13:57 12/07/2021

Bệnh nhân nhiễm cùng lúc 2 biến chủng Covid, nỗi lo mới trong đại dịch

Bình Minh

Một phụ nữ 90 tuổi đã tử vong sau khi nhiễm 2 biến chủng Covid-19 khác nhau, cho thấy một rủi ro mới trong cuộc chiến chống đại dịch – các nhà nghiên cứu ở Bỉ cho hay...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Brussels Times.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Brussels Times.

Theo hãng tin Bloomberg, trong phân tích đầu tiên được công bố về vấn đề nhiễm cùng lúc nhiều biến chủng Covid trên cùng một bệnh nhân, các nhà khoa học phát hiện thấy rằng nữ bệnh nhân trên nhiễm cả biến chủng Alpha – loại được tìm thấy đầu tiên ở Anh, và biến chủng Beta – loại được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi.

Việc nhiễm hai biến chủng này có thể đến từ hai nguồn lây khác nhau - báo cáo được đưa ra tại hội nghị châu Âu về vi trùng học lâm sàng và bệnh truyền nhiễm (ECCMID 2021) vào hôm thứ Bảy vừa rồi cho biết.

Nữ bệnh nhân đã được chuyển tới một bệnh viện ở Bỉ vào tháng 3 sau khi bị ngã, xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19 trong cùng ngày hôm đó. Người phụ nữ này sống một mình, có dịch vụ chăm sóc tại nhà riêng và chưa được tiêm vaccine ngừa Covid. Các triệu chứng hô hấp của bà ngày càng nặng và 5 ngày sau bà qua đời. Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện bà mắc cả hai biến chủng.

Các nhà nghiên cứu chưa thể trả lời câu hỏi liệu có phải việc nhiễm cùng lúc hai biến chủng Covid khiến bệnh nhân này trở nặng và tử vong nhanh hơn.

Thực ra, nhiễm cùng lúc nhiều biến chủng Covid trên một bệnh nhân không phải là vấn đề hoàn toàn mới.

Hồi tháng 1, các nhà khoa học Anh đã báo cáo hai trường hợp nhiễm bệnh như vậy, nhưng kết quả nghiên cứu chưa được công bố trên tạp chí khoa học. Trước đó, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy bằng chứng về việc một bệnh nhân nhiễm cùng lúc nhiều chủng cúm khác nhau. Những ca bệnh này cho thấy việc nhiễm cùng lúc nhiều biến chủng có thể phổ biến hơn những gì đã biết.

“Việc hiện tượng này xảy ra trên toàn cầu có thể đã bị đánh giá thiếu đầy đủ, do thử nghiệm về những biến chủng đáng quan tâm không được thực hiện rộng rãi và do thiếu một phương thức đơn giản để nhận diện sư đồng nhiễm thông qua giải trình tự gen”, nhà khoa học Anne Vankeerberghen, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc bệnh viện OLV ở Aasst, Bỉ, phát biểu. “Cảnh giác với sự đồng nhiễm cùng lúc nhiều biến chủng vẫn là một việc quan trọng”.

Những trường hợp như vậy đặt ra câu hỏi về việc vaccine có tác dụng bảo vệ như thế nào. Trong bối cảnh biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh hơn hiện đã trở thành biến chủng chủ đạo ở nhiều quốc gia, các hãng dược đang chạy đua thử nghiệm tác dụng của vaccine với các biến chủng khác nhau và tìm cách tạo ra những phiên bản vacine mới có thể mang lại sự bảo vệ tốt hơn. Các quốc gia cũng xem xét liệu có tiêm mũi nhắc lại trong mùa đông năm nay, khi tác dụng của vaccine đã tiêm giảm xuống.