09:43 09/12/2009

Ai đang quyết định giá đường?

Kim Dũng

Nhà sản xuất cho rằng nông dân, thương lái đẩy giá lên cao, còn Hiệp hội Mía đường thì khẳng định nguồn cung bảo đảm

Giá đường đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Giá đường đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Giá đường trắng bán buôn từ 15.500 đồng/kg hồi đầu tháng 11/2009 đã được các nhà máy đường đồng loạt tăng thêm 1.000 đồng, lên 16.500 đồng/kg vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 này.

Hiện, người dân Tp.HCM đang phải mua từ 19.500-20.000 đồng/kg đường, mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, nhà sản xuất cho rằng nông dân, thương lái đẩy giá lên cao, còn Hiệp hội Mía đường thì khẳng định nguồn cung bảo đảm.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam thì không có cơn sốt đường, nhưng thực tế giá đường trên thị trường tại các chợ, tiệm tạp hóa ở Tp.HCM ngày 8/12 đã xấp xỉ 20. 000 đồng/kg, cao gấp đôi so với giá đường bình quân trong 2 năm qua. Mức giá mà người tiêu dùng lẫn các nhà máy đường không ngờ tới bởi hiện nay là vụ sản xuất mía đường. Theo hiệp hội, giá đường bán lẻ hình thành trên cơ sở giá mía nguyên liệu đầu vào, nghĩa là nông dân trồng mía quyết định giá đường chứ không phải các nhà máy chế biến.

Song, theo các chủ trại mía ở Hậu Giang: “Giá mía đường ở mức rất cao hoàn toàn không phải do nông dân đẩy lên mà chính là do giới thương lái. Họ nắm toàn bộ quyền quyết định giá mía, chứ không phải nhà máy hay nông dân".

Ở khu vực miền Đông Nam Bộ, trừ diện tích mía nhà máy ký hợp đồng đầu tư trước cho nông dân có mức giá trung bình từ 650-700 đồng/kg, những diện tích còn lại đều do thương lái nắm giữ. Thương lái mua mía non của nông dân từ trước chỉ có 500 đồng/kg, rồi bỏ thêm ít vốn đầu tư chăm sóc đến khi thu hoạch thì đẩy giá lên đến 1.000 đồng/kg để bán cho nhà máy. Tất nhiên để có nguyên liệu sản xuất, nhà máy phải chấp nhận mức giá mía cao do thương lái ấn định. Một yếu tố khác quyết định giá đường là việc giới buôn bán nhà tiêu thụ tập trung gom đường dự trữ cũng khiến thị trường sôi động.

Từ khi vào vụ cuối tháng 8 đến nay, các nhà máy đường khu vực đồng bằng sông Cửu Long sản xuất ra bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu, chứ không dự trữ. Giá mía nguyên liệu đã vượt qua ngưỡng 1.000 đồng/kg. Tại một số nhà máy đường trong vùng, giá mía thu mua đến 1.100 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, mức lợi nhuận của nông dân trồng mía bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha. Riêng những hộ trong câu lạc bộ 200 tấn, đạt lợi nhuận 100 triệu đồng/ha. Nguồn mía nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu trầm trọng do mía ở tỉnh Hậu Giang ở cuối vụ, Trà Vinh mới vào vụ.

Lợi dụng giá mía tăng cao, nhiều thương lái mua luôn cả mía non, đọt mía và lá mía để “trộn” vào mía nguyên liệu với giá 400-500 đồng/kg bán cho các nhà máy. Như vậy việc dự trữ đường chuyển từ kho doanh nghiệp sang kho của nhà bán buôn, nhà tiêu thụ nên dễ xảy ra đầu cơ làm giá. Từ những nguyên nhân này có thể lý giải được vì sao Hiệp hội Mía đường luôn khẳng định nguồn cung đường không thiếu nhưng giá đường vẫn tăng cao.

Theo Hiệp hội, từ giữa tháng 11 - giữa 12/2009, các nhà máy sẽ sản xuất từ 100.000-200.000 tấn đường/tháng, do đó từ đây đến Tết Canh Dần đủ bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hiệp hội này cũng cho biết, mía đường tăng giá thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Lượng dự trữ trong nước ít, nên giữa tháng 11/2009 lượng đường tồn kho tại các nhà máy chỉ khoảng 20.000 tấn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 48 ngàn tấn. Hiện là thời điểm nhiều doanh  nghiệp sản xuất bánh kẹo và thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ đường lớn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó giá đường thế giới bước vào tháng 11 cũng bất đầu tăng mạnh do nhu cầu mua mới từ Pakistan, Mexico và Ấn Độ với giá đạt mức kỷ lục 610 USD/tấn vào đầu tháng 12.

Ngoài ra dự báo niên vụ đường 2009-2010 thế giới sẽ thiếu hụt 6 triệu tấn đường cũng góp phần đẩy giá đường tăng cao. Từ tháng 12 trở đi, nhà máy sản xuất đồng loạt đáp ứng thêm nguồn cung thì việc phải mua máy nguyên liệu giá cao cộng thêm áp lực bị đầu cơ giá đường thế giới tăng, thì giá đường bán lẻ trong nước rất khó giảm. Nguồn đường đủ nhưng giá đường vẫn cao có giống như diễn biến của vàng  trong thời gian vừa qua.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Tết ở Tp.HCM như đang “ngồi trên lửa” do giá đường trên thị trường tăng cao. Từ diễn biến giá đường cho thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như Hiệp hội Mía đường vẫn chưa có lời giải xác đáng cho bài toán quản lý giá mặt hàng này.