Bốn vấn đề đặt ra với Viettel để dẫn dắt công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel về Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 3/8, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định Viettel có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Là doanh nghiệp đầu tiên Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án tới làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Viettel trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; khẳng định, Viettel là một minh chứng điển hình cho vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một doanh nghiệp có khát vọng lớn, mở rộng không ngừng, bắt nhịp cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để vươn lên mạnh mẽ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Trần Tuấn Anh mong muốn được lắng nghe báo cáo trực tiếp của các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là của Tập đoàn Viettel về 4 vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian qua; những kiến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách phù hợp trong bối cảnh mới.
Thứ hai, quan điểm của Tập đoàn Viettel về xác định các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn trong thời gian tới; cũng như đề xuất các cơ chế, chính sách xác định các doanh nghiệp dẫn dắt nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước để thực hiện vai trò dẫn dắt công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong các lĩnh vực; các đề xuất để cụ thể hóa chủ trương về tăng cường liên kết giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng; cần những cơ chế, chính sách, tiếp cận và hỗ trợ thế nào để phát huy hiệu quả thực chất và nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay; những vấn đề cần quyết sách chính trị của Ban chấp hành Trung ương để tháo gỡ hoặc định hướng phát triển trong thời gian tới…
Thứ ba, vai trò dẫn dắt của Tập đoàn Viettel đối với nhiệm vụ “Phát triển Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử của Việt Nam trong quá trình CNH, HĐH tới đây như thế nào? Chính sách nào để phát triển doanh nghiệp dân tộc ra sao?”.
Thứ tư, nếu mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới của nước ta là “Mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi với sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bao trùm” thì cần thêm, bớt thành tố gì hoặc cần thay đổi thế nào? Luận cứ cho những đề xuất là gì? Nội dung cốt lõi của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới như thế nào? Các thành tố chính trong mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 là gì? Tầm nhìn đến năm 2045 ra sao? Các mục tiêu/chỉ tiêu cụ thể cần nêu trong Nghị quyết tới sẽ thế nào?
Đồng chí Trần Tuấn Anh tin tưởng rằng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Viettel sẽ là đơn vị tiên phong đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ đó, lan toả ra các lĩnh vực; đóng vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt trong ngành viễn thông - công nghệ thông tin ở Việt Nam, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng chí cho rằng, các ý kiến đã có sự thống nhất cao và đều khẳng định rằng trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ cùng với việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do, nhất là những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (RCEP, CPTPP, EVFTA) cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới rõ ràng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới; xác định nội dung cốt lõi của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới...
Cũng trong Chương trình làm việc với Tập đoàn Viettel, đồng chí Trần Tuấn Anh và đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.