Biến đổi khí hậu khiến ngành thời trang “nguội” đi?
Các nhà khoa học cho biết ngày càng có nhiều khả năng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất thế giới được ghi nhận, với nhiệt độ tăng cao kéo theo những tác động lớn từ các trung tâm mua sắm đến chuỗi cung ứng…
Trong ít nhất 13 tháng liên tiếp, thế giới đã phải chịu cái nóng kỷ lục. Nhiệt độ tăng cao không chỉ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và gây hại cho sức khỏe mà còn gây ra một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan khác từ giông bão đến hỏa hoạn, hạn hán và lũ lụt.
Trong khi những lời phàn nàn về thời tiết ngột ngạt hiện là chủ đề chính trong các cuộc trò chuyện lớn nhỏ tại các hội nghị, thì tác động thực sự và chi phí tài chính của việc nhiệt độ tăng lên đối với thói quen mua sắm, chuỗi cung ứng và sức khỏe của người lao động điều mà nhiều ngành vẫn chưa giải quyết được.
Trong ngành thời trang, sự biến đổi của thời tiết có tác động đến thói quen mua sắm, khiến các thương hiệu khó quản lý hàng tồn kho và dự đoán cơ cấu hàng hóa hơn. Chúng đe dọa nguồn cung nguyên liệu thô như bông, với những khu vực trồng trọt chính bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và hạn hán trong những năm gần đây. Và chúng cản trở năng suất sản xuất và gây hại cho sức khỏe của người lao động.
Đối với bông, sáu quốc gia sản xuất hàng đầu gồm Ấn Độ, Pakistan, Brazil, Trung Quốc, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ – chịu nhiều rủi ro về khí hậu bất ổn, trong đó Tây Bắc Phi và Tây và Nam Á có nguy cơ cao nhất. Theo một báo cáo của Cotton Incorporated, có khoảng 40% các vùng sản xuất bông sẽ có mùa vụ trồng ngắn hơn vào năm 2040. Tìm nguồn cung ứng các chất liệu vững hơn chỉ là một trong hàng núi thách thức mà ngành công nghiệp thời trang phải đối mặt khi mối đe dọa của biến đổi khí hậu gia tăng theo từng năm.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, Giám đốc điều hành Toni Ruiz của Mango cho biết ngành sản xuất quần áo trước đây hoạt động theo các mùa được phân định rõ ràng, nhưng hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến hãng này phải thích ứng với các giai đoạn đó và tìm cách tạo ra những sản phẩm có thể mặc được trong cả mùa nóng và mùa lạnh.
Trong bối cảnh các quốc gia khác châu Âu trải qua nhiệt độ thời tiết cao hơn trong một số khoảng thời gian trong năm, ông Ruiz nhận xét xu hướng mặc áo khoác sáng màu của phụ nữ là một ví dụ về trang phục chuyển tiếp theo mùa. Mango cũng đang cung cấp quần áo cho nam giới sử dụng loại vải "hiệu suất" thoáng khí hơn và xử lý mồ hôi tốt hơn trong những ngày nắng nóng.
Công nghệ sản xuất vải hiện đại đã tạo ra những loại quần áo với khả năng thay đổi màu sắc, chặn ánh sáng mặt trời, thu thập các dữ liệu y tế hay thậm chí là hiển thị những thông báo tùy chỉnh… Đặc biệt, những năm vừa qua, cụm từ “vải làm mát” đang dần trở nên quen thuộc đối với ngành thời trang, thôi thúc các hãng sản xuất quần áo, đặc biệt là quần áo thể thao, nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm mới giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, đem lại cảm giác thoáng mát ngay trong thời tiết bức bối và cường độ vận động cao.
Vào năm 2020, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford (Hoa Kỳ) và Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) đã thử thay đổi một vài mảnh lụa để làm cho nó phản xạ đến 95% ánh nắng mặt trời, bằng cách bổ sung các hạt nano oxit nhôm vào các sợi tơ vải. Đây là loại hạt nano có thể phản xạ các bước sóng cực tím, giữ cho da mát hơn khoảng 12,5°C so với quần áo bằng vải cotton. Trước đó một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Graphene Quốc gia của Đại học Manchester cũng đã tạo ra loại vải dệt thông minh để tạo sự thích ứng nhiệt bằng cách tận dụng bức xạ hồng ngoại của graphene (một dạng carbon)…
Đây mới chỉ là một vài bước tiến nhỏ của ngành thời trang, nếu tính đến việc nhiệt độ tăng cao và lũ lụt ở một số quốc gia sản xuất chủ chốt có thể làm giảm thu nhập xuất khẩu của ngành may mặc tới 65 tỷ USD vào năm 2030. Nắng nóng cũng có hể cản trở việc tạo ra một triệu việc làm và ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận hoạt động của các thương hiệu bị ảnh hưởng, theo một nghiên cứu của Viện Lao động Toàn cầu của Đại học Cornell và công ty đầu tư Schroders công bố năm ngoái.
Dù vậy, trong bối cảnh có nhiều báo cáo kinh doanh được công bố trong tháng qua, thời tiết hầu như không nằm trong chương trình nghị sự. Thay vào đó, các giám đốc điều hành tập trung vào mong muốn đối phó với niềm tin đang suy giảm của người tiêu dùng, những biến động địa chính trị và đặt ra kế hoạch để vượt qua thị trường nửa cuối năm đầy bất ổn.
Theo các chuyên gia của The Business of Fashion, việc kiểm soát tương lai của ngành đòi hỏi sự kết hợp giữa hành động phòng ngừa và thích ứng. Khi mà ngày càng nhiều hãng thời trang đưa ra cam kết hạn chế lượng khí thải làm hành tinh nóng lên, sự thật là lượng khí thải carbon của ngành vẫn tăng. Vấn đề đặt ra lúc này là rất cần sự thay đổi ở cấp độ vĩ mô của ngành Công nghiệp thời trang, trước tiên có thể bắt đầu từ các nhà bán lẻ với giải pháp tìm nguồn nguyên liệu bền vững và khử carbon trong chuỗi cung ứng của mình.
Một loạt các giải pháp cụ thể được đưa ra như: chuyển sang các loại vải có thể tái chế như bông hoặc những loại tiêu thụ ít nước hơn như vải lanh; nên bắt đầu sử dụng sợi tự nhiên hoặc bán tổng hợp để giảm thiểu chất thải dệt may; cần có giờ làm việc tối ưu, điều kiện làm việc lành mạnh và không gian an toàn cho người lao động; các thương hiệu thời trang cần cam kết chuyển sang thương hiệu bền vững; tái chế hoặc quyên góp quần áo thay vì bỏ chúng vào thùng rác.
Nhưng điều này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp phải đầu tư tốn kém để tăng cường khả năng phục hồi khí hậu trong chuỗi cung ứng và trang bị thêm hệ thống làm mát cho các nhà máy. Chuỗi cung ứng và quản lý hàng tồn kho thông minh và linh hoạt sẽ giúp các thương hiệu giải quyết những gián đoạn liên quan đến thời tiết và nhu cầu tiêu dùng không ổn định, đồng thời có những cơ hội thị trường tiềm năng cho quần áo chống nắng và làm mát.
Ngoài ra còn có các bước tương đối đơn giản có thể tạo ra sự khác biệt ngay lập tức, bao gồm cung cấp cho người lao động đủ thời gian để nghỉ giải lao, tiếp cận nước uống và khu vực mát mẻ để nghỉ ngơi.
Tháng trước, Liên Hợp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi hành động đầu tiên về tình trạng nắng nóng cực độ, cho thấy mức độ cấp bách ngày càng tăng của vấn đề này. Nó được đưa ra cùng với một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu hiện có nguy cơ gặp phải tình trạng nắng nóng cực độ. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết: “Sức nóng đang gia tăng. Thế giới phải đối mặt với thách thức của nhiệt độ tăng cao”.