18:16 10/10/2022

Các gói thầu bảo trì đường thủy có thể vận dụng Thông tư 38/2020 để xây dựng dự toán từ tháng 11

Anh Tú

Thông tư mới có hiệu lực từ tháng 11 tới đây cho phép phương thức đấu thầu (không phải phương thức đặt hàng) vận dụng phương pháp định giá dịch vụ bảo trì đường thủy nội địa tại Thông tư 38/2020 trước đây...

Công tác quản lý, bảo trì công trình đường thuỷ nội địa quốc gia hiện chủ yếu được thực hiện theo phương thức đấu thầu.
Công tác quản lý, bảo trì công trình đường thuỷ nội địa quốc gia hiện chủ yếu được thực hiện theo phương thức đấu thầu.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 22/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2020/TT-BGTVT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, hướng dẫn phương pháp định giá và quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (Thông tư số 22/2022).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/11/2022.

Theo đó, Thông tư số 22/2022 gồm 3 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2020.

Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau: “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn về phương pháp định giá và quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.”

 

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2020/TT-BGTVT nhằm vận dụng kết cấu và phương pháp phê duyệt dự toán (giá) dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa thực hiện theo phương thức đặt hàng, để xây dựng dự toán gói thầu trong trường hợp chưa có hướng dẫn riêng để xây dựng dự toán gói thầu, do vậy không cần bổ sung các chi phí khác trong kết cấu và phương pháp duyệt dự toán gói thầu.

Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau: “Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức thực hiện và cung cấp sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và cho phép vận dụng để xây dựng dự toán gói thầu trong trường hợp chưa có hướng dẫn khác để xây dựng dự toán gói thầu dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa sử dụng ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên”.

So sánh với quy định trước đây, Thông tư số 22/2022 bổ sung nội dung về việc các đơn vị được cho phép vận dụng phương pháp định giá dịch vụ bảo trì đường thủy nội địa tại Thông tư 38/2020 trước đây, để xây dựng dự toán gói thầu, trong trường hợp chưa có hướng dẫn khác.

Lý giải sự cần thiết phải thay đổi nội dung này, theo Bộ Giao thông vận tải, Thông tư 38/2020 không có quy định về xây dựng và quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công thực hiện theo phương thức đấu thầu. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo trì công trình đường thuỷ nội địa quốc gia chủ yếu được thực hiện theo phương thức đấu thầu.

Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cũng có văn bản báo cáo khó khăn vướng mắc trong lập phê duyệt dự toán (giá) dịch vụ sự nghiệp công quản lý bảo trì đường thuỷ nội địa.

Nhiều năm trước, các đơn vị quản lý, bảo trì đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước nên áp dụng theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ. Từ năm 2016 mới bắt đầu áp dụng thí điểm đấu thầu tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công.

Do vậy, tại Quyết định số 386/QĐ-BGTVT ngày 28/03/2022 về việc điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 06 tháng đầu năm 2022, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Đường thuỷ nội địa
Việt Nam chủ trì soạn thảo, Vụ Tài chính chủ trì trình Bộ trưởng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2020.