Các ngân hàng Mỹ kiếm đậm nhờ trái phiếu Nga
Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã dẫn tới việc các ngân hàng Mỹ tháo chạy khỏi Nga. Tuy nhiên, có một điều ít ai ngờ tới là các nhà băng này vẫn đang kiếm được những khoản lợi nhuận béo bở nhờ giao dịch trái phiếu Nga...
Theo trang CNN Business, việc trái phiếu Nga bị bán tháo thời gian qua đã mở ra cánh cửa cho một dạng giao dịch chênh lệch giá (arbitrage) mới. Nhiều ngân hàng đã xem đây là cơ hội kiếm tiền dễ dàng, không thể bỏ qua.
Trong phương thức giao dịch này, người ta mua trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp Nga với mức giá đã giảm sâu, kèm theo các hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng (CDS) – loại bảo hiểm đối với khả năng vỡ nợ của một nhà đi vay.
Trong điều kiện bình thường, kiểu giao dịch này không có ý nghĩa gì, nhưng khi nhà đầu tư bán tháo tài sản Nga do lo ngại chiến tranh và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Moscow, giá trái phiếu Nga đã giảm nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ tăng giá của CDS. Từ đó, cơ hội kiếm lời cũng xuất hiện.
Theo dữ liệu từ hãng tin Bloomberg, kể từ khi chiến tranh nổ ra, khối lượng giao dịch trái phiếu Nga đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm. Dữ liệu từ trang MarketAxess cho thấy trong thời gian từ 24/2-7/4, khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ Nga đạt 7 tỷ USD, từ mức 5 tỷ USD cùng kỳ năm 2021, tương đương tăng 35%.
Giao dịch trái phiếu Nga đang diễn ra sôi động – theo giáo sư Philip M. Nichols đến từ Trường Wharton, Đại học Pennsylvania. “Có nhiều nhà đầu tư đang gom mua trái phiếu Nga sau khi các trái phiếu này bị đánh tụt điểm tín nhiệm và Nga đối mặt nguy cơ vỡ nợ”.
Ông Nichols cho biết ông đã nhận được nhiều cuộc gọi từ các nhà phân tích quan tâm đến việc liệu giao dịch chênh lệch giá đối với trái phiếu Nga ở thời điểm này mang lại khả năng lợi nhuận như thế nào. “Chênh lệch (spread) của trái phiếu chính phủ Nga đang rất lớn. Họ đang thu được những khoản lãi kinh ngạc nếu so với khối lượng giao dịch”.
Chi phí bảo hiểm trái phiếu Nga tăng lên mức 4,3% vào hôm 5/4, từ mức 2,8% trước đó một ngày. Cùng với đó, giá trái phiếu Nga cũng giảm mạnh, với trái phiếu chính phủ Nga đáo hạn vào năm 2028 có giá chỉ 0,34 USD trên mỗi 1 USD mệnh giá. Điều này có nghĩa là chỉ mất 4 triệu USD để bảo hiểm cho 10 triệu USD trái phiếu chính phủ Nga – theo tờ The Economist.
Các quỹ phòng hộ như Aurelius Capital Management, Golden Tree Asset Management và Silver Point Capital đều đã tăng phân bổ vốn vào tài sản Nga, chủ yếu là mua trái phiếu doanh nghiệp nước này – tờ Financial Times cho biết hồi cuối tháng 3.
Các định chế tài chính Mỹ như JPMorgan Chase và Goldman Sachs đang tạo điều kiện cho những giao dịch như vậy, bằng cách kết nối những khách hàng muốn bán tài sản Nga với các quỹ phòng hộ sẵn sàng chấp nhận rủi ro và bỏ qua vấn đề đạo đức, uy tín để mua nợ Nga.
“Đây là Phố Wall”, chiến lược gia trưởng về trái phiếu của Schwab Center for Financial Research, bà Kathy Jones, phát biểu. “Tôi không ngạc nhiên khi chứng kiến một dạng lỗ hổng nào đó có thể bị khai thác để kiếm lợi nhuận”.
Đại diện của JPMorgan Chase cho biết ngân hàng này giữ vai trò trung gian, đơn giản vì muốn hỗ trợ khách hàng. “Là một nhà tạo lập thị trường, chúng tôi luôn giúp khách hàng giảm rủi ro và quản lý danh mục tài sản Nga của họ trên thị trường thứ cấp. Không có giao dịch nào trong số này vi phạm các biện pháp trừng phạt hay mang lại lợi ích cho Nga”, một đại diện nói.
Nếu khách hàng muốn nhanh chóng thoái vốn khỏi tài sản Nga, họ có thể tìm đến các nhà tài phiệt Nga – những người rất sẵn lòng mua lại trái phiếu chính phủ Nga, theo chiến lược gia trưởng Robert Tipp của PGIM Fixed Income. Trong khi đó, việc bán nợ Nga cho các quỹ phòng hộ Mỹ sẽ khiến cho tiền lãi phát sinh từ các trái phiếu đó không rơi vào tay các cá nhân và tổ chức của Nga.
Ông Nichols cho biết các giao dịch này hoàn toàn hợp pháp và mang lại lợi nhuận cao, nhưng cũng có tính đầu cơ cao và tuỳ thuộc nhiều vào tin tức chiến tranh Nga-Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt có thể được triển khai thêm.
Các giao dịch này cũng phản ánh một sự gián đoạn đáng cảnh báo giữa Phố Wall với thực trạng của nền kinh tế.
Thông thường, nhà đầu tư sẽ định giá nợ Nga dựa trên khả năng các khoản nợ đó có thể được trả hay không, và khả năng đó lại tuỳ thuộc vào sức khoẻ của nền kinh tế Nga. Nhưng kết nối này hiện không tồn tại. Các biện pháp trừng phạt mới mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra đối với Nga vào tuần trước đã chặn khả năng tiếp cận của Chính phủ Nga đối với dự trữ bằng USD tại các ngân hàng Mỹ. Điều này đặt ra khả năng Nga vỡ nợ cấp quốc gia và nếu Nga vỡ nợ, nền kinh tế nước này có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng.
Cũng trong tuần trước, Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc tước địa vị thương mại tối huệ quốc (MFN) của Nga. Động thái này mở đường cho việc tăng cường trừng phạt Nga và kiểm soát nhập khẩu từ Nga những sản phẩm quan trọng như thép và hoá chất.
Theo ông Nichols, việc Nga bị tước MFN sẽ gây gián đoạn sự hội nhập của Nga vào nền kinh tế toàn cầu. Nếu Phố Wall duy trì sự kết nối với thế giới thực, thì họ đã không mua nợ Nga.
“Nợ Nga đang có mức độ rủi ro rất lớn, và các định chế tài chính có lẽ không nên mua”, ông nói.