nhóm 7 nền kinh tế bị cảnh báo cao, đồng Rand Nam Phi đã giảm giá 18,8%, đồng Pound Ai Cập giảm 0,4%, đồng Rupee của Pakistan giảm 10,3%, và đồng Hryvnia của Ukraine giảm 0,5%.