Bùng nổ IPO công nghệ, vì sao châu Âu "tụt hậu" so với Mỹ, Trung Quốc?
Từ đầu năm đến nay, châu Âu chỉ có 26 IPO công nghệ, chưa bằng một nửa so với con số 70 của Mỹ và 92 của Trung Quốc
2020 có thể tiếp tục là một năm bùng nổ cho thị trường IPO tại Mỹ và Trung Quốc với nhiều hãng công nghệ đình đám sắp chào sàn như Palantir và Ant Group. Tuy nhiên, châu Âu dường như bị bỏ lại phía sau khi không có nhiều thương vụ IPO công nghệ đáng chú ý, trái ngược với vài năm trước đây với Spotify hay Adyen.
Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường vốn PitchBook, từ đầu năm đế nay, châu Âu chỉ có 26 IPO công nghệ, chưa bằng một nửa so với Mỹ (70) và chỉ bằng một phần ba so với Trung Quốc (92). Xét về quy mô, các IPO công nghệ châu Âu chỉ huy động được 6,7 tỷ USD, con số tương đối khiêm tốn so với 72,8 tỷ USD tại Trung Quốc và 118,19 tỷ USD tại Mỹ.
Dù cũng có một vài điểm sáng như IPO của hãng thương mại điện tử Anh Hut Group huy động 1,2 tỷ USD vào tháng trước, nhưng chính Balderton Capital, một nhà đầu tư của Hut Group, cũng thừa nhận thị trường IPO công nghệ châu Âu đang khá ảm đạm.
"Dù châu Âu có nhiều hãng công nghệ ấn tượng nổi lên vài năm trở lại đây, nhưng không ít trong số này lại chọn IPO ở Mỹ", Suranga Chandratillake từ công ty vốn đầu tư mạo hiểm Balderton cho biết.
Theo một nghiên cứu của McKinsey, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Phân tích dữ liệu của PitchBook cho thấy châu Âu sản sinh 1/3 startup trên thế giới trong thập kỷ qua, nhưng chỉ chiếm 14% các "kỳ lân" - công ty được định giá từ 1 tỷ USD. Điều này cho thấy hạn chế trong khả năng mở rộng của các startup tại châu Âu.
Dù ngành công nghệ phát triển đáng kể trong vài năm qua, nhiều startup tại khu vực này vẫn phải vật lộn để tăng trưởng ở các giai đoạn sau do những trở ngại trong huy động vốn và thu hút nhân tài. Theo McKinsey, các startup châu Âu chỉ huy động được lần lượt 8% và 13% ở các giai đoạn "Series D" và "Series E" so với startup Mỹ.
Bên cạnh đó, các nhà sáng lập startup châu Âu cũng phàn nàn về quy định liên quan tới quyền chọn cổ phiếu dành cho nhân viên. Họ cho rằng quy định này gây phân tán quyền sở hữu và gây cản trở cho doanh nghiệp so với ở Mỹ. Tại châu Âu, IPO thường được xem là "sự kiện thanh khoản" của nhân viên và nhà đầu tư sớm bởi đó là thời điểm họ được phép bán cổ phần đang nắm giữ
Một hạn chế khác của châu Âu là sự thiếu đa dạng trong cách tiếp cận hoạt động huy động vốn chứng khoán. Ví dụ, Mỹ chứng kiến sự trỗi dậy của các SPAC - công ty thâu tóm vì mục đích đặc biệt. Đây là các công ty chuyên đi huy động vốn để mua lại doanh nghiệp khác rồi sau đó đưa lên sàn chứng khoán. Còn tại Trung Quốc, sàn chứng khoán công nghệ STAR Market - còn gọi là "Nasdaq Trung Quốc" đang cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu hút IPO với sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.
"Tôi không chắc doanh nghiệp có thể làm điều tương tự ở châu Âu", Adam Kostyál, giám đốc mảng niêm yết doanh nghiệp châu Âu của Nasdaq, bình luận. "Một SPAC thu hút dạng nhà đầu tư nhất định và cần một cấu trúc rõ ràng".
Tuy vậy, một số nhà đầu tư công nghệ vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng IPO công nghệ tại châu Âu. Jan Hammer, đối tác tại Index Ventures, nhận định "thị trường đang có nhiều cơ hội tốt để IPO". Ông cho rằng một trong những IPO lớn của châu Âu trong năm nay phải kể đến Unity - startup có trụ sở tại Đan Mạch.
"Chúng tôi không xem IPO là cơ hội để thanh khoản vốn cổ phần mà là bước tiến sang trang mới trong hành trình phát triển của công ty", Hammer cho biết.