20:00 08/09/2024

Bài toán cân não của Fed: Giảm lãi suất bao nhiêu là vừa?

An Huy

Liệu mức giảm lãi suất nhỏ - cụ thể là 0,25 điểm phần trăm - có đủ để giúp nền kinh tế Mỹ duy trì trạng thái tăng trưởng?

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chuẩn bị khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào tháng 9 này, trong bối cảnh lạm phát xuống thang và thị trường việc làm giảm tốc. Câu hỏi lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt vào thời điểm này là liệu mức giảm lãi suất nhỏ - cụ thể là 0,25 điểm phần trăm - có đủ để giúp nền kinh tế duy trì trạng thái tăng trưởng?

Báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 8 được Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Sáu vừa rồi cho thấy tốc độ tạo việc làm mới tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 3 tháng qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào đầu năm 2020. Dù vậy, thống kê này vẫn khiến giới đầu tư hồ nghi về việc liệu Fed có chọn mức cắt giảm lãi suất lớn 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 17-18/9.

MỐI LO PHẠM SAI LẦM LẦN NỮA CỦA FED

Số liệu việc làm có thể mở ra một cuộc tranh cãi căng thẳng giữa một bên là những người như Chủ tịch Fed Jerome Powell - phe chủ trương cắt giảm lãi suất mạnh tay để đảm bảo rằng Fed không chậm trễ trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, và một bên là những nhà hoạch định chính sách tiền tệ vẫn cho rằng mức giảm 0,25 điểm phần trăm là hợp lý - theo nhà kinh tế trưởng Diane Swonk thuộc công ty tư vấn và kiểm toán KPMG.

Việc chọn đúng mức giảm lãi suất là rất quan trọng. Thời ông Powell, Fed đã phạm sai lầm là hành động quá chậm trễ khi ứng phó với thời kỳ bùng phát mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980 của lạm phát. Hệ quả là Fed phải tăng lãi suất lên cao hơn và giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn, dẫn tới làm suy yếu sức mua của các hộ gia đình Mỹ. Lần này, nếu Fed lại chậm trễ lần nữa, hệ quả có thể sẽ là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

“Bây giờ, ông Powell phải nghĩ về di sản của ông ấy. Ông ấy phải đưa được nền kinh tế hạ cánh mềm”, bà Swonk nói.

Lựa chọn mà giới chức Fed đang phải đối mặt - cắt giảm lãi suất từ từ hay cắt giảm lãi suất ồ ạt - sẽ là một quyết định khó khăn, cũng giống như ở bất kỳ thời điểm nào mà ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đứng trước một bước ngoặt lớn trong chính sách tiền tệ.

Trong bối cảnh hầu hết các thước đo hoạt động kinh tế đang trong xu hướng suy giảm, một số nhà kinh tế nhận thấy có nhiều rủi ro trong việc Fed hạ lãi suất một cách “rón rén” hơn là giảm lãi suất mạnh tay. Sự mất mát công ăn việc làm có thể nhanh chóng trở thành một vòng xoáy tự mạnh lên khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu dẫn tới việc doanh nghiệp sa thải nhiều hơn. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng gần tròn 1 điểm phần trăm so với mức thấp ghi nhận vào năm ngoái, kích hoạt một chỉ báo suy thoái kinh tế có tên “nguyên tắc Sahm”.

“Đang có nhiều câu hỏi nghiêm túc được đặt ra, không chỉ về cuộc họp này, mà đối với cả mấy tháng tới nữa. Làm thế nào để chúng tôi nỗ lực giữ cho mọi thứ không trở nên tồi tệ hơn”, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC hôm thứ Sáu.

Một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 4/9 cho thấy số công việc cần tuyển dụng trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Tỷ lệ số công việc cần tuyển người so với số người Mỹ thất nghiệp, từng lên tới 2-1 ở giai đoạn thiếu lao động đỉnh điểm thời đại dịch, hiện đã giảm về mức khoảng 1-1.

