06:00 17/04/2023

Bức tranh điều hành kinh tế cấp tỉnh 2022: Vẫn còn những “mảng tối”

Song Hà

Xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng chính quyền các tỉnh, thành phố cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi...

Quảng Ninh là điển hình tốt trong xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến huyện
Quảng Ninh là điển hình tốt trong xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến huyện

Báo cáo “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam 2022” thực hiện khảo sát với trên 8.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố, trên 2.000 doanh nghiệp mới thành lập, gần 1.300 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.

Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình phục hồi và tăng trưởng sau năm 2022. Tuy nhiên, thời gian qua, chính quyền Trung ương và địa phương đã rất chủ động trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Nhờ đó, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh có sự cải thiện. 89% doanh nghiệp đồng ý “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 87% doanh nghiệp cho rằng “cán bộ thân thiện”; 82% doanh nghiệp đồng tình với nhận định “doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục”.

Với các nhận định “thủ tục giấy tờ đơn giản” và “thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn so với quy định pháp luật”, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý lần lượt là 81% và 86%.

CẢI THIỆN NHƯNG CHƯA ĐỒNG ĐỀU

Gánh nặng tuân thủ thủ tục về thanh tra, kiểm tra cũng tiếp tục xu hướng giảm qua thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp phải đón tiếp từ 3 đoàn thanh tra trở lên trong năm 2022 đã giảm còn 7,39%.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, đây là sự thay đổi lớn nếu xem xét diễn tiến chỉ tiêu này trong các năm từ năm 2017 đến năm 2022. Năm 2017, tỷ lệ này lên đến gần 22%. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra trong năm 2022 là 6,69%, giảm từ mức 13,46% của năm 2017.

Xếp hạng PCI 2022 
Xếp hạng PCI 2022 

Dù có những bước tiến đáng ghi nhận, song Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, cho rằng vẫn còn tình trạng “trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả ở các cấp hành chính”.

Người dân hoặc doanh nghiệp “vẫn phải đến trực tiếp bộ phận một cửa để công chức hướng dẫn, yêu cầu quét hồ sơ, tài liệu tại chỗ” dù thủ tục được tiến hành trực tuyến.

Nếu như năm 2021, khoảng 31,9% doanh nghiệp đánh giá “các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố” thì giá trị này đã tăng lên mức 45,2% trong năm 2022.

Tương tự, 50,4% doanh nghiệp trả lời khảo sát năm 2022 cho rằng “chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, cao hơn đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2021 (36%).

Báo cáo cũng chỉ ra, ba lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp lần lượt là thuế - phí, giải phóng mặt bằng và bảo hiểm xã hội.

Tỷ lệ doanh nghiệp trong nước đánh giá thủ tục về thuế- phí phiền hà trong năm 2022 tăng gần 6 điểm phần trăm so với năm 2021 (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), với doanh nghiệp FDI là 27%; giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%).

Trong số các thủ tục hành chính thuế, nhóm doanh nghiệp báo cáo gặp vướng mắc với khâu quyết toán thuế chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 49%, tiếp sau là khâu đề nghị miễn, giảm thuế (29%) và hoàn thuế (21%).

THUẾ - PHÍ CÒN PHIỀN HÀ

Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong năm 2022 cao hơn tỷ lệ tương ứng của năm 2021 ở ba khâu quy trình gồm: khai thuế, quyết toán thuế (nộp tờ khai) và nộp thuế. Đáng chú ý là trong khi sự khác biệt giữa kết quả năm 2021 và 2022 ở khâu khai thuế và nộp thuế là khá nhỏ, thì tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn với quyết toán thuế đã tăng đáng kể từ mức xấp xỉ 25% (năm 2021) lên mức 49% (năm 2022).

“Nhiều trường hợp vướng mắc về quyết toán thuế theo nhận định dường như có liên quan đến việc triển khai hóa đơn điện tử bắt buộc trên toàn quốc để thay thế cho hóa đơn giấy kể từ ngày 01/7/2022, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh vẫn quen thuộc với hóa đơn giấy”, ông Tuấn phân tích.

Tình trạng phiền hà về thuế và phí không chỉ đến từ những khó khăn về tuân thủ mà còn từ các hoạt động quản lý chuyên ngành khác. Số giờ trung bình mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế trong năm 2022 là 9 giờ, tăng so với kết quả năm 2021 và 2020 (lần lượt là 5 giờ và 8 giờ).

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Bức tranh điều hành kinh tế cấp tỉnh 2022: Vẫn còn những “mảng tối” - Ảnh 1