17:32 03/10/2024

Bốn vướng mắc của các nhà thầu xây dựng

Phan Nam

Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có báo cáo Chính phủ, nêu rõ 4 vướng mắc của các nhà thầu xây dựng tại các công trình trọng điểm quốc gia và đề xuất giải pháp tháo gỡ...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của nhiều Bộ ngành, địa phương, đơn vị, nhà thầu…, tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia được đẩy mạnh để sớm đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các nhà thầu vẫn phải đối mặt với nhiều bất cập, vướng mắc về pháp lý và cơ chế vận hành.

KỲ VỌNG ĐỐI MỚI TOÀN DIỆN HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHI PHÍ

Thứ nhất là “vướng” về các cơ chế liên quan đến việc giao nhà thầu quản lý, khai thác các mỏ vật liệu.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có cơ chế đặc thù giao các nhà thầu quản lý, khai thác các mỏ vật liệu để phục vụ các dự án trọng điểm và cũng nêu rõ trách nhiệm của một số Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ các khó khăn liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm để hỗ trợ các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Tuy  nhiên, đến nay một số nhà thầu được giao mỏ vật liệu san lấp vẫn còn vướng mắc, lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục mở mỏ, liên quan đến quy hoạch, cấp phép mỏ, xác định trữ lượng thực tế được thanh toán, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng khu vực mỏ.

Việc phối hợp giữa cơ quan chức năng địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu trong việc thoả thuận về giá chuyển nhượng, thuê đất với chủ sở hữu mỏ còn khó khăn, thiếu các hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định, hạch toán các chi phí mở mỏ và xác định được chính xác giá vật liệu đến công trình xây dựng.

Để khắc phục vấn đề này, VACC kiến nghị UBND tỉnh - nơi có mỏ vật liệu san lấp, giao các Sở ngành liên quan xây dựng cơ chế giao, mở mỏ và quản lý khai thác mỏ vật liệu khi giao cho các nhà thầu. Đối với việc đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực mỏ vật liệu, có hướng dẫn cụ thể cho nhà thầu áp dụng. Các khoản thuế, phí sử dụng khai thác mỏ phải được xác định cụ thể trên cơ sở rà soát, điều chỉnh hồ sơ khảo sát về trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác vật liệu của mỏ…

Thứ hai, vướng về cơ chế thanh quyết toán.

Các dự án trọng điểm quốc gia hiện nay đều là các dự án đầu tư công nên việc thanh toán đều dựa trên cơ sở hệ thống đơn giá định mức do Nhà nước ban hành và các quy định trong Luật xây dựng, Luật đầu tư, Luật đấu thầu.

"Mặc dù Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã rất cố gắng cập nhật, bổ sung hệ thống định mức đơn giá theo yêu cầu của thị trường, song do công nghệ, vật liệu xây dựng luôn đổi mới nên hệ thống định mức, đơn giá chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt là các định mức chuyên ngành như định mức về cầu dây văng, về khoan cọc nhồi… Ngoài ra, bộ đơn giá xây dựng của địa phương (nơi có công trình) công bố để áp dụng thường thấp hơn giá thật khoảng 10 -15%. Đơn giá nhân công cũng chỉ bằng 60% - 70% tiền lương thực tế mà nhà thầu phải trả", VACC cho biết.

Trước thực tế trên, đơn vị này kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục khẩn trương rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống định mức áp dụng cho các dự án, công trình trọng điểm. Đồng thời, chuẩn bị cho các định mức mà trong tương lai gần, chúng ta phải áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đổi mới toàn diện hệ thống quản lý chi phí, không ban hành định mức dự toán chi tiết như hiện nay mà xây dựng hệ thống định mức – đơn giá tổng hợp để xác định giá gói thầu, tổng dự toán, tổng mức đầu tư. Đặc biệt, Nhà nước cần từng bước xoá bỏ cơ chế 2 giá trong ngành xây dựng (giá công trình vốn nhà nước và công trình vốn ngoài nhà nước).