Cả hai báo cáo việc làm trên đều được đưa ra sau bài phát biểu hôm 23/8 của ông Powell tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole. Trong bài phát biểu đó, ông Powell nói ông và các đồng nghiệp của ông “không mong muốn hay hoan nghênh sự suy giảm sâu hơn của điều kiện trên thị trường việc làm”.

“Ông Powell đang cố gắng kéo Fed đi theo chiều hướng mềm mỏng. Nếu nền kinh tế sụt tốc bất ngờ, thì lãi suất của Fed sẽ trở nên quá cao để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới và để làm dịu cú sốc kinh tế đó”, nhà kinh tế trưởng Tim Duy của công ty SGH Macro Advisors nhận định.

RỦI RO LẠM PHÁT TRỖI DẬY

Thị trường tài chính Mỹ đã giằng co mạnh trong phiên ngày 6/9 sau khi báo cáo việc làm tháng 8 được công bố. Lúc đầu, bản báo cáo khiến nhà đầu tư gia tăng đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Nhưng sau đó, đặt cược này giảm mạnh vì Thống đốc Fed Christopher Waller phát tín hiệu rằng khó có chuyện Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong một lần trước khi có thêm các số liệu kinh tế mới được công bố trong những tháng tới.

Trong thời gian giữa cuộc họp tháng 9 của Fed cho tới cuộc họp tiếp theo vào ngày 6-7/11, sẽ có thêm 2 báo cáo việc làm hàng tháng. Giới đầu tư đang đặt cược khả năng trên 50% Fed giảm lãi suất nửa điểm phần trăm mỗi lần vào các cuộc họp tháng 11 và tháng 12.

“Fed có khuynh hướng hành động từ tốn. Họ không muốn gửi tín hiệu sai tới thị trường nếu như các hoạt động kinh tế vẫn còn vững. Và nói chung, nền kinh tế Mỹ có vẻ vẫn đang ổn”, nhà kinh tế Stephen Juneau của ngân hàng Bank of America nói.

Nếu Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 và 0,5 điểm phần trăm mỗi lần vào tháng 11 và tháng 12, lãi suất quỹ liên bang sẽ giảm về 4-4,25% vào cuối năm nay, từ mức 5,25-5,5% hiện nay. Mức lãi suất như vậy vẫn còn cao hơn mức mà hầu hết các quan chức Fed cho là lãi suất trung tính, đồng nghĩa các hoạt động kinh tế còn phải đương đầu với sức ép từ lãi suất.

Những tuần gần đây, một số quan chức Fed phát tín hiệu rằng họ còn lo ngại về rủi ro lạm phát trỗi dậy nếu Fed giảm lãi suất quá nhanh và mang tới một cú huých cho các hoạt động kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - đang tăng với tốc độ hàng năm 2,5%, cao hơn so với mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra là 2%.

Các nhà hoạch định chính sách có quan điểm như vậy cũng có thể dựa vào xu hướng sa thải nhân công vốn đang còn thấp, dù nhu cầu tuyển dụng đã chậm lại.

“Lịch sử cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm là một canh bạc nguy hiểm, có thể kích thích lạm phát trỗi dậy và đưa lạm phát ăn sâu vào nền kinh tế trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm”, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic viết trong một bài báo hôm 4/9.

Đối với ông Powell, sự giảm tốc của thị trường việc làm có nguy cơ đảo lộn điều mà cho tới hiện tại đang là một thành tựu đáng kể của Fed. Năm 2022-2023, Fed đã triển khai chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong 4 thập kỷ để chống lạm phát. Đưa lạm phát về gần mục tiêu mà không gây ra suy thoái kinh tế là một thành tựu hiếm gặp.

Và việc hoàn tất thành quả đó một cách trọn vẹn sẽ tùy thuộc vào những quyết định lãi suất sắp tới của Fed.

“Fed cần hành động quyết đoán ngay bây giờ, khi tỷ lệ thất nghiệp còn đang thấp. Nếu đợi đến lúc thất nghiệp tăng rõ rệt, thì lúc đó đã quá muọn rồi”, nhà kinh tế trưởng Neil Dutta của công ty Renaissance Macro Research nhận định.