15:02 01/01/2021

Bất chấp đại dịch Covid 19, doanh nghiệp Việt ồ ạt đầu tư ra nước ngoài

KIỀU LINH

Bất chấp đại dịch Covid 19 và bất ổn leo thang toàn cầu, vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tăng mạnh trong năm 2020

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt trên 590 triệu USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong đó có 119 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 318 triệu USD, bằng 78,9% so với cùng kỳ và 33 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm 272 triệu USD, tăng gần 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng trong tháng 12/2020, có 5 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và 3 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 99,65 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ 2019.

Một vài dự án doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong dịch bệnh như Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) trong tháng 8 đã nhận được giấy đăng ký đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh lần 1, để rót thêm 41 triệu đô la đầu tư vào Công ty Lao-Jagro Development Xiengkhouang Co., Ltd (Lao-Jagro) tại Lào. Mục đích của đợt tăng vốn là nhằm hoàn thiện một số hạng mục bổ sung của trang trại 4.000 con bò hữu cơ (organics) thứ nhất và đầu tư trang trại bò sữa công nghệ cao quy mô 4.000 con bò cao sản (HF) thứ hai.

Một dự án khác có thể kể đến Công ty TNHH Vonfram Masan - công ty con do Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources) sở hữu 100% vốn, thuộc Tập đoàn Masan cũng hoàn tất giao dịch mua lại toàn bộ nền tảng kinh doanh vonfram từ H.C.Starck Group GmbH (Đức). Đây cũng là một trong những dự án đầu tư ra nước ngoài quy mô thuộc diện lớn nhất kể từ đầu năm đến nay...

Việc doanh nghiệp Việt Nam rót thêm vốn cho các dự án nước ngoài trong bối cảnh đại dịch Covid 19, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài toàn cầu sụt giảm mạnh có thể coi là hiện tượng lạ và rủi ro sẽ rất lớn khi nền kinh tế đầy biến động như hiện nay.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng việc tiếp tục bơm vốn cho thấy doanh nghiệp Việt Nam nhìn thấy cơ hội mở rộng, khai thác ở các thị trường nước ngoài trên cơ sở lợi thế sẵn có của doanh nghiệp. Tận dụng cơ chế ưu đãi của nước sở tại ở thời điểm khó khăn này cũng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam “viễn chinh” thuận lợi, nhất là trong bối cảnh một số ngành nghề trong nước có thể gặp bão hoà.

“Cũng có thể doanh nghiệp cảm nhận được môi trường trong nước còn nhiều rủi ro nên cân nhắc đầu tư phát triển đến một mức độ nào đấy mà an toàn sẽ dừng lại, và mở rộng sang thị trường khác”, một chuyên gia nói với VnEconomy.

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 lĩnh vực. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với 11 dự án cấp mới và 7 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký 228,2 triệu USD, chiếm 38,7% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư 92,6 triệu USD, chiếm 15,7%; tiếp theo là các lĩnh vực tài chính ngân hàng; bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.

Có 29 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong năm 2020. Dẫn đầu là Lào với 4 dự án đầu tư mới và 5 dự án điều chỉnh, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 181,3 triệu USD, chiếm 30,7% tổng vốn đầu tư. Úc đứng thứ hai, với 101,8 triệu USD, chiếm 17,2%. Tiếp theo là Đức, Hoa Kỳ, Myanmar,…