09:00 11/07/2022

“Bão giá” và vai trò “thuyền trưởng” của Nhà nước

Nguyễn Quốc Uy

Trong “bão giá”, nếu Nhà nước không sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết giá mặt hàng chiến lược xăng dầu, để mặc cho nó chìm nổi theo thị trường không được định hướng, tình hình kinh tế - xã hội chắc chắn phải đối mặt với nguy cơ mất ổn định; doanh nghiệp và người dân chắc chắn gặp nhiều khó khăn hơn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống...

Điều chỉnh chính sách thuế chỉ là giải pháp tình thế, chỉ có thể áp dụng trong ngắn hạn, vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động cao, khi phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới và chịu sự chi phối từ yếu tố cung - cầu trên thị trường.
Điều chỉnh chính sách thuế chỉ là giải pháp tình thế, chỉ có thể áp dụng trong ngắn hạn, vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động cao, khi phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới và chịu sự chi phối từ yếu tố cung - cầu trên thị trường.

Hồi tháng 3 năm 2022, khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI vọt lên mức 130,5 USD/thùng, còn giá dầu Brent ở mức 140USD/thùng, giá dầu thế giới đã bị đẩy lên mức cao nhất trong vòng 14 năm, kể từ năm 2008, kéo theo sự tăng giá của hàng loạt loại hàng hóa và dịch vụ, tạo thành cơn “bão giá” toàn cầu.

“Bão giá” đã đẩy hầu hết các quốc gia vào thế phải căng mình đối phó với sức ép lạm phát, mà trên thực tế, rất nhiều nước, kể cả các nước công nghiệp phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu, đã trải qua kỷ lục lạm phát trong vòng ba, bốn chục năm qua (từ trên 5% đến trên 8%, tùy từng quốc gia) hồi quý 1 và quý 2 năm nay.

Trong thế hội nhập và liên kết toàn cầu sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam không thể “một mình một chợ”, không có cách gì né được cơn “bão giá” này, mà tác động nặng nhất là từ biến động tăng của giá xăng dầu. 

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần (trong đó, giá xăng tăng 13 lần, giảm 4 lần). Cụ thể, giá xăng RON95-III (loại xăng được tiêu dùng nhiều hơn cả, chiếm khoảng 70% lượng xăng bán ra trên thị trường) ở đợt điều chỉnh gần đây nhất (ngày 01/7/2022)  không cao hơn 32.763 đồng/lít (giảm 110 đồng/lít so với giá bán lẻ từ sau đợt điều chỉnh ngày 21/6/2022). Nếu so với giá bán lẻ loại xăng này (không cao hơn 23.295 đồng/lít) ở đợt điều chỉnh cuối cùng của năm 2021 (ngày 25/12/2021), thì qua 6 tháng đầu năm (tính đến đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 01/7/2022), giá xăng RON95-III đã tăng thêm 9.468đ/1 lít (tăng hơn 40%).

Tùy từng doanh nghiệp, nhưng chi phí xăng dầu thường chiếm khoảng từ 25 đến 35% hoặc hơn trong chi phí đầu vào, chưa kể các loại vật tư, vật liệu khác cũng tăng giá do tác động từ giá xăng dầu tăng.

Hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, khó có thể vượt qua “bão giá”, nếu không có sự can thiệp của Nhà nước.

Trong bối cảnh “bão giá”, Nhà nước, với vai trò “thuyền trưởng”,  đã bình tĩnh, tự tin chỉ huy “con tàu” kinh tế Việt Nam vượt “bão”,  theo định hướng từ chiếc “la bàn” của Đảng.

Nhà nước đã sử dụng hiệu quả hai công cụ quan trọng là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mà điển hình là hai đợt giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đợt một thực hiện từ ngày 01/4 đến hết 31/12/2022 và đợt hai từ ngày 11/7 đến hết năm 2022), cùng gói hỗ trợ lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh khi vay vốn ngân hàng thương mại, theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ, và các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Chỉ với riêng hai đợt giảm thuế bảo vệ môi trường từ mặt hàng xăng dầu, theo tính toán của Bộ Tài chính,  ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 32.500 tỷ đồng.

Đổi lại, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã có tác dụng “hạ nhiệt” giá xăng dầu, dẫu không nhiều, trực tiếp giúp san sẻ một phần “gánh nặng” về chi phí đối với doanh nghiệp và người dân, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát… (Hồi tháng 3/2022, khi tính toán phương án giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng nếu giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức như hiện tại (tháng 3/2022) trong 9 tháng còn lại của năm 2022, thì ước tính các biện pháp giảm thuế giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,67%).

Tuy nhiên, điều chỉnh chính sách thuế chỉ là giải pháp tình thế, chỉ có thể áp dụng trong ngắn hạn, vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động cao, khi phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới và chịu sự chi phối từ yếu tố cung - cầu trên thị trường.

Trong “bão giá”, nếu Nhà nước không sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết giá mặt hàng chiến lược xăng dầu, để mặc cho nó chìm nổi theo thị trường không được định hướng, tình hình kinh tế - xã hội chắc chắn phải đối mặt với nguy cơ mất ổn định; doanh nghiệp và người dân chắc chắn gặp nhiều khó khăn hơn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.  

Mặt bằng giá 6 tháng đầu năm 2022 ở nước ta dẫu đã tăng, do phải chịu tác động từ biến động tăng giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là xăng dầu và nguyên vật liệu. Do vậy, CPI bình quân 6 tháng đầu năm đã tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới lâm vào mức lạm phát kỷ lục trong nhiều thập kỷ, và giá cả nhiều mặt hàng như xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, mà chỉ số tăng CPI và lạm phát cơ bản ở nước ta giữ được ở mức như vậy cũng là một cố gắng lớn. Từ đó, có thể thấy khả năng kiềm chế lạm phát năm 2022 từ 4% trở xuống theo mục tiêu Quốc hội đề ra vẫn còn, nếu mức tăng CPI bình quân 6 tháng cuối năm không vượt quá 0,7% một tháng.

Rõ ràng các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế cùng các chính sách về miễn, giãn, giảm thuế, lệ phí đã có tác dụng giảm áp lực lên mặt bằng giá, góp phần quan trọng vào nỗ lực kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Kết quả này đã cho thấy thành công bước đầu trong nỗ lực thực hiện vai trò “thuyền trưởng” của Nhà nước thời “bão giá”.