17:49 25/04/2024

Bị tai nạn khi làm việc, người lao động được hưởng những chế độ nào?

Phúc Minh

Sự cố tai nạn lao động là điều không mong muốn, song nếu không may xảy ra người lao động sẽ được đảm bảo một số chế độ như trợ cấp tai nạn lao động; được bồi thường từ phía doanh nghiệp nếu lỗi không hoàn toàn do mình gây ra...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại Yên Bái mới đây, nhiều người lao động quan tâm đến các chi phí, chế độ được hưởng trong thời gian điều trị nếu không may bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc.

THANH TOÁN ĐẦY ĐỦ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Thông tin về vấn đề này, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động đã quy định rất rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, người sử dụng lao động phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động; tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; thanh toán phần chi phí đồng chi trả, và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.

Đồng thời, thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Người sử dụng lao động cũng phải bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra. Mức trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định.

Bên cạnh đó, người lao động bị tai nạn lao động đủ các điều kiện sau đây thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động: Bị tai nạn lao động tại nơi làm việc trong giờ làm việc hoặc ở ngoài nơi làm việc theo sự phân công của người sử dụng lao động; sau khi giám định thương tật mà bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp tai nạn 1 lần, từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng.

Mức trợ cấp tai nạn lao động được tính theo tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề, trước khi nghỉ việc do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động bao gồm: Sổ bảo hiểm xã hội; giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú; biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa; văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.

Cũng theo quy định của pháp luật, với trường hợp người lao động làm những công việc thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành (tại Thông tư 11/2020), thì họ còn được hưởng mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

Tùy thuộc vào từng đối tượng lao động và từng công việc khác nhau mà khoản phụ cấp sẽ khác nhau. Người làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại thì phụ cấp được tăng thêm 5% so với những người làm việc trong điều kiện bình thường. Hiện theo Thông tư 11 có hơn 1.800 nghề thuộc danh mục nặng nhọc độc hại và nguy hiểm.

ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG THEO LUẬT

Bên cạnh các chế độ trợ cấp được hưởng nếu gặp sự cố lao động, theo các chuyên gia, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cũng được đảm bảo quyền lợi về an toàn vệ sinh đã quy định trong luật.

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động. Ảnh: BHXH Việt Nam.
Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động. Ảnh: BHXH Việt Nam.

TS. Đỗ Thị Lan Chi, Phó Trưởng khoa Bảo hộ lao động (Trường Đại học Công đoàn) tại đối thoại về những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động mới đây, cũng cho biết người lao động có các quyền lợi như được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Đồng thời, được trang bị các phương tiện bảo hộ cá nhân. Họ cũng có thể từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương, và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động, khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng, hoặc sức khỏe của mình.

Tuy nhiên, với trường hợp này, người lao động cần báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Ngoài ra, người lao động còn được hưởng một số quyền khác như: Quyền thông tin; được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật…

Khi làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm thì người lao động cần tuân thủ các quy định của pháp luật, của công ty liên quan đến pháp luật, an toàn vệ sinh lao động.

Khi người sử dụng lao động trang bị các phương tiện bảo hộ lao động, các phương tiện bảo vệ cá nhân, thì người lao động cần sử dụng đúng các phương tiện đã được trang bị.

Bên cạnh đó, chuyên gia nhấn mạnh vấn đề ổn định tình trạng tâm lý cũng rất quan trọng. “Vì vậy, khi làm việc tại nơi có nguy cơ rủi ro cao, ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn lao động, trang bị đúng, đủ phương tiện bảo hộ, thì người lao động luôn phải giữ ổn định tình trạng tâm sinh lý, không gây ảnh hưởng đến công việc”, TS. Đỗ Thị Lan Chi khuyến cáo.