Bộ trưởng Công Thương: Việt Nam không còn là thiên đường cho ngành công nghiệp thâm dụng lao động, đất đai
Tuy nhiên đến thời điểm này, Việt Nam không còn là thiên đường cho các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai...
Chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn nhiều nhóm vấn đề liên quan đến ngành công thương.
Theo đó, trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, về ngành dệt may, da giày nước ta hiện đang lệ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết đây là xu hướng nước ngoài đang chuyển dịch các ngành này sang nước khác.
Sản phẩm của ngành dệt may, da giày trong khoảng 10 năm qua luôn chiếm tỉ trọng trong cơ cấu xuất khẩu lớn trong các hàng xuất khẩu của nước ta, đồng thời đóng góp cho tăng trưởng giá trị xuất khẩu, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động… Tuy nhiên đến thời điểm này, Việt Nam không còn là thiên đường cho các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận thấy việc các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp dệt may, da giày chuyển dịch sang các nước khác là điều dễ hiểu. Tất cả các ngành sản xuất của Việt Nam đều phải đặt mục tiêu làm chủ nhiều hơn về việc cung ứng nguyên liệu.
Vì vậy, Bộ Công thương nêu rõ trong lĩnh vực công thương có 4 quy hoạch ngành quốc gia (gồm quy hoạch về năng lượng, về điện, xăng dầu khí đốt quốc gia và quy hoạch về khai thác, chế biến khoáng sản...) sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu để phục vụ nhu cầu sản xuất là rất lớn, đồng thời đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Vì vậy, trong tương lai, ngoài ngành dệt may và da giày, tất cả các ngành sản xuất khác phải khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ bằng cách khai thác các tài nguyên khoáng sản tại chỗ, từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu, nâng giá trị sản phẩm xuất khẩu, chứ không chỉ tạo ra giá trị gia công như hiện nay.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, về thời gian khi nào Bộ chỉ số FTA Index được ban hành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ Bộ Công thương đang xây dựng Bộ chỉ số FTA Index, dự kiến cuối quý 3 đầu quý 4 năm nay sẽ được ban hành. Hiện đang trong giai đoạn lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động và các bộ ngành, cơ quan liên quan.
Đồng thời Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định Bộ chỉ số này không giống với bộ chỉ số của VCCI ban hành vì trùng thì sẽ không làm. Bộ Công thương mong muốn các đại biểu quan tâm và góp ý về Bộ chỉ số này. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công thương sẽ tiếp thu, lắng nghe ý kiến và cố gắng hoàn thiện Bộ chỉ số FTA Index trong thời gian sớm nhất.
Về các Hiệp định thương mại tự do, Bộ trưởng cho biết để hội nhập thành công, không phải chúng ta đo đếm số lượng các hiệp định đã ký mà là doanh nghiệp Việt nam tham gia quá trình sản xuất, cung ứng toàn cầu được bao nhiêu? Để nâng tỷ trọng khai thác hiệu quả các hiệp định doanh nghiệp trong nước, một mặt cần nâng sức khỏe doanh nghiệp trong nước, mặt khác cần thu hút đầu tư nước ngoài; rà soát lại các cơ chế, chỉ ưu tiên thu hút đầu tư với các doanh nghiệp chỉ có trình độ công nghệ cao, ưu tiên các doanh nghiệp có cam kết lan tỏa.
Đối với vấn đề các doanh nghiệp bị khởi kiện trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng nêu rõ cho đến thời điểm này, hàng hóa của Việt Nam đã bị các đối tác khởi kiện là 247 vụ.
Nguyên nhân là do chúng ta tận dụng lợi thế của các Hiệp định tự do để mở rộng xuất khẩu; việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực cũng khiến nước ta trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với các nước khác thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại; một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ các ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết. Bộ đã chủ động phối với với các bộ, ngành, địa phương, ngành hàng, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại.