Cá tra Việt Nam đáp ứng nhu cầu sản phẩm có giá thành hợp lý tại Ai Cập
Ai Cập là một trong các điểm đến hàng đầu cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu cá tra tại khu vực Trung Đông. Khác với nhiều thị trường, quốc gia này gần như chỉ nhập khẩu cá tra phile đông lạnh từ Việt Nam...
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), khu vực Trung Đông, trong đó có Ai Cập là thị trường xuất khẩu cá tra tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn nhiều thăng trầm.
“Ai Cập là 1 trong các điểm đến hàng đầu cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong khu vực này. Nhiều điểm tương đồng trong thế mạnh về kinh tế giữa Việt Nam và Ai Cập hoàn toàn có thể phát huy mạnh hơn để gia tăng thương mại giữa 2 nước, trong đó có xuất khẩu cá tra”, VASEP nhận định,
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Ai Cập trong nửa đầu tháng 11/2024 đạt hơn 900 nghìn USD, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/11/2024, lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt hơn 29 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, khác với nhiều thị trường là khách hàng của cá tra Việt Nam, Ai Cập không tiêu thụ cá tra giá trị gia tăng, hay các sản phẩm cá tra khô và đông lạnh khác, quốc gia này gần như chỉ nhập khẩu cá tra phile đông lạnh.
Do đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm mã HS 0304 sang Ai Cập tương đương kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này.
Theo số liệu thống kê của VASEP, trong 10 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 30 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Ai Cập. Trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Thành là doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất, chiếm đến 21% trong tổng giá trị cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Ai Cập; sau đó lần lượt là I.D.I Corp chiếm 10%, Gò Đàng chiếm 8,7%, Cửu Long An Giang chiếm 8,6%, Trần Hân chiếm 7%,...
Ai Cập là quốc gia có tới 90% dân số theo đạo Hồi, do đó thủy, hải sản đã trở thành món ăn kiêng truyền thống ở nơi đây. Tuy nhiên, nguồn cung nội địa từ các hồ nước lớn, sông Nile, các trang trại vẫn không thể đáp đủ nhu cầu và chủng loại cho người dân trong nước, do đó Ai Cập buộc phải nhập khẩu thủy hải sản, trong đó có phile cá tra đông lạnh từ Việt Nam. Người tiêu dùng tại quốc gia Trung Đông này thường sử dụng những sản phẩm có giá cả phải chăng và cá tra Việt Nam đáp ứng được nhu cầu này.
“Cá tra Việt Nam thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu các mặt hàng thủy sản Việt Nam ở đất nước đông dân này. Cá tra Việt Nam có mặt ở khắp Ai Cập, không chỉ ở các siêu thị lớn, nhỏ, các chợ đầu mối mà cả ở các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng”, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam thông tin.
Đã hơn 1 năm kể từ thời điểm căng thẳng trong khu vực Trung Đông nổ ra, xuất khẩu cá tra sang Ai Cập cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự giao tranh dữ dội. Tuy nhiên, đến nay, hợp tác toàn diện giữa Ai Cập và Việt Nam liên tục phát triển.
Tháng 10 vừa qua, Việt Nam và Ai Cập đã nhất trí sẽ xem xét đàm phán các hiệp định, thỏa thuận tạo khung pháp lý cho quan hệ thương mại hai nước. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và còn nhiều tiềm năng để khai thác; nhất trí trao đổi về khả năng thiết lập các khuôn khổ hợp tác thương mại song phương, qua đó, góp phần nâng cao kim ngạch thương mại thời gian tới.
Đồng thời, Việt Nam và Ai Cập có nhiều thế mạnh bổ trợ cho nhau để cùng phát triển. Cả hai đều là những thị trường lớn với hơn 100 triệu dân, có vị trí địa chiến lược quan trọng trên bản đồ thế giới và có thể hỗ trợ nhau để xâm nhập vào những thị trường khu vực lớn hơn.
Với vị trí đắc địa ở nơi giao nhau của ba châu lục là châu Á, châu Âu và châu Phi, đồng thời là thành viên Hiệp định Thương mại Tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), Ai Cập có thể hỗ trợ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tiếp cận các thị trường rộng lớn này một cách hiệu quả, không chỉ sang Ai Cập mà còn là những quốc gia Trung Đông trong khu vực.
“Bên cạnh việc nâng cao uy tín, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn giá sản phẩm để thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng này, việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hình ảnh con cá tra Việt Nam trên các phương tiện của Ai Cập cũng là một lối đi quan trọng nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang “lục địa đen” này”, VASEP đưa ra khuyến nghị.