12:14 19/07/2022

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Quản lý có lúc phải đi đầu dẫn dắt, có lúc phải lùi về sau để thúc đẩy phát triển

Đỗ Phong

Bộ Thông tin và Truyền thông trong mấy năm qua đã khởi xướng nhiều cái mới, đã đi đầu, trực tiếp tham gia làm để khởi động những cái mới của ngành. Nay, đa số những định hướng mới đã thành nhận thức của xã hội, của chính quyền các cấp, nhà nhà, ngành ngành bắt đầu làm, thì Bộ phải lui về sau để làm những việc đảm bảo cho sự phát triển được nhanh và bền vững…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Nhấn mạnh điều này tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra chiều ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên bố chuyển trọng tâm từ phía trước sang phía sau.

Đó là làm thể chế, các qui định, hướng dẫn; làm các công cụ số, nền tảng làm việc số, trợ lý ảo để hỗ trợ; các hệ thống đo lường, giám sát trực tuyến; làm để chứng minh nguyên lý thay vì làm cả. Cùng với đó là đào tạo kỹ năng số cho công viên chức và người dân, tổ chức các tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ đến từng hộ đình.

3 CHIẾN LƯỢC LỚN VỀ CHÍNH PHỦ SỐ, KINH TẾ SỐ VÀ BƯU CHÍNH

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho biết, 6 tháng qua, ngành có 3 chiến lược quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đó là các chiến lược về bưu chính, về chính phủ số và về kinh tế số.

Chiến lược về bưu chính là sự tăng trưởng nhanh của bưu chính để 5 năm nữa bưu chính có thể to như viễn thông, là sử dụng công nghệ số mạnh mẽ trong hoạt động bưu chính, là khẳng định vai trò của hạ tầng bưu chính là hạ tầng logistics đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh hạ tầng viễn thông đảm bảo dòng chảy dữ liệu.

Chiến lược về chính phủ số là khẳng định kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử với 100% dịch vụ công đủ điều kiện thì đưa lên trực tuyến, là bắt đầu của giai đoạn chuyển đổi số chính phủ, bắt đầu của giai đoạn các dịch vụ số, là giai đoạn thay đổi cách vận hành của chính phủ dựa trên dữ liệu, dựa trên các công nghệ số, là chuyển đổi số để giải quyết các bài toán thiên niên kỷ.

Chiến lược kinh tế số khẳng định kinh tế số là động lực tăng trưởng mới, là sự chuyển đổi từ 80% kinh tế số dựa trên ICT thành 80% dựa trên kinh tế số ngành, là sự nhấn mạnh vai trò của các nền tảng số Việt Nam, sự thay đổi thể chế để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, Bộ trưởng nói.

HOÀN THIỆN PHÁP LÝ CÁC LĨNH VỰC NỀN TẢNG CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ, PHÁT TRIỂN SỐ

Bộ trưởng cũng cho biết, từ năm 2022, ngành Thông tin và Truyền thông bắt đầu sửa khá nhiều luật liên quan đến lĩnh vực số như luật về Giao dịch điện tử, Công nghiệp công nghệ số, Tần số, Viễn thông. Đây là các lĩnh vực nền tảng cho chuyển đổi số, cho sự phát triển số.

Theo đó, Luật Giao dịch điện tử nhằm hợp pháp hóa các giao dịch trên môi trường mạng, tạo ra một ánh xạ 1-1 từ các giao dịch trong môi trường thực vào môi trường số. Luật Giao dịch điện tử đã 17 năm, lĩnh vực đã có nhiều thay đổi lớn, nên việc sửa luật là cần thiết. Cách tiếp cận của luật là tạo ra các building blocks cho việc chuyển đổi này để các ngành, các lĩnh vực dễ dàng quy định các giao dịch trên môi trường mạng của mình.

Đối với Luật Công nghiệp công nghệ số là sự chuyển đổi mang tính cách mạng từ lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin sang công nghiệp công nghệ số. Công nghệ số còn được gọi là công nghệ thông tin mới, mà chủ yếu là sự bổ sung nhóm công nghệ số của cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhưng chính nhóm công nghệ số này lại tạo ra sự thay đổi căn bản cho lĩnh vực công nghệ thông tin. Cùng với đó sự thay đổi cũng rất quan trọng là chủ trương Make in Viet Nam trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tức là tự lực, tự cường Việt Nam.

Với Luật Viễn thông, sự thay đổi căn bản là chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ hạ tầng liên lạc sang hạ tầng của nền kinh tế số. Các hạ tầng mới là hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, hạ tầng nền tảng số…

Bộ trưởng thông tin thêm, trong năm 2022, nhiều nghị định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới (như mạng xã hội, phát thanh truyền hình OTT, quảng cáo) cũng sẽ được ban hành. Quản lý các nền tảng xuyên biên giới là một thách thức toàn cầu. Việc thiếu thể chế quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng, hay là sự bảo hộ ngược giữa các nền tảng số trong nước và nước ngoài.

"Các nghị định mới này để thực hiện một nguyên lý rất căn bản là doanh nghiệp làm ăn ở đâu thì phải theo pháp luật ở đó; nói rộng ra là sự bảo vệ chủ quyền số quốc gia", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

 
Báo cáo kết quả hoạt động của ngành thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm:
Tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 1.833.162 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ 2021 (1.568.141 tỷ đồng). Lợi nhuận toàn ngành ước đạt 137.276 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ 2021 (121.193 tỷ đồng). Nộp ngân sách nhà nước 60.883 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ 2021; đóng góp vào GDP là 461.900 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ (398.827 tỷ đồng).
  • Doanh thu bưu chính: gần 27 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ
  • Doanh thu dịch vụ viễn thông: hơn 71 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2021; tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2020.
  • Doanh thu an toàn thông tin mạng: 1.418 tỷ đồng, tăng 48,8% so cùng kỳ.
  • Doanh thu công nghiệp CNTT: ước đạt 72,5 tỷ USD, tăng 17,8% so cùng kỳ.