10:47 09/07/2024

Cả nước vẫn còn hơn 10 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp

Nhật Dương

Cả nước hiện có khoảng trên 16 triệu người cao tuổi, chiếm hơn 16% dân số. Tuy nhiên, mới có khoảng 5,4 triệu người cao tuổi được hưởng chính sách về lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp người có công, và trợ cấp xã hội. Như vậy, vẫn còn hàng triệu người cao tuổi nằm ngoài lưới an sinh và chưa được hưởng chính sách trợ cấp nào...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là một trong những thực trạng được Bộ Y tế nêu trong báo cáo đánh giá tác động chính sách tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số.

TUỔI THỌ CAO NHƯNG SỐ NĂM SỐNG KHỎE MẠNH THẤP

Bộ Y tế cho biết, theo Dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, khoảng 2,6 triệu người từ 80 tuổi (chiếm 15,9% tổng số người cao tuổi), 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn (chiếm 64%). Tuổi thọ bình quân chung là 73,6 tuổi (nam 71 tuổi, nữ 76,4 tuổi).

Tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh mới chỉ đạt 65 năm. Người cao tuổi mắc trung bình từ 2 - 3 bệnh nền.

Theo dự báo dân số, chỉ số già hóa sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032, là thời điểm nước ta bắt đầu có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em. Nếu năm 2023, cứ hơn 7 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người cao tuổi, thì đến năm 2036 là hơn 3 người, và đến năm 2049 chỉ còn hơn 2 người.

Hiện cả nước mới có khoảng 5,4 triệu người cao tuổi được hưởng chính sách xã hội, bao gồm 2,7 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; hơn 1,2 triệu người có công hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng (phần lớn là người cao tuổi); hơn 1,5 triệu người hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng.

Ngoài ra, khoảng 4,32 triệu người cao tuổi đang tham gia các hoạt động kinh tế, chiếm 26,8% tổng số người cao tuổi trên cả nước.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn những hạn chế. Khoảng 5% người cao tuổi từ 60 –80 tuổi không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có lương hưu, trợ cấp xã hội, và cũng không hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành phố còn khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí thực hiện khám chữa bệnh định kỳ tại cơ sở cho người cao tuổi.

Đời sống của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn, đặc biệt người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ nghèo trong người cao tuổi cũng cao hơn so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước.

Hiện nay, vẫn còn khoảng 65% người cao tuổi ở Việt Nam chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước. Vì thế, họ phải sống dựa vào nguồn tiết kiệm (nếu có), hoặc dựa vào con cái, người thân, hoặc tiếp tục làm việc với mức thu nhập thấp.

Tỷ lệ người cao tuổi hưởng chế độ hưu trí từ đóng góp bảo hiểm xã hội còn thấp. Hiện nay, độ bao phủ bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động còn khiêm tốn, khi số người tham gia bảo hiểm xã hội mới đạt khoảng 38% lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo Bộ Y tế, đây là thách thức cho bảo đảm an sinh xã hội đối với người cao tuổi trong tương lai.

Mặt khác, công tác tạo việc làm cho người cao tuổi có nhu cầu còn hạn chế. Cả nước có trên 4 triệu người cao tuổi đang làm việc trong nền kinh tế, song hầu hết họ đang làm các công việc có tính chất dễ bị tổn thương, và có thu nhập thấp, với gần 80% lao động cao tuổi là lao động tự làm và lao động hộ gia đình...

BẢO ĐẢM MỌI NGƯỜI CAO TUỔI CÓ BẢO HIỂM Y TẾ 

Với những hạn chế như trên, trong dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất nhiều giải pháp để thích ứng quá trình già hoá dân số, dân số già; đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc người cao tuổi, và một số nhu cầu cơ bản của người cao tuổi ngày càng tăng nhanh.

Người cao tuổi tại Hà Nội nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm. Ảnh: Thu Hiền.
Người cao tuổi tại Hà Nội nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm. Ảnh: Thu Hiền.

Tại dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất các giải pháp thực hiện như: Nhà nước có chính sách phát triển các loại hình bảo hiểm cho người cao tuổi; bảo đảm mọi người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; hình thành và phát triển bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; tăng cường trợ giúp xã hội; phát triển dịch vụ chăm sóc dài hạn người cao tuổi.

Cùng với đó, phát triển chuyên ngành lão khoa, viện dưỡng lão, cơ sở chăm sóc ban ngày kết hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng. Đặc biệt khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, đóng góp nguồn lực chăm sóc người cao tuổi.

Đồng thời, xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn người cao tuổi phù hợp với đặc điểm về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế, xã hội, phù hợp các vùng miền, địa phương.

Chú trọng xây dựng các chương trình, dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là người cao tuổi, phù hợp với nhu cầu, sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường. 

Bộ Y tế cũng đề xuất ban hành, bổ sung, sửa đổi chính sách khuyến khích sản xuất một số loại sản phẩm, cung ứng dịch vụ xã hội cho người cao tuổi; chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ người cao tuổi tìm kiếm việc làm và sử dụng người lao động cao tuổi.

Mặt khác, cần lồng ghép các nội dung biện pháp thích ứng với già hóa dân số, dân số già vào kế hoạch của quốc gia, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương; cũng như lồng ghép nội dung thích ứng với già hóa dân số, dân số già khi xây dựng và thực hiện chương trình, dự án về cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội…

Bộ Y tế lý giải, việc thực hiện các chính sách đề xuất trên, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW của Đảng và các chủ trương, đường lối, chính sách về công tác dân số; quy định các biện pháp thích ứng với già hóa dân số, dân số già. Đồng thời, để phù hợp với các quy định tại Công ước quốc tế về các Quyền Kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến công tác dân số mà Việt Nam là thành viên.

 

Luật pháp Việt Nam quy định những người từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi. Cùng với xu hướng chung của thế giới, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam không ngừng tăng lên nhanh chóng.

Việt Nam cũng là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á. Thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già là từ 17-20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước khác, như Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Mỹ 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc 26 năm.