Mặt khác, trong lĩnh vực xây dựng nói chung, hiện vẫn tồn tại sự thiếu bình đẳng giữa các chủ thể hợp đồng; thủ tục điều chỉnh hợp đồng, thanh toán khối lượng cũng phát sinh còn nhiều rắc rối, phức tạp. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư tạm giữ một phần thanh toán gói thầu của các nhà thầu để chờ quyết toán dự án, mà thời gian chờ đợi quyết toán có khi lên đến hàng chục năm như gói thầu đường 5 của Tổng công ty 319 bị giữ 27 tỷ trong khi giá trị gói thầu có 300 tỷ.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc đảm bảo sự bình đẳng giữa bên giao thầu và bên nhận thầu, đặc biệt là về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng.

MONG THOÁT KHỎI CẢNH NỢ ĐỌNG

VACC còn “cầu cứu” Chính phủ giúp các nhà thầu thoát khỏi cảnh nợ đọng xây dựng (do các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách chây ỳ trong thanh toán) bằng biện pháp: phần 20% cuối cùng của hợp đồng, các chủ đầu tư phải có bảo lãnh hoặc chí ít cũng phải có xác nhận khối lượng hoàn thành của chủ đầu tư mới được nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng. Việc giữ lại nghĩa vụ bảo lãnh chỉ thực hiện ở lần thanh toán cuối cùng. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về quy trình xác định và thanh toán khối lượng phát sinh gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư và tư vấn.     

Về mức tạm ứng, VACC kiến nghị tăng từ 10% lên 15% - 20% đối với các gói thầu phải nhập khẩu các vật tư…

Thứ ba, vướng mắc về tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo VACC, đặc thù của ngành xây dựng đòi hỏi các nhà thầu phải chuẩn bị trước vật tư, vật liệu sử dụng cho công trình với giá trị lớn, mà chỉ được tạm ứng 10% . Trong khi đó, nhìn chung, điều kiện vốn pháp định của doanh nghiệp xây dựng còn hạn chế. Vì vậy, việc tiếp cận sử dụng nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại là nhu cầu chung của tất cả các doanh nghiệp xây dựng. Tuy nhiên, do mức lãi suất vay vốn trung hạn còn cao, các thủ tục ký quỹ, đảm bảo vốn vay còn phức tạp nên nhiều nhà thầu gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Với vấn đề ngày, Hiệp hội kiến nghị bổ sung quy định về thủ tục ký quỹ, tài sản đảm bảo trong các giao dịch của nhà thầu với ngân hàng bằng hợp đồng xây dựng đã ký với các chủ đầu tư, giá trị khối lượng xây dựng hoàn thành được nghiệm thu hoặc giá trị mà chủ đầu tư chưa thanh toán cho nhà thầu làm tài sản thế chấp vay vốn. Đồng thời, được áp dụng lãi suất vay ngắn 4%/năm đối với các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, đề nghị ngân hàng rà soát lại một số quy định về hạn mức và mức phí của các loại bảo lãnh trong quá trình thực hiện hợp đồng của các nhà thầu xây dựng.

Thứ tư là khó khăn về nhân lực.

70% lao động ngành xây dựng là lao động nông nhàn nhưng hiện nay, toàn bộ các công ty xây dựng đều rất khó tuyển lao động, vì sau Covid 19 và mưa bão, lao động nông nhàn đều muốn làm việc gần nhà, trong các khu công nghiệp.

Vì vậy, theo VACC, cần có cơ chế khuyến khích lực lượng lao động nông nhàn bằng việc không thu thuế thu nhập cá nhân đối với lao động ngắn hạn để động viên người lao động gắn bó với công trình; Tổ chức lại hệ thống các trường nghề theo phương thức xã hội hoá, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng lớn đứng ra chủ trì.

“Trong bối cảnh chúng ta đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng để tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất chuẩn bị xây dựng hệ thống đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao với quy mô dự kiến gần 70 tỷ USD. Việc quan tâm, củng cố, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xây dựng là việc làm cần thiết”,  ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC nhận định.