Bộ Nội vụ nêu 5 trường hợp không được thực hiện tinh giản biên chế
Một số Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng, Bộ Nội vụ đã yêu cầu báo cáo, giải trình và đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp này...
Bộ Nội vụ cho biết trong thời gian qua, Bộ này nhận được báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế của các Bộ, ngành, địa phương để kiểm tra theo quy định.
Qua kiểm tra kết quả thực hiện tinh giản biên chế, có một số Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng nên Bộ Nội vụ đã phải yêu cầu báo cáo, giải trình và đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp này.
Theo đó, có 5 nhóm đối tượng không được thực hiện tinh giản biên chế, gồm: Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà vẫn bố trí vào làm công chức, viên chức hoặc cán bộ cấp xã; công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn đề nghị giải quyết tinh giản biên chế; công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đề nghị giải quyết tinh giản biên chế nhưng vẫn được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định.
Nhóm chưa đủ thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để tinh giản biên chế ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường; công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng không làm rõ được việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Do vậy, để tránh trường hợp phải khắc phục việc giải quyết tinh giản biên chế không đúng quy định, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện tinh giản biên chế đúng đối tượng, áp dụng đúng chế độ, chính sách tinh giản biên chế và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến hết tháng 6/2022, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ- CP của Chính phủ ở các Bộ, ngành, địa phương là 78.234 người (chiếm tỷ lệ 22,6% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021); trong đó, các Bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.
Số liệu thống kê cho thấy, số lượng công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 được giao là 247.722 biên chế (Bộ, ngành Trung ương là 106.890; địa phương là 140.832), giảm 27.530 biên chế.
Trong đó, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%; biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm được 11,67%; công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015, như vậy tính chung cả nước đã đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.
Vấn đề tinh giản biên chế cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà hôm 4/11. Theo các đại biểu, việc tinh giản biên chế chủ yếu là giảm cơ học về số lượng, chưa thực sự gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận, dù nỗ lực vượt bậc trong việc tinh gọn bộ máy, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, song cũng có tình trạng cào bằng, giảm theo hướng cơ học ở một vài nơi.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu và sắp xếp lại bộ máy; tập trung hoàn thiện xong vị trí việc làm, khung năng lực của vị trí việc làm để xác định rõ biên chế của các cơ quan, đơn vị hành chính cũng như cơ quan, đơn vị sự nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính để số người không nhiều nhưng vẫn phải đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.