16:12 08/05/2017

Bị Trung Quốc “lạnh nhạt”, Triều Tiên chuyển sang thân Nga?

An Huy

Dường như Nga đã sẵn sàng cho việc lấp đầy khoảng trống mà Bắc Kinh để lại ở Triều Tiên

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: Getty/CNN.<br>
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: Getty/CNN.<br>
Có vẻ như Moscow sẽ là người hưởng lợi trong thế bế tắc quan hệ giữa Triều Tiên và cộng đồng quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Giữa lúc quan hệ tốt đẹp lâu năm giữa Trung Quốc và Triều Tiên chuyển xấu dưới sức ép của Mỹ, dường như Nga đã sẵn sàng cho việc lấp đầy khoảng trống mà Bắc Kinh để lại.

“Nước Nga đã lặng lẽ thiết lập nền tảng cho việc tăng cường quan hệ với Triều Tiên, theo đó gia tăng sức mạnh đòn bẩy chính trị toàn cầu của mình phòng khi cần thiết”, hãng tin CNBC dẫn một báo cáo của công ty phân tích thông tin chính trị Stratfor công bố hôm 5/5 cho biết. Báo cáo này cho rằng mối quan hệ được thắt chặt giữa Moscow và Bình Nhưỡng có thể tạo lợi thế cho Nga trong mối quan hệ vốn dĩ đã căng thẳng giữa nước này với phương Tây.

Giữa Nga và Triều Tiên có chung một lịch sử dài về quan hệ kinh tế và chính trị. Vào năm 2014, Nga xóa cho Bình Nhưỡng 90% khoản nợ 11 tỷ USD từ thời Liên Xô. Những dự án gần đây cho thấy một mối quan hệ thậm chí còn nồng ấm hơn giữa hai bên.

Một dịch vụ phà mới giữa Rajin của Triều Tiên và Vladivostok của Nga dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 8/5. Sẽ có khoảng 8 chuyến phà mỗi tháng, vận chuyển tới 200 hành khách và 1.000 tấn hàng mỗi chuyến.

Trước đó, vào tháng 4, hãng tin Reuters nói rằng thiết bị quân sự Nga đã được nhìn thấy khi đang được vận chuyển tới khu vực giữa biên giới nước này với Triều Tiên. Tuy nhiên, điện Kremlin nói việc vận chuyển vũ khí đó chỉ là một phần hoạt động tập trận quân sự đã được lên kế hoạch từ trước.

“Chắc chắn Nga đang có những nỗ lực thực sự nhằm xây dựng quan hệ với Triều Tiên”, nhà phân tích Anthony Rinna thuộc Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Đại học Nottingham, nhận định trong một báo cáo ra hôm 14/4.

“Ý tưởng cho rằng Nga đang một lần nữa vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà bảo trợ quốc tế chính của Trều Tiên rất có khả năng trở thành hiện thực nếu được nhìn qua lăng kính chiến thuật của Triều Tiên thời chiến tranh lạnh, khi nước này đặt Trung Quốc và Liên Xô vào thế đối đầu nhau”, báo cáo nhận xét.

Hồi tháng 3, giới chức Nga và Triều Tiên đã đạt thỏa thuận về tăng cường đưa lao động Triều Tiên sang Nga làm việc. Hàng chục nghìn người Triều Tiên được cho là đang sống và làm việc ở Nga.

Vào tháng 1, quan chức công ty đường sắt quốc doanh Nga Russian Railways đã tới thăm Triều Tiên nhằm đề xuất tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực đường sắt. Kế hoạch bao gồm xây dựng một tuyến đường sắt từ Rajin của Triều Tiên tới Khasan của Nga và một chương trình đào tạo sinh viên Triều Tiên tại các trường đại học của Nga.

Ngoài ra, “khi Trung Quốc gần đây đe dọa cắt xuất khẩu xăng dầu sang Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân thứ sáu, Nga đã phát tín hiệu có thể thay thế một phần nguồn cung bị gián đoạn”, báo cáo của Stratfor cho biết.

Ảnh hưởng mà Moscow có thể có được đối với tình hình Triều Tiên có khả năng mang lại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin một đòn bẩy nhất định với phương Tây. Đòn bẩy này có thể được ông Putin sử dụng khi đương đầu với những cáo buộc cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như vai trò của Moscow trong các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine - Stratfor giải thích.

“Một mình Nga không thể giải quyết được vấn đề Triều Tiên, nhưng Nga có thể có được ảnh hưởng đủ để làm một kẻ phá bĩnh hoặc một đồng minh với bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên”, báo cáo của Stratfor viết.

Mối quan hệ được tăng cường giữa Nga và Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh - đối tác thương mại và đồng minh lớn duy nhất của Bình Nhưỡng - thể hiện một lập trường cứng rắn hơn với nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Sự cứng rắn này được đưa ra theo sự đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người muốn Trung Quốc giúp kiềm chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Đáp trả thái độ cứng rắn hơn của Trung Quốc, bao gồm động thái ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã cáo buộc các chính trị gia Trung Quốc “phản bội”.

Trong một dấu hiệu của sự thay đổi các động lực địa chính trị, Nga đã vươn lên vị trí dẫn đầu danh sách các quốc gia thân thiện với Triều Tiên năm nay theo xếp hạng của Stratfor. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai.

Theo các nhà phân tích của Stratfor, có thể Nga không bao giờ thay thế được hoàn toàn ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên, nhưng Moscow có thể can thiệp vào những biện pháp mà Trung Quốc, Mỹ hoặc các nước đồng minh áp dụng để gây áp lực đối với Bình Nhưỡng, báo cáo nhận định.
“Lợi ích của Nga nằm ở việc duy trì Triều Tiên ở vị trí một quốc gia vùng đệm giữa Nga với Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh với phương Tây”, báo cáo viết.

Ngoài vấn đề đòn bẩy chính trị, còn có những lý do khác khiến Nga quan tâm tới Triều Tiên.

“Mục đích chính của Nga trong quan hệ với Triều Tiên vẫn là mong muốn của Nga về phát triển và đảm bảo an ninh cho vùng Viễn Đông của nước này”, chuyên gia Rinna nhấn mạnh. “Nga xem vị trí địa lý tiếp giáp giữa nước này với Triều Triên là một con đường để tiến ra thị trường toàn cầu rộng lớn hơn”.

Trước đây, chính quyền của Tổng thống Putin từng chỉ trích chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và tham gia vào việc trừng phạt Bình Nhưỡng hồi năm 2014. Tuy nhiên, không rõ liệu Moscow có tiếp tục hướng đi này hay không.

“Cũng như phần còn lại của thế giới, sự phổ biến vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên là một mối lo của Nga, nhất là khi khu vực thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nằm cách Vladivostok chỉ 200 dặm”, Stratfor nhận định.