Bình Phước: Cảnh báo về việc lập vi bằng mua bán nhà ở xã hội
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước, trên địa bàn tỉnh có hiện tượng người dân thực hiện mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng. Vì vậy để tránh rủi ro, trước khi thực hiện giao dịch, khách hàng cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ thông tin về tính pháp lý của dự án…
Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước vừa cảnh báo về việc lập vi bằng mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn. Theo Sở này, trên địa bàn tỉnh có hiện tượng người dân thực hiện mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng. Do đó, Sở Xây dựng công khai một số nội dung:
Việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội được quy định tại Điều 19 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Với quy định này, người thuê nhà ở xã hội không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian thuê nhà theo hợp đồng đã ký với bên cho thuê.
Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội, thì chỉ được bán lại cho Nhà nước hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở. Thế nên việc mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành.
Để tránh rủi ro, Sở Xây dựng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao dịch về nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trước khi thực hiện giao dịch cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ thông tin về tính pháp lý của dự án.
Sở này cũng thông tin, theo Đề án phát triển nhà ở xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, có hơn 156.000 người có nhu cầu nhà ở xã hội. Giai đoạn 2022-2030, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với diện tích khoảng 173 ha, tập trung ở các địa bàn Đồng Xoài (02 dự án), Chơn Thành (04 dự án), Đồng Phú (09 dự án), Hớn Quản (02 dự án), Lộc Ninh (01 dự án). Qua đó sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 133.000 người.
Chia sẻ thêm về công tác này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ xem đây là nhiệm vụ cấp bách để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Liên quan đến phát triển nhà ở xã hội ở Bình Phước, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có góp ý, tỉnh cần rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở, và công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
Bên cạnh đó, phải sớm lập, phê duyệt, công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia. Đối với dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, tỉnh cần khẩn trương thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư để triển khai dự án.