Bộ Giao thông vận tải tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công tối thiểu 96% "chặng nước rút"
Thời điểm chốt số liệu giải ngân năm 2021 đang đến gần, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các đơn vị phải triển khai mọi giải pháp để đảm bảo giải ngân cả năm đạt tối thiểu 96%...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký văn bản đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.
"Đến nay, còn nhiều đơn vị chưa giải ngân hết kế hoạch đầu tư công năm 2021 và có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả Bộ, tiềm ẩn nguy cơ không đáp ứng yêu cầu giải ngân kế hoạch vốn năm 2021", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch - Đầu tư gần đây, bên cạnh các đơn vị có kết quả giải ngân tốt, tính đến hết tháng 12/2021, một số đơn vị vẫn có kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu, thấp hơn mức trung bình chung của Bộ (85,6%).
Cụ thể, Ban Quản lý dự án 2 đạt 65%, phần vốn chưa giải nân tập trung chủ yếu ở các dự án ODA do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và vướng cơ chế trong giải ngân phần vốn kế hoạch nước ngoài.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đạt 76,6%, còn phải giải ngân 891 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án Đường thủy đạt 79,4%, còn phải giải ngân 188 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án 85 đạt 81,7%, còn phải giải ngân 388 tỷ đồng.
Sở Giao thông vận tải Cà Mau đạt 62,8%, còn phải giải ngân 83 tỷ đồng. Sở Giao thông vận tải Kon Tum mới đạt 67%, phải đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán 105 tỷ đồng. Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đạt 79,2%, còn phải giải ngân 62 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu giải ngân tối thiểu 96% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đẩy mạnh giải ngân, báo cáo rõ nguyên nhân nếu không giải ngân hết kế hoạch.
Đối với công tác chi trả giải phóng mặt bằng, phải đẩy nhanh thủ tục để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch.
"Trường hợp địa phương không thể hoàn thiện thủ tục để chi trả hết trong năm kế hoạch, thực hiện điều chỉnh cơ cấu phân khai kế hoạch số vốn dự kiến chi trả giải phóng mặt bằng không giải ngân hết, để tiếp tục giải ngân khối lượng các hạng mục xây lắp đã thi công hoàn thành trong năm 2021, đủ điều kiện thanh toán nhưng hết kế hoạch", Bộ Giao thông vận tải đề nghị.
Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án có trách nhiệm đẩy nhanh thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng các hạng mục đã thi công hoàn thành trong năm 2021 để thanh toán trước 31/1/2022.
Các đơn vị phải triển khai mọi giải pháp để đảm bảo giải ngân theo kế hoạch cam kết. Người đứng đầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc giải ngân không đạt kế hoạch năm 2021.
Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, năm 2021, tổng kế hoạch vốn của Bộ là 43.201 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 12/2021, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được gần 37.171 tỷ đồng, đạt 85,6% kế hoạch.
Để kết quả giải ngân kế hoạch cả năm đạt tối thiểu 96% đáp ứng mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 63 của Chính phủ, tới hết tháng 1/2022, Bộ phải tiếp tục giải ngân tối thiểu hơn 4.400 tỷ đồng.