09:53 31/08/2007

“Cà phê Việt Nam sẽ không lên sàn Chicago”

Chu Khôi - Đinh Tịnh

“Sàn Chicago sẽ giúp Việt Nam nâng cấp sàn giao dịch cà phê hiện có tại Đăk Lăk thành một sàn giao dịch quy mô mang đẳng cấp quốc tế”

"Lượng cung cà phê của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu xuất khẩu, giới kinh doanh từ nước ngoài phải vào Việt Nam lùng mua, mà vẫn thiếu hàng.
"Lượng cung cà phê của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu xuất khẩu, giới kinh doanh từ nước ngoài phải vào Việt Nam lùng mua, mà vẫn thiếu hàng.
Nội dung cuộc phỏng vấn ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam.

Xin ông cho biết những nguyên nhân thúc đẩy giá cà phê liên tục tăng cao trong thời gian qua?

Giá cà phê biến động chịu sự chi phối của quy luật cung-cầu. Niên vụ 2005-2006, cà phê mất mùa vì thời tiết khô hạn kéo dài, cây cà phê sinh trưởng và phát dục khó khăn. Sản lượng cung giảm thấp, khiến các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên thế giới phải huy động nguồn cà phê dự trữ. Nguồn cà phê lưu kho cạn kiệt, giới chuyên doanh cà phê thế giới tăng cường mua vào dự trữ.

Niên vụ 2006-2007, cà phê thế giới được mùa lớn, sản lượng của Việt Nam đạt gần 1 triệu tấn, của Braxin đạt 2 triệu tấn, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thu mua của giới chuyên doanh, nên giá cà phê liên tục tăng cao.

Các chuyên gia dự báo, niên vụ 2008, cà phê của Brazil sẽ mất mùa theo chu kỳ 2 năm. Chính vì thế, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê thế giới sẽ mua dự phòng cho cả hai năm kế tiếp.

Giá cà phê luôn dao động ở mức cao, để các doanh nghiệp luôn có lãi. Tuy giá cà phê hiện tại tăng cao, nhưng mới chỉ bằng một nửa so với thời điểm đạt giá cực đại vào năm 1995-1996. Giá cà phê đạt mức cao nhất là 3.000 USD/tấn, vào năm 1995.

Từ năm 2000, liên tục giảm thấp, có lúc xuống tới 400 USD/tấn (vào năm 2001). Hiện tại, giá cà phê đã tăng lên ngưỡng 1.400 USD - 1.500 USD/tấn.

Xin ông cho biết những nét khái quát về giao thương cà phê giữa Việt Nam và thế giới?

Hoạt động giao thương cà phê trên thế giới không ngừng phát triển. Tính riêng trong tháng 6 năm 2007 so với cùng kỳ năm trước, sản lượng giao thương tăng 33%, từ 6,7 triệu bao (trong tháng 6/2006) đã lên thành 9,7 triệu bao (trong tháng 6.2007).

Mỗi niên vụ cà phê kéo dài 9 tháng, từ tháng 10 năm trước đến tháng 7 năm sau. Niên vụ 2006-2007, sản lượng giao thương trên toàn thế giới đạt 92,7 triệu bao, tăng 14,4% so với 64,7 triệu bao của niên vụ 2005-2006.

Hoạt động xuất khẩu cà phê Việt Nam liên tục tăng trưởng, tính riêng tháng 6 năm 2007, đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tính cả niên vụ 2006- 2007, sản lượng xuất khẩu tăng 74% so với niên vụ 2005-2006, từ 589 ngàn tấn lên 884 ngàn tấn.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2005-2006 đến thời điểm này đã đạt 1,4 tỷ USD, gấp 3 lần so với tổng kim ngạch xuất khẩu của rau-hoa-quả. Với tốc độ này, chỉ trong một thời gian rất ngắn nữa, kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ vượt qua gạo, thuỷ sản.

Việc giá cà phê thương phẩm và cây giống tăng cao, sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam?

Giá cà phê giống tăng là phù hợp với quy luật, khi giá sản phẩm đầu ra tăng mạnh, lãi lớn, là động lực thúc đẩy nông dân trồng nhiều cà phê. Tuy nhiên, cũng theo quy luật, khi diện tích canh tác tăng lên, sản lượng nhiều sẽ là một trong những nguyên nhân gây rớt giá.

Nông dân chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt nên đổ xô đi trồng cà phê, và khi rớt giá, họ cũng dễ dàng chặt bỏ, vừa lãng phí lao động vừa lãng phí vốn.

Không riêng ngành cà phê, mà nhiều ngành trồng trọt khác ở Việt Nam cũng luôn phải chịu sự biến động thất thường như vậy. Quy luật giá cả lên xuống được chi phối bởi tương quan cung-cầu.

Cà phê là cây lâu năm mới cho thu hoạch, vì vậy phát triển cây cà phê không nên để tự phát, mà phải có quy hoạch, định hướng. Ổn định nguồn cung là mục tiêu bức thiết, đồng thời cần phải chú trọng cải tạo vườn cây, hoàn thiện công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã họp và nhắc nhở về vấn đề này.

Hiện nay cả nước có 450 ngàn ha canh tác cà phê. Mục tiêu của ngành cà phê nước ta là ổn định với diện tích canh tác nửa triệu ha; sản lượng 1 triệu tấn/năm; và kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD.

Thời gian gần đây có thông tin là cà phê Việt Nam sẽ lên sàn Chicago, xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

Thời gian vừa qua, rất nhiều báo, đài, đã đưa thông tin nói rằng cà phê Việt Nam sẽ lên sàn Chicago. Tôi xin khẳng định rằng thông tin này không chính xác.

Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê và các hiệp hội cà phê có uy tín ở nước ngoài đã điện thoại cho tôi, thắc mắc rằng tại sao sản lượng cung cà phê của các ông chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu xuất khẩu, giới kinh doanh từ nước ngoài phải vào Việt Nam lùng mua, mà vẫn thiếu hàng. Các ông đâu cần phải đem cà phê sang Mỹ làm chi cho vất vả, tốn kém?

Thực chất của vấn đề là như thế này, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, trong chuyến công du sang Mỹ, đã tới thăm sàn Chicago và làm việc về triển vọng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh cà phê, hai bên đã ký bản ghi nhớ. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Lương Lê Phương đã có buổi làm việc với tôi, nghiên cứu kế hoạch hợp tác quan trọng này.

Sàn Chicago sẽ giúp chúng ta xây dựng sàn giao dịch cà phê tại Đăk Lăk trên cơ sở nâng cấp sàn hiện có trở thành một sàn giao dịch quy mô mang đẳng cấp quốc tế. Với kinh nghiệm từ sàn Chicago, chúng ta sẽ xây dựng được một sàn giao thương hiện đại, năng động và hiệu quả, rồi từ đây sẽ phát triển thành một sàn giao thương tổng hợp với rất nhiều loại nông sản: lúa gạo, rau-hoa-quả...