18:29 06/07/2023

Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng

Phan Dương

So với 6 tháng cuối năm 2022, số dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới chỉ bằng 29,41%; lượng giao dịch thành công chỉ bằng 36,13%..

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

"Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng. Đồng thời, thị trường này vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ…”, báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2023, công bố ngày 6/7 cho biết.

Cụ thể, về nhà ở thương mại, trong 6 tháng qua, cả nước mới hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 06 tháng cuối 2022. Hiện đang triển khai xây dựng 659 dự án, tương đương 60,4% so với 06 tháng cuối 2022; Số lượng dự án được cấp phép mới là 23 dự án, đạt 29,41% so với 06 tháng cuối 2022 và có 30 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, bằng 37,5% so với 06 tháng cuối năm 2022.

Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, có 56 dự án với 25.368 căn đang được triển khai trên cả nước, gồm: 20.470 căn hộ du lịch, 4.616 căn biệt thự du lịch và 282 căn văn phòng kết hợp lưu trú. Số lượng dự án đang triển khai ở phân khúc này chỉ bằng 44,4% quý 4/2022; chỉ có 1 dự án được cấp phép mới, bằng 25% so với quý 4/2022.

Về lượng giao dịch, trong 6 tháng đầu năm, tổng cộng có khoảng 187.000 giao dịch thành công, giảm tới 63,87% so với 06 tháng cuối năm 2022, chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền. Tính riêng lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ thì đạt 40,69% so với nửa cuối năm qua.

Về giá bán, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết đang có xu hướng giảm. Cụ thể, giá chung cư tại các địa phương giảm từ 2-6%, nhà ở riêng lẻ giảm từ 6-10%, đất nền tại các dự án giảm từ 8 -11%... so với cuối năm trước.

Thị trường trầm lắng cũng khiến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Từ đó, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn, phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án, cắt giảm lao động...

Ngoài ra, việc lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, làm chi phí của doanh nghiệp tăng cao gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2023 đã có 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới giảm trên 50% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới của doanh nghiệp ngày càng giảm mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với UBND các thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Nai và một số doanh nghiệp bất động sản để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản trên địa bàn.

Tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 108 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 168 dự án bất động sản. 108 văn bản này đã được Tổ công tác nghiên cứu, rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc gửi đến cơ quan có thẩm quyền xử lý...

 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 09 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến nay, trên cả nước đã thực hiện giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.