Bạo lực gia đình: Số liệu từ toà án gấp ba thống kê của Bộ
Số liệu thống kê về bạo lực gia đình cũng như phòng chống bạo lực gia đình được chứng minh là chưa đáng tin cậy
Giai đoạn từ 2012 đến hết 2017 xảy ra 139.395 vụ bạo lực gia đình, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn con số thống kê qua kết quả giám sát.
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008 - 2017 vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Cơ quan giám sát cho biết, theo báo cáo của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm. Trong giai đoạn từ 2008 đến hết 2011, toàn quốc đã xảy ra 152.873 vụ bạo lực gia đình. Giai đoạn từ 2012 đến hết 2017 xảy ra 139.395 vụ bạo lực gia đình. Trong đó bạo lực về thân thể 69.133 vụ, bạo lực về tinh thần 51.227 vụ, bạo lực về kinh tế 14.331 vụ, bạo lực tình dục 4.338 vụ. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỉnh, thành phố có hiện tượng bạo lực, xâm hại trẻ em bởi người thân gia đình.
Theo số liệu tổng hợp của Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an trong năm 2016 và 2017 có 28 tỉnh, thành phố có từ 30 đến 110 trẻ em bị xâm hại, trong đó bị xâm hại bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ…) là 21,3%.
Kết quả giám sát cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của bạo lực gia đình là do bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong xã hội và mỗi gia đình. Nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế cùng với đó là tư tưởng gia trưởng. Cộng đồng, chính quyền, đoàn thể thiếu quan tâm, coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Kinh tế khó khăn đi kèm với tệ nạn xã hội (nghiện rượu, cờ bạc...) cũng được kể đến như một nguyên nhân khác.
Về hạn chế, báo cáo giám sát nêu rõ số liệu thống kê về bạo lực gia đình cũng như phòng chống bạo lực gia đình (các biện pháp bảo vệ hỗ trợ nạn nạn nhân; số lượng cơ sở trợ giúp nạn nhân…) chưa đáng tin cậy, chưa phản ánh đầy đủ thực trạng bạo lực gia đình nên không dự báo được tình hình và khó đưa ra giải pháp hữu hiệu trong quá trình thực thi pháp luật.
Hạn chế thứ hai là còn có sự khác nhau giữa thống kê bạo lực gia đình và số liệu thống kê các vụ việc xét xử của Tòa án nhân dân tối cao về vụ việc hôn nhân gia đình có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch thì trong giai đoạn 2008-2017, toàn quốc đã xảy ra 292.268 vụ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao, từ 1/7/2008 đến 30/9/2017, trong số 1.220.163 vụ ly hôn Tòa đã giải quyết thì có 1.050.687 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình.
Như vậy, theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao thì thực tế vụ việc về bạo lực gia đình sẽ gấp hơn 3 lần so với con số báo cáo của Bộ, cơ quan giám sát nhấn mạnh.
Sự không đáng tin cậy của con số còn ở chỗ khi đoàn giám sát đến làm việc tại xã thì xã không cung cấp được chính xác số lượng vụ việc bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, trong báo cáo của huyện hoặc của tỉnh thì đều có thống kê tương đối đầy đủ số lượng vụ việc và phân loại theo hình thức bạo lực.
Kết quả giám sát cũng cho thấy việc bố trí ngân sách cho lĩnh vực này còn ở mức hạn chế, chủ yếu được lồng ghép, tích hợp thực hiện cùng với hoạt động khác cho nên hoạt động có triển khai nhưng còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao.
Kinh phí chi cho công tác phòng chống bạo lực của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng/năm (chiếm 0.49% trong tổng chi ngân sách nhà nước của Bộ). Năm 2013 Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực đến năm 2020 nhưng đến hết năm 2017 mới bố trí được 1,6 tỷ đồng, năm 2018 chưa được phê duyệt.
Ở địa phương, theo báo cáo của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, đến nay chưa có số liệu thống kê trên toàn quốc do việc chi cho công tác được lồng ghép trong các hoạt động chung của địa phương. Vì vậy, các địa phương không tách được số kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, việc phân bổ ngân sách của các địa phương cho công tác này không đồng đều. Qua công tác giám sát của Ủy ban cho thấy, địa phương nào người đứng đầu quan tâm đến công tác phòng chống bạo lực gia đình thì bố trí ngân sách cho công tác này nhưng vẫn ở mức thấp, chủ yếu chỉ đủ thực hiện một số nội dung tuyên truyền